Ứng dụng AI phục dựng ảnh liệt sĩ
Những bức ảnh chất lượng kém, mất chi tiết, kích thước nhỏ... có thể được xử lý bởi AI kết hợp với con người để cho ra sản phẩm cuối chỉ trong 2 tới 3 giờ làm việc.
AI (trí tuệ nhân tạo) đang được ứng dụng vào nhiều dự án mang ý nghĩa cộng đồng, không chỉ giới hạn trong các công cụ giúp việc cho con người. Mới đây, Thành Đoàn Hà Nội đã khởi xướng dự án phục dựng ảnh liệt sĩ với sự hỗ trợ của nhóm tình nguyện viên (TNV) Màu Hoa Đỏ cùng 2 doanh nghiệp công nghệ là Hyratek và Qualcomm trong vai trò hỗ trợ về hệ thống và hạ tầng AI.
Ông Nguyễn Tiến Hưng - Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội khẳng định dự án có ý nghĩa to lớn đối với việc giáo dục truyền thống yêu nước và lòng biết ơn các thế hệ trẻ. "Hợp tác này không chỉ đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ và cơ sở hạ tầng AI vào các lĩnh vực thiết thực, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp công nghệ", ông Nguyễn Tiến Hưng chia sẻ tại buổi ký kết hợp tác chiến lược Triển khai hạ tầng AI giữa Hyratek và Qualcomm vào sáng 30/8 ở Hà Nội.
Quy trình phục dựng ảnh liệt sĩ hỗ trợ bởi AI đặt ra mục tiêu tái tạo lại những bức ảnh cũ, mốc, mất chi tiết... theo thời gian, trả về kết quả đạt chất lượng cao, sát với ảnh gốc nhất. Đại diện nhóm TNV Màu Hoa Đỏ cho biết việc ứng dụng AI này không nhằm thay thế mà chỉ để phục vụ, hỗ trợ người phục dựng trong các bước tốn nhiều công sức. Ảnh thành phẩm sẽ có kích thước 20x30 cm, là kích cỡ ảnh thờ cơ bản tại Việt Nam.
Việc ứng dụng công cụ AI có tên MHD_3.0 (xây dựng trên nền tảng Stable Diffusion - một trong những AI tạo sinh hình ảnh nổi tiếng hiện nay) sẽ đơn giản hóa quy trình phục dựng về số lượng phần mềm cần sử dụng, đồng thời rút ngắn thời gian chỉnh sửa một bức ảnh từ 2-3 ngày xuống còn 2-3 giờ. Bên cạnh đó, AI có khả năng tự động vẽ da, tóc, quần áo, tăng chất lượng chi tiết... hoàn toàn tự động nên sẽ phù hợp với yêu cầu chỉnh sửa hình ảnh số lượng lớn. Chất lượng đầu ra sẽ liên tục được cải thiện vì đi cùng với sự phát triển của công nghệ AI tạo sinh toàn cầu.
Toàn bộ quy trình có thể tóm tắt trong 6 bước, đan xen giữa thực hiện thủ công và tự động với AI gồm:
1 - Xử lý hỏng hóc vật lý trên ảnh (vết ố, xước, mốc, bề mặt vân in giấy kiểu cũ...)
2 - Phục hồi ngũ quan, sắc độ
3 - Xử lý bước cuối ảnh đầu vào (vẽ đường nét, chi tiết, phân vùng sáng tối tại các khu vực, gắn sao/phù hiệu)
4 - Phục dựng kết cấu da mặt, quần áo
5 - Tinh chỉnh (xử lý màu, tẩy xóa chi tiết thừa do AI tạo ra ở bước 4)
6 - Tăng kích cỡ ảnh về chuẩn đầu ra
Ông Nguyễn Văn Tuấn, CEO của Hyratek, chia sẻ tại sự kiện: "Chúng tôi tự hào hợp tác chiến lược với Qualcomm trong nghiên cứu, phát triển và cung cấp hạ tầng AI nói chung, hạ tầng điện toán biên nói riêng tại Việt Nam và toàn cầu, mở ra cơ hội được ứng dụng AI cho các bên có nhu cầu. Ngoài ra, Hyratek cam kết ứng dụng công nghệ cơ sở hạ tầng AI, công nghệ điện toán biên để phục vụ cộng đồng, xã hội, tiêu biểu như hỗ trợ Thành Đoàn Hà Nội trong dự án phục dựng ảnh liệt sĩ mang nhiều ý nghĩa này, góp phần gìn giữ những giá trị lịch sử quý báu của dân tộc".
Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam - Lào - Campuchia - Thái Lan cho biết: "Với dự án phục dựng ảnh liệt sĩ do Thành Đoàn tổ chức, chúng tôi đánh giá đây là hoạt động xã hội hết sức ý nghĩa, minh chứng cho việc ứng dụng AI và cuộc sống một cách thiết thực. Chúng tôi sẵn sàng đồng hành hỗ trợ dự án và tin rằng sự hợp tác này sẽ mang lại những kết quả tích cực cho cộng đồng, giúp tái hiện chân dung các anh hùng liệt sĩ một cách chân thực sống động".
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ung-dung-ai-phuc-dung-anh-liet-si-ar892936.html