Ứng dụng AI vào công việc – không thể cưỡi ngựa xem hoa
Các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) rất hữu ích trong công việc nhưng để có thể vận dụng hiệu quả thì không đơn giản. Một số người dùng có tâm lý nôn nóng, muốn đạt kết quả nhanh mà quên một bước quan trọng: học cách nói chuyện để AI hiểu được mình cần gì. Đây là lý do khiến có người học xong vẫn cứ loay hoay với các công cụ AI mà không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Trong khoảng một năm gần đây, việc ứng dụng AI vào công việc ngày càng phổ biến, kéo theo nhu cầu “học AI” cũng tăng nhanh. Chỉ cần lướt một vòng trên mạng sẽ thấy hàng trăm quảng cáo khóa học dạy kỹ năng AI với những lời có cánh. Học phí cũng không rẻ, khóa một vài buổi giá một vài triệu đồng, còn khóa 1-2 tuần học phí có thể đến hàng chục triệu đồng.
Tuy nhiên, không ít người sau khi học xong vẫn không làm được gì nhiều với những công cụ AI được hướng dẫn. Lý do chính là họ không được hướng dẫn về cách viết yêu cầu (prompt), loại “ngôn ngữ giao tiếp” với AI. Muốn đạt hiệu quả thì AI phải hiểu được chính xác người dùng muốn gì thông qua dữ liệu đầu vào là prompt.
Dạy AI hay dạy xài công cụ?
Các công cụ AI hiện tại đã rất mạnh và thông minh nhưng điều này không đồng nghĩa với việc dễ sử dụng. Điểm mấu chốt trong sử dụng AI là cách người dùng đưa ra yêu cầu, hướng dẫn về mục đích, kết quả muốn đạt được thông qua prompt để công cụ AI xử lý và trả ra kết quả mong muốn.
Một số quảng cáo khóa học dễ dàng “hớp hồn” người xem và khiến họ đăng ký học khi trình diễn kết quả tạo ra từ các công cụ AI. Những kết quả đẹp như mơ này là đầu ra của những prompt chuẩn do các chuyên gia viết ra, còn khi người học ứng dụng thì lại là chuyện khác.
Không ít khóa học chủ yếu dạy cách sử dụng công cụ AI là chính, còn phần hướng dẫn về cách tư duy và kỹ năng viết prompt thì chỉ lướt qua hay không có. Học cách sử dụng công cụ thì nhanh và không khó, nhưng ngoài những gì được học thì người dùng khó mở rộng thêm để ứng dụng vào công việc. Một khi không nắm được cách viết prompt phù hợp thì người học sẽ khó ứng dụng AI để tăng hiệu quả công việc chuyên môn.
Đây cũng là lý do khiến không ít người sau khi học xong vẫn lúng túng trong ứng dụng AI vào công việc vì không mở rộng được kỹ năng sử dụng công cụ AI ngoài những bài tập theo mẫu của khóa học.
Phải chịu mất thời gian với prompt
Muốn ứng dụng tốt AI vào công việc thì người dùng nên bắt đầu từ cách học viết prompt rồi mới đến cách xài công cụ. Chúng ta có thể tự học viết prompt bằng cách tìm tài liệu, tham khảo hướng dẫn của các hãng công nghệ AI hay nhiều tài liệu khác dễ dàng tìm được trên mạng.
Muốn viết được prompt tốt thì phải chịu khó dành thời gian để “trò chuyện” với các công cụ AI hàng đầu như ChatGPT, Copilot của Microsoft, Gemini của Google. Thông qua việc tương tác với các công cụ AI này, chúng ta sẽ tích lũy được kinh nghiệm viết prompt để nâng dần kỹ năng.
Do dựa trên mô hình học máy (machine learning) nên AI không có khả năng phân tích trực giác để hiểu người dùng muốn gì nếu không được yêu cầu rõ ràng. Vì vậy, một prompt tốt cần dùng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu và cụ thể để AI có thể hiểu được yêu cầu của bạn. Trong prompt cũng cần cung cấp đầy đủ thông tin về ngữ cảnh, tránh sử dụng ngôn ngữ mơ hồ hoặc chung chung và cần tránh lỗi chính tả hoặc ngữ pháp.
Cũng cần lưu ý dù hiểu tiếng Việt nhưng AI vẫn xử lý bằng cách quy về tiếng Anh. Vì vậy với các prompt mang tính chuyên môn, chúng ta dùng tiếng Anh chuẩn xác thì AI sẽ cho ra kết quả tốt hơn tiếng Việt.
AI không phải là chiếc đũa thần
Công cụ AI có thể hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ viết nội dung đến thiết kế đồ họa và nhiều công việc khác. Tuy nhiên, AI chỉ là công cụ, đừng coi đây là đũa thần cho công việc.
Với trải nghiệm thực tế của người viết bài thì chúng ta phải đầu tư nhiều công sức tìm hiểu mới lựa chọn đúng công cụ AI phục vụ cho công việc. Đây là việc mất nhiều thời gian vì hiện tại có hàng ngàn công cụ AI đủ loại, việc lựa chọn đúng công cụ không dễ. Ngoài chức năng, công cụ AI được chọn còn phải phù hợp với trình độ, khả năng chuyên môn của người sử dụng.
Chẳng hạn với công cụ đồ họa, hình ảnh của một người am hiểu về thuật ngữ chuyên ngành tiếng Anh, đồ họa với kỹ năng viết prompt nâng cao tạo ra sẽ khác xa ảnh của một người chỉ biết vài câu lệnh prompt đơn giản.
Hay chẳng hạn với công cụ AI làm video Sora đang tạo cơn sốt hiện nay, những đoạn video nhìn rất ấn tượng đó là kết quả từ prompt do những chuyên gia phim ảnh, đây không phải là công cụ cho người nghiệp dư sử dụng.
Ngoài ra, cũng cần luôn đề phòng khả năng phóng tác của AI vì với bản chất là “tạo sinh” (generative), AI có thể chế ra những nội dung “râu ông này cắm càm bà kia”. Nếu không có kiến thức về chuyên ngành đó, bạn sẽ tưởng nội dung tưởng tượng này là chính xác thì có thể lãnh hậu quả khó lường.
AI chỉ là công cụ tốt trong tay người có chuyên môn, vì vậy không nên ảo tưởng AI là cây đũa thần giúp chúng ta giải quyết công việc chuyên môn một cách dễ dàng. Viết prompt để ứng dụng AI trong công việc sẽ trở thành một kỹ năng bắt buộc phải có đối với người lao động trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ung-dung-ai-vao-cong-viec-khong-the-cuoi-ngua-xem-hoa/