Ứng dụng AI xây dựng đô thị thông minh:cần quyết tâm và lắng nghe người dân
Theo các chuyên gia nhận định, việc ứng dụng AI có thể giải quyết nhiều vấn đề trong quản trị và xây dựng đô thị theo hướng thông minh, tuy nhiên vẫn còn thách thức trong việc triển khai do chi phí, nguồn nhân lực cũng như cơ chế đồng bộ dữ liệu…
Vai trò của công nghệ AI trong xây dựng đô thị thông minh đã được chia sẻ và bàn thảo sâu rộng trong khuôn khổ Hội thảo Đô thị thông minh châu Á (29-30/11) tại Hà Nội.
Giải pháp cho nhiều vấn đề đô thị thời đại
Chia sẻ tại "Hội thảo: AI trong xây dựng thành phố thông minh, bền vững", PGS TS. Nguyễn Xuân Hoài – Viện trưởng Viện Trí tuệ Nhân tạo (AI Academy Vietnam) khẳng định, đô thị thông minh là đô thị phát triển bền vững đáp ứng được nhu cầu của chính quyền, người dân, doanh nghiệp trên các khía cạnh kinh tế, vận hành, xã hội, môi trường.
Xây dựng đô thị thông minh được thực hiện dựa trên nền tảng CNTT, số hóa, áp dụng các công nghệ số.
Theo ông Hoài, công nghệ AI có thể tích hợp vào các “tầng” của Đô thị thông minh, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, phục vụ công tác quan trắc, thông báo, quản lý rác thải tối ưu, hỗ trợ xây dựng kho dữ liệu tích hợp dùng chung –vấn đề mọi tỉnh thành địa phương hiện nay đều đang cần trong hướng tới xây dựng đô thị xanh, sạch, bền vững.
"AI cũng có thể ứng dụng cho việc thu thập, tổng hợp, phân tích dữ liệu rất quan trọng cho công tác điều hành đô thị," Viện trưởng Viện Trí tuệ Nhân tạo cho biết.
Trong quản trị chính quyền, công nghệ AI cũng có thể tích hợp để hỗ trợ giám sát an ninh, thông tin và xử lý văn bản, các tác nghiệp của công chức. Gần đây nhất, một số địa phương đã ứng dụng AI tự động hóa dịch vụ hành chính công. “Đối với những đô thị lượng lớn cư dân như Hà Nội, công nghệ AI có thể được tích hợp trong quy trình hành chính công nhằm hỗ trợ thu thập phản ánh, thắc mắc của người dân,” ông Hoài lưu ý.
Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Trí tuệ Nhân tạo cũng cho rằng, vẫn tồn tại những thách thức trong quá trình ứng dụng AI do cơ sở dữ liệu chưa đủ đồng bộ, chưa đủ quy mô; cũng như khó khăn trong tích hợp AI vào hệ thống thông tin, thiếu hụt nguồn nhân lực, chi phí vận hành cao.
Ứng dụng AI vào quản trị đô thị cần lắng nghe người dân
Chia sẻ tại Hội thảo, GS TS Nguyễn Kỳ Phùng – Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, Thủ Đức định hướng phát triển trở thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao; khu kinh tế động lực mới của TP HCM trong tương lai với các mục tiêu xây dựng, khai thác đồng bộ các thế mạnh hiện có cùng các tiềm năng.
Với vị trí cửa ngõ, Thủ Đức tiếp giáp với nhiều khu vực, việc quản lý người dân có độ phức tạp, do đó chính quyền quan tâm tới ứng dụng AI như là một trong những giải pháp quản trị hiệu quả hơn.
Cho đến nay quá trình xây dựng đô thị thông minh ở Thủ Đức đã đạt một số bước tiến ban đầu, khi sử dụng Chatbot GPT trong tương tác với người dân, triển khai hệ thống camera an ninh ứng dụng AI và xây dựng hạ tầng CNTT cho các nội dung chuyển đổi số…
“Lộ trình đến năm 2027, Thủ Đức đặt mục tiêu có ít nhất 780 camera ứng dụng AI – bổ sung thêm các chức năng nhận dạng biển số, nhận dạng đám đông, phục vụ công tác thống kê lưu lượng giao thông hay công tác truy vết trên bản đồ số,” ông Phùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cũng cho biết, công tác ứng dụng AI nói riêng và các công nghệ nói chung vào xây dựng đô thị thông minh vẫn còn gặp những bất cập, như công tác truyền thông chưa đủ mạnh để người dân tham gia, vẫn còn lỗ hổng giữa chính sách và nhu cầu của người dân.
Bên cạnh đó là những thách thức về việc xây dựng quy chuẩn kĩ thuật cũng như thiếu hướng dẫn, thông tư về triển khai, chi phí cho các ứng dụng có công nghệ AI cao hoặc chưa có chế tài cụ thể.
Cho đến nay Thủ Đức đang chỉ đạo Sở Khoa học Công nghệ TP đặt hàng các bên để xây dựng bộ ISO về đô thị thông minh của riêng mình, TS. Nguyễn Kỳ Phùng thông tin.
Trong khuôn khổ Hội thảo, ông Đỗ Bá Dân – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Nam đề xuất kết hợp việc chuyển động xanh với thu thập cơ sở dữ liệu. Dẫn dịch vụ xe đạp công cộng có thu phí tại TP. Hà Nội do Tập đoàn mới triển khai thí điểm gần đây, ông Dân cho biết, các phương tiện này có thể được trang bị thêm các thiết bị cảm biến (sensor) thu thập dữ liệu về môi trường, mức độ độc hại không khí, hay AI camera để thu thập thông tin về hạ tầng đường sá, lưu lượng người và phương tiện trên các cung đường, từ đó đánh giá dân số về khu vực đi qua….
“Đó là một mô hình tiềm năng kết hợp giữa cung cấp dịch vụ di chuyển thông minh với thu thập dữ liệu phục vụ công tác AI sau này,” ông Dân chia sẻ.