Ứng dụng chế phẩm nano bạc – đồng, hướng đi mới trong trồng nhãn
Hướng tới sản xuất an toàn và bền vững, nhiều nhà vườn trong tỉnh đã sử dụng chế phẩm nano bạc - đồng trên cây nhãn và mang lại những hiệu quả, lợi ích thiết thực.
Giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học
Thăm vườn nhãn rộng 1 mẫu sử dụng chế phẩm nano bạc - đồng của gia đình chị Tạ Thị Thanh Hương ở thôn 5, xã Hạ Lễ (Ân Thi) vào thời điểm này, ai cũng nhận thấy sự khác biệt với những vườn khác bởi quả sai, mã đẹp, chất lượng quả ngon. Nâng những chùm nhãn sai trĩu, chị Hương chia sẻ: Những năm trước, tôi đều phòng, trừ sâu bệnh cho cây bằng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học nên chi phí cao, hiệu quả thấp, lại ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất và môi trường. Đặc biệt, sử dụng thuốc BVTV hóa học khi thu hoạch không bảo đảm thời gian cách ly, thuốc tồn dư trong quả sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Vụ nhãn năm nay, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ một phần kinh phí và hướng dẫn kỹ thuật, tôi sử dụng chế phẩm tổng hợp nano bạc – đồng trên cây. Qua theo dõi, so với phương pháp phòng, trừ sâu bệnh truyền thống, sử dụng chế phẩm nano bạc – đồng đạt hiệu quả cao trong phòng và đặc trị bệnh do nấm, khuẩn, vi rút gây bệnh, ngoài ra còn giúp bổ sung dinh dưỡng theo từng giai đoạn phát triển của cây, thúc đẩy mầm hoa phát triển, tăng tỷ lệ đậu quả, chống rụng quả non, hạn chế tác hại của các đợt mưa axít hại hoa và quả. Năm nay gia đình tôi ước thu khoảng 6 tấn nhãn quả, năng suất đạt cao hơn vụ trước 10%.
Sử dụng chế phẩm nano bạc – đồng tại vườn nhãn của Hợp tác xã nhãn cùi vân HL1, HL2 xã Hạ Lễ (Ân Thi)
Hợp tác xã nhãn cùi vân HL1, HL2 xã Hạ Lễ (Ân Thi) hiện có 22 thành viên với 11,5ha trồng nhãn cùi vân, đường phèn… Năm nay, 30% diện tích nhãn của HTX sử dụng chế phẩm nano bạc - đồng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ. Ông Đỗ Đức Kha, Giám đốc HTX cho biết: Qua so sánh với những vườn nhãn của các thành viên sản xuất theo phương pháp truyền thống cho thấy, tại các mô hình nhãn sử dụng chế phẩm nano đạt năng suất tương đương hoặc cao hơn 5 – 10%; đặc biệt hạn chế các bệnh gây hại như thán thư, sương mai và bệnh thối quả; tỷ lệ rụng, nứt quả giảm 15 - 20%; lượng thuốc BVTV giảm 20 - 30%; mã vỏ quả đẹp hơn và được khách hàng tin dùng.
Vụ nhãn này là năm thứ 6 anh Bùi Xuân Sử ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) sử dụng chế phẩm nano trong sản xuất. Anh Sử cho biết: Tôi luôn chú trọng và ưu tiên sử dụng những chế phẩm an toàn như phân bón hữu cơ vi sinh, nano bạc - đồng trong phòng trừ bệnh trên cây, hoàn toàn không sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học. Tôi nhận thấy cây nhãn khỏe, cho năng suất ổn định, chất lượng quả thơm ngon hơn trước và điều đặc biệt đất canh tác không bị thoái hóa...
Hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững
Nhãn là cây ăn quả đặc sản, chủ lực có diện tích lớn nhất trong các loại cây ăn quả của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có trên 5.000 ha nhãn, trong đó diện tích cho thu hoạch đạt khoảng 4.800ha. Thời gian qua, để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị đối với sản phẩm nhãn quả, nông dân trong tỉnh đã chủ động, tích cực trao đổi, học tập và áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật đồng bộ trong sản xuất nhãn, bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định. Nhằm giúp nông dân tiếp cận, mở rộng diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ mới trong việc phòng trừ một số bệnh hại, giảm tỷ lệ rụng, nứt quả, giảm lượng thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học để tạo ra sản phẩm nông sản có chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, phù hợp với các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung theo tiêu chuẩn VietGap, từ năm 2017 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng mô hình thí điểm “Ứng dụng chế phẩm nano bạc – đồng trong phòng trừ nấm bệnh, hạn chế rụng quả non và nứt quả trên cây nhãn” với tổng diện tích 165ha. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ một phần chế phẩm nano và phân bón; được hướng dẫn quy trình sử dụng chế phẩm nano trên cây nhãn theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển; có cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các hộ nông dân phun thuốc, chăm sóc, bón phân kịp thời bảo đảm đúng kỹ thuật.
Qua theo dõi thực tế tại các mô hình cho thấy, việc phun chế phẩm nano bạc – đồng định kỳ đã phát huy hiệu quả khá cao trong việc phòng một số nấm bệnh hại chính trên cây nhãn. Tỷ lệ rụng quả (10%) thấp hơn so với mô hình canh tác theo quy trình thông thường của nông dân (15 – 20%). Ngoài ra, do chế phẩm nano bạc – đồng có tác dụng diệt khuẩn, nấm bệnh trên quả nên vỏ quả sáng, dầy, giảm tỷ lệ nứt; thời gian chín của quả được kéo dài hơn so với phương pháp thâm canh thông thường từ 3 đến 5 ngày qua đó giảm áp lực về thời gian thu hoạch.
Bà Nguyễn Thị Thu, quyền Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Sử dụng chế phẩm nano bạc - đồng trên cây nhãn mở ra một hướng đi mới trong thâm canh cây nhãn nhằm mang lại sản phẩm có mẫu mã, chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần đáp ứng các tiêu chí về chất lượng nhãn của một số thị trường xuất khẩu, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí và tạo dựng một nền sản xuất an toàn, hiệu quả, bền vững. Trong thời gian, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ tiếp tục thử nghiệm, theo dõi, đánh giá cụ thể hơn về tác dụng của chế phẩm nano bạc – đồng trong phòng trừ bệnh hại trên nhiều loại cây ăn quả của tỉnh, từ đó tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất mở rộng áp dụng chế phẩm trong sản xuất đại trà.
Bài, ảnh: Dương Miền