Ứng dụng chữ ký số: Góp phần hiện đại hóa nền hành chính

Mô hình dịch vụ chứng thực chữ ký số của Việt Nam

Sở TT-TT Phú Yên phối hợp cùng Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ vừa triển khai việc ký số trên thiết bị di động cho cán bộ lãnh đạo các sở, ban ngành và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Phú Yên. Không chỉ mang lại tiện ích cho người sử dụng, ký số trên các thiết bị di động còn góp phần hiện đại hóa nền hành chính, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi…

Lịch sử cho thấy, con người đã sử dụng các hợp đồng dưới dạng điện tử từ hơn 100 năm nay với việc sử dụng mã Morse và điện tín. Năm 1889, tòa án tối cao bang New Hampshire (Hoa kỳ) đã phê chuẩn tính hiệu lực của chữ ký điện tử. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ thông tin gần đây, thì chữ ký điện tử mới đi vào cuộc sống một cách rộng rãi. Thập kỷ 1980, các công ty và một số cá nhân bắt đầu sử dụng máy fax để truyền đi các tài liệu quan trọng.

Mặc dù chữ ký trên các tài liệu này vẫn thể hiện trên giấy nhưng quá trình truyền và nhận chúng hoàn toàn dựa trên tín hiệu điện tử. Hiện nay, chữ ký điện tử có thể bao hàm các cam kết gửi bằng email, nhập các số định dạng cá nhân (PIN) vào các máy ATM, ký bằng bút điện tử với thiết bị màn hình cảm ứng tại các quầy tính tiền, chấp nhận các điều khoản người dùng khi cài đặt phần mềm máy tính, ký các hợp đồng điện tử...

Vậy chữ ký số là gì? Theo Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ, thì đó là tập con của chữ số điện tử, sử dụng các thuật toán mã mạnh để tạo thành, chữ ký số không phải là chữ số scan. Không ít người nhầm lẫn giữa khái niệm chứng thư số và chữ ký số. Chứng thư số là một dạng chứng thư điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp nhằm cung cấp thông tin định danh cho khóa công khai của một cơ quan, tổ chức, cá nhân, từ đó xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân là người ký chữ ký số bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng.

Thực trạng tại Việt Nam

Tại Việt Nam, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ được giao nhiệm vụ xây dựng, quản lý, duy trì hạ tầng và cung cấp các dịch vụ chứng thực chữ ký số phục vụ triển khai chữ ký số cho các cơ quan Đảng, Nhà nước. Chứng thư số gồm chứng thư số cho cá nhân (công chức), chứng thư số cho tổ chức (cơ quan), chứng thư số SSL cho dịch vụ, máy chủ (web, VPN, mail)… Các dịch vụ đi kèm bao gồm dịch vụ kiểm tra tính hợp lệ và tin cậy của chứng thư số, hợp lệ và tin cậy cho các giao dịch. Dịch vụ cung cấp dấu thời gian cho các giao dịch.

Để đảm bảo hành lang pháp lý cho hoạt động mới mẻ này tại Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản như Quy định về cung cấp, quản lý chứng thư số, dự thảo Thông tư hướng dẫn cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, Chỉ thị 02 CT/TT-TTg tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ…

Đặc biệt, quy trình cung cấp, quản lý chứng thư số được quy định chi tiết trong Nghị định 130/2018/NĐ-CP nhằm giảm các khâu trung gian trong thực hiện các yêu cầu chứng thực như: giảm cơ quan quản lý thuê bao, cơ quan tiếp nhận yêu cầu. Các cơ quan quản lý trực tiếp (Sở TT-TT) gửi văn bản yêu cầu dịch vụ chứng thực (giấy, điện tử) lên Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin thì sẽ được cấp phát, hướng dẫn cài đặt, sử dụng, theo dõi, quản lý...

Những tiện ích và quyết tâm của chính quyền

Điều dễ dàng nhận thấy khi thực hiện chữ ký số là vẫn đảm bảo được thời gian xử lý các yêu cầu chứng thực nhanh chóng, kịp thời theo nguyên tắc giảm bớt các khâu trung gian nhưng vẫn đảm bảo về thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý hành chính nhà nước. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu thủ trưởng, cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước các cấp cần gương mẫu, quyết liệt chỉ đạo, triển khai và sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Với mục tiêu phấn đấu 100% cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ, công chức lãnh đạo cấp vụ, cục, sở và tương đương trở lên được cấp chứng thư số.

Đồng thời, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin cùng các cơ quan hữu quan, đơn vị cung cấp dịch vụ cần triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số, dịch vụ xác thực điện tử cho các hệ thống thông tin và thiết bị di động để thuận tiện cho việc sử dụng của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan nhà nước. Xây dựng các bộ công cụ hỗ trợ tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ và hướng dẫn cơ quan nhà nước các cấp triển khai sử dụng, phấn đấu hoàn thành trong năm 2019. Đưa tiêu chí về sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá, xếp loại mức độ ứng dụng công nghệ thông tin.

Hiện cả nước đã có trên 20.000 chứng thư số được cấp cho các cơ quan Đảng, 31/31 bộ và cơ quan ngang bộ, 63/63 tỉnh, thành phố đã sử dụng chứng thư số. Hầu hết các cơ quan bộ, ngành, địa phương đã triển khai tích hợp chữ ký số vào các hệ thống điều hành tác nghiệp. Việc áp dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử đạt tỉ lệ rất cao, nhiều cơ quan đạt trên 95%. Điều này đã giảm được thời gian xử lý văn bản, chi phí văn phòng phẩm, tăng năng suất xử lý công việc, thực hiện công việc mọi lúc mọi nơi.

Việc cơ quan quản lý nhà nước sử dụng chữ ký số cùng dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử mà các địa phương đang triển khai với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đã giúp người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng thực hiện các dịch vụ nhanh chóng, thuận tiện khi các dữ liệu công dân được số hóa, quản lý chung, khai báo một lần. Đồng thời tính minh bạch, hiệu quả trong xử lý dịch vụ phục vụ, không gây phiền hà, nhũng nhiễu cũng được tăng lên.

Những khó khăn cần vượt qua

Tuy nhiên, đối với các cơ quan nhà nước, hành lang pháp lý cho Chính phủ điện tử, cải cách hành chính điện tử còn thiếu, còn một số bất cập, chưa đồng bộ. Như lưu trữ điện tử, chữ ký số trên văn bản điện tử… Kỹ thuật tích hợp, triển khai chữ ký số còn phức tạp, chưa thuận tiện khi sử dụng.

Về phía người dùng, vì quá quen thuộc với quy trình giấy, khó chuyển đổi sang cách làm mới. Một số lãnh đạo cơ quan đơn vị chưa hoàn toàn ủng hộ việc chuyển đổi điện tử, chuyển đổi số vì quy trình chuyển đổi mất nhiều thời gian, nhiều khó khăn… nên việc triển khai tại một số địa phương còn chậm. Quá trình quá độ, chuyển giữa văn bản giấy, văn bản điện tử gặp nhiều khó khăn trong quản lý, vận hành, văn thư cơ quan thường vất vả gấp đôi. Kinh phí chuyển đổi hệ thống sang điện tử hóa, số hóa còn khá lớn, duy trì tốn kém.

Đối với người dân, doanh nghiệp, hạ tầng liên thông, chia sẻ dữ liệu còn thiếu, dẫn đến công dân, doanh nghiệp còn phải khai báo, cung cấp dữ liệu nhiều lần. Việc xác thực định danh, sử dụng chữ ký số trong dịch vụ công trực tuyến của doanh nghiệp và người dân, nhất là người dân còn thấp. Lý do vì giá thành chứng thư số còn khá cao.

Cùng với công tác tham mưu cho UBND tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng chứng thư số, chữ ký số, Sở TT-TT Phú Yên đã đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ cấp gần 1.800 chứng thư số cho cá nhân và cơ quan nhà nước thuộc UBND tỉnh Phú Yên; 96 chứng thư số tích hợp SIM KPI ký số trên thiết bị di động cho đối tượng lãnh đạo các sở, ban ngành, cấp huyện trở lên.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên đã và đang chỉ đạo quyết liệt các sở, ban ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ để góp phần hiện đại hóa nền hành chính, đảm bảo an toàn thông tin trong xử lý, trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Từ đó sẽ tăng tỉ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, rút ngắn được thời gian phục vụ cho người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là giải pháp để đổi mới phương thức hoạt động trong quản lý nhà nước theo hướng hiện đại, góp phần cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

QUANG TÙNG - THANH HƯNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/230477/ung-dung-chu-ky-so--gop-phan-hien-dai-hoa-nen-hanh-chinh.html