Chuẩn bị 'bước nhảy' về chuyển đổi số (*): Những gợi ý tốt

Trong chuyển đổi số, một số sở, ngành, địa phương ở TP HCM có cách làm mang tới nhiều kết quả. Đây là kênh quan trọng để những nơi khác tham khảo, ứng dụng trên cơ sở sáng tạo

Thời gian qua, nhiều địa phương ở TP HCM tiên phong trong chuyển đổi số để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp cũng như nâng cao chất lượng quản lý, điều hành.

Hướng tới sự thiết thực hơn

2023 là năm đầu tiên TP HCM tổ chức triển khai đánh giá Chỉ số chuyển đổi số với mục tiêu theo dõi, đánh giá thực chất, khách quan kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của các sở, ban, ngành, địa phương. Trong đó, quận 1 lọt vào tốp 5 địa phương khối quận, huyện về Chỉ số chuyển đổi số năm 2023.

Thông tin tới Báo Người Lao Động, bà Đỗ Thị Ánh Tuyết, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận 1, cho biết quận tổ chức nhiều hội nghị nâng cao nhận thức số và nhân sự số cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức.

Nhân lực cho công tác chuyển đổi số được chú trọng. Quận có công chức chuyên trách về chuyển đổi số và an ninh mạng, số lượng công chức, viên chức kiêm nhiệm một hoặc 2 công tác trên là hơn 2.000. Đến nay 98/98 khu phố của 10 phường đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 480 thành viên.

Cũng theo bà Đỗ Thị Ánh Tuyết, quận 1 duy trì vận hành và phát triển hơn 50 phần mềm, ứng dụng tại UBND quận nhằm phục vụ hoạt động quản lý, điều hành và đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Đáng chú ý, quận tiếp tục thực hiện mô hình "Tiếp nhận đăng ký giải quyết thủ tục hành chính không giấy" trên tất cả thủ tục thực hiện trực tuyến liên thông quận - phường; triển khai phần mềm "Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời một phần hè phố quận 1"...

Kinh tế số cũng có nhiều bước chuyển tích cực khi có 2.136/2.979 điểm đang kinh doanh thực tế tại 5 chợ truyền thống chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; 265 điểm kinh doanh tại chợ Bến Thành có sử dụng máy quẹt thẻ POS; 10 siêu thị, 12 trung tâm thương mại, 150 cửa hàng tiện lợi đã triển khai áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt qua nhiều hình thức.

Trao sứ mệnh cho đoàn viên

Tại quận 5, bà Trương Minh Kiều, Chủ tịch UBND quận, cho biết với 17 bệnh viện công lập và 3 cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn, quận đã trang bị thiết bị đọc mã QR, thực hiện khám chữa bệnh sử dụng căn cước công dân gắn chip thay thế thẻ BHYT. Tỉ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến được nâng cao trong thời gian qua cũng thể hiện nỗ lực rất lớn của các cơ quan, đơn vị trong ứng dụng công nghệ số vào công tác chuyên môn. Một hoạt động nữa là Quận Đoàn quận 5 tổ chức tuyên truyền vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến với phương châm "Mỗi đoàn viên thanh niên là một tuyên truyền viên thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn quận 5" mang lại nhiều tín hiệu khả quan.

Tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM vừa qua, nhiều mô hình, cách làm hay về chuyển đổi số được chia sẻ Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM vừa qua, nhiều mô hình, cách làm hay về chuyển đổi số được chia sẻ Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ở cấp cơ sở, theo bà Lê Thị Thu Huyền - Chủ tịch UBND phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, chuyển đổi số của phường thể hiện qua việc trong tháng 6 đã tiếp nhận, giải quyết đúng hẹn 100% phản ánh. Cùng với đó, thực hiện công trình xây dựng kho dữ liệu số về hồ sơ nhà đất, giúp thu thập dữ liệu số, chuyển đổi toàn bộ hồ sơ nhà đất trên địa bàn phường từ dạng giấy sang dạng số phục vụ hiệu quả công tác quản lý đất đai, xây dựng.

Gỡ vướng để cùng tiến

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết cơ sở dữ liệu địa chính của đơn vị giúp rất nhiều cho các sở, ngành như Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng và hiện nay một số sở liên quan khác cũng sử dụng thông tin cơ sở dữ liệu địa chính như Sở Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo.

Để công việc tốt hơn, theo ông Nguyễn Văn Thanh, dự án công nghệ thông tin hiện nay của sở cần được đẩy mạnh hơn nữa thông qua gỡ vướng giữa các văn bản liên quan, cụ thể là Nghị định 73/2019 của Chính phủ và Thông tư 136/2017 của Bộ Tài chính. Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị để thành phố định hướng cho sở phương án dự toán các dự án công nghệ thông tin, giúp cho sở giải quyết các dự án tồn đọng.

Về kiến nghị này, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường nhấn mạnh quan điểm ưu tiên tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Theo ông, việc cần làm là tháo gỡ các khó khăn liên quan tới nguồn vốn. Ngoài ra, quá trình triển khai dự án cần tập trung các giải pháp, vấn đề gì khó khăn, vướng mắc thì đề xuất UBND TP HCM kịp thời để đẩy nhanh tiến độ.

"Ngành tài nguyên - môi trường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ thì sẽ đạt kết quả tích cực và hỗ trợ cho các ngành khác trong thời gian tới" - ông Bùi Xuân Cường nói.

Được biết, năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện 14 nhiệm vụ, hoàn thành 9/14 nhiệm vụ và đang triển khai 5 nhiệm vụ.

Trong số này, 2 nhiệm vụ liên quan ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là dự án chỉnh lý biến động bản đồ địa chính, chuẩn hóa hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai TP HCM; kế hoạch hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai phục vụ công tác quản lý…

Tối ưu hóa giao thông thông minh

TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải - Trường ĐH Việt Đức, nhận định trong bối cảnh đô thị lớn như TP HCM thì ứng dụng giao thông thông minh rất cần thiết.

Tuy nhiên, với hơn 200 chốt đèn tín hiệu "thông minh" trên tổng số gần 2.000 chốt đèn trên toàn thành phố thì con số này khá khiêm tốn. Do đó, TP HCM cần sớm đầu tư mở rộng, nâng cấp các chốt đèn "thông minh" nhằm nâng cao hiệu quả, giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường trên diện rộng. Ngoài ra, ứng dụng AI để không những cung cấp thông tin tức thời cho người dân mà còn dự báo tình trạng ùn tắc có thể xảy ra.

Khái niệm giao thông thông minh, theo TS Vũ Anh Tuấn, ngoài cách hiểu thường gặp thì cần mở rộng hơn. Đặc biệt, giao thông thông minh cần hướng đến ứng dụng năng lượng điện, giảm phát thải CO2, giảm ô nhiễm môi trường trong tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Ông nhận xét TP HCM đã có những bước đi đầu tiên khi số lượng xe buýt sử dụng nhiên liệu (CNG), xe buýt điện, taxi điện, xe điện công cộng...tăng dần.

T.Hồng

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-7

PHAN ANH - LÊ VĨNH - QUỐC ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chuan-bi-buoc-nhay-ve-chuyen-doi-so-nhung-goi-y-tot-196240709211519977.htm