Ứng dụng chuyển đổi số để tăng tính lan tỏa của phong trào Đoàn

Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng, còn là động lực mạnh mẽ giúp các phong trào công tác Đoàn - Đội hoạt động hiệu quả, tích cực, hiệu quả hơn.

Ban Thường vụ Huyện đoàn An Biên, tỉnh Kiên Giang đã tích cực ứng dụng chuyển đổi số vào tổ chức và triển khai các hoạt động của Đoàn và Đội, qua đó đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả quản lý và tăng tính lan tỏa của các phong trào, trong đó hiệu quả nhất là sinh hoạt Liên đội ở trường học.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tham quan gian hàng giới thiệu thiết bị phục vụ chuyển đổi số. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tham quan gian hàng giới thiệu thiết bị phục vụ chuyển đổi số. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN

Chị Thị Hồng Nhanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Đồng đội huyện cho biết, chuyển đổi số

không chỉ là xu hướng, còn là động lực mạnh mẽ giúp các phong trào công tác Đoàn - Đội hoạt động hiệu quả, tích cực, hiệu quả hơn. Đến nay, 100% cơ sở Đoàn, Liên đội trong huyện vùng sâu An Biên nộp báo cáo và đăng ký phong trào qua biểu mẫu trực tuyến, giảm 40% thời gian xử lý thông tin và tăng độ chính xác trong tổng hợp dữ liệu.

Toàn huyện đã cập nhật dữ liệu của hơn 3.700 đoàn viên, thanh niên lên hệ thống, góp phần quản lý hiệu quả và hỗ trợ tốt hơn trong triển khai các hoạt động Đoàn - Đội. Năm 2024, huyện đã tổ chức và tham gia 6 cuộc thi trực tuyến, với hơn 2.500 lượt tham gia từ đoàn viên, đội viên. Tiêu biểu như Cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử 69 năm giải phóng huyện An Biên và 64 năm chiến thắng Xẻo Rô"; Cuộc thi Tiếng Anh 5.0 do tỉnh tổ chức; các cuộc thi vẽ tranh trực tuyến do Hội đồng Đội Trung ương triển khai. Các trang Facebook, Zalo và TikTok của Huyện đoàn và các cơ sở Đoàn được sử dụng như kênh truyền thông chính để lan tỏa các phong trào, sự kiện.

Trang Facebook Huyện đoàn đạt hơn 5.000 lượt theo dõi, mỗi bài viết về các phong trào trung bình thu hút 250 - 500 lượt tương tác. Chiến dịch "Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng" đã đăng tải hơn 1.200 câu chuyện, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng và được triển khai tại Trường Tiểu học thị trấn Thứ Ba 2, Thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên. Ngoài ra, Chiến dịch này không chỉ khơi dậy những giá trị tốt đẹp giúp học sinh phát triển nhân cách tích cực, mà còn tận dụng công nghệ để lan tỏa sâu rộng những hành động đẹp, nhân văn trong cộng đồng.

Từ giữa tháng 10/2023, Chuyên đề "Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng" của Trường Tiểu học thị trấn Thứ Ba 2 đã được triển khai trong giờ chào cờ đầu tuần và các buổi sinh hoạt của Liên đội. Thông qua những câu chuyện đẹp, những cuốn sách ý nghĩa và tấm gương sáng được đăng tải, hàng trăm học sinh được truyền cảm hứng để phấn đấu vươn lên trong học tập và rèn luyện. Điểm nhấn của chuyên đề chính là những câu chuyện đẹp như: Những tấm gương nhặt được của rơi trả lại người mất; những hành động cứu giúp bạn bè, người thân trong hoàn cảnh khó khăn đã trở thành bài học sống động cho các em.

Trong đó, điển hình là câu chuyện về em Nguyễn Kim Định, lớp 5/4 Trường Tiểu học thị trấn Thứ Ba 2, nhặt được chiếc điện thoại nhanh chóng tìm và trả lại người mất đã khiến cả trường cảm phục. Tinh thần trung thực của em Phạm Phúc Lộc khi trả lại dây chuyền bạc hay việc làm ý nghĩa của em Nguyễn Trần Duy Khương với chiếc đồng hồ điện tử nhặt được đã trở thành những bài học nhân văn sâu sắc. Đáng chú ý, có tới 176 học sinh trong trường đã trả lại số tiền nhặt được trong những năm gần đây khi trên đường đến trường.

Có thể thấy, những hành động tưởng chừng nhỏ bé ấy lại chính là bước khởi đầu để gieo mầm nhân cách, giúp các em hiểu rằng sự trung thực là giá trị cốt lõi của mỗi con người.

Em Trần Võ Hoa Nhi, lớp 5/3, Trường Tiểu học Thị trấn Thứ Ba 2, huyện An Biên chia sẻ: "Bản thân em cũng như tất cả bạn bè ở trong trường khi nhặt của rơi dù nhỏ nhất cũng đem nộp về trường để trả lại cho người đánh mất. Thông qua những câu chuyện, các chuyên đề đó, bản thân em và các bạn đều gắng sức học tập tốt, rèn luyện đức tính khiêm tốn, thật thà, lễ phép với người lớn".

Không chỉ dừng lại ở các câu chuyện đẹp, chuyên đề còn giới thiệu đến học sinh những cuốn sách hay, giàu ý hay những nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc... Các buổi sinh hoạt không chỉ giúp các em tiếp cận tri thức mà còn khơi dậy tình yêu với sách, với văn hóa đọc. Đặc biệt, qua ứng dụng nền tảng số như Facebook, Zalo, Liên đội nhà trường còn lan tỏa các câu chuyện đẹp và nội dung chuyên đề đến cộng đồng. Các bài viết, video được đăng tải định kỳ đã tạo ra sức lan tỏa lớn, khuyến khích phụ huynh và học sinh cùng tham gia xây dựng giá trị tích cực để chia sẻ rộng rãi câu chuyện đẹp, cuốn sách hay và tấm gương sáng.

Đến nay, 100% các Chi đội nhà trường đã tham gia hưởng ứng chuyên đề. Kết quả nổi bật là năm học 2023 - 2024, có 10 cuốn sách hay, 15 câu chuyện đẹp và 10 tấm gương sáng được giới thiệu, ghi nhận và lan tỏa; 34 tấm gương tiêu biểu được tuyên dương về lòng trung thực và nhân ái.

Thầy Mã Thanh Vận, giáo viên Tổng phụ trách Liên đội Trường Tiểu học Thị trấn Thứ Ba 2, huyện An Biên nhấn mạnh, có thể thấy, việc ứng dụng nền tảng số được thực hiện ở huyện vùng sâu An Biên, cụ thể như việc thực hiện Chuyên đề "Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng" không chỉ lan tỏa những giá trị sống đẹp mà còn là ngọn đuốc thắp sáng tâm hồn thế hệ trẻ. Những câu chuyện, cuốn sách và tấm gương sáng hôm nay sẽ là hành trang quý báu giúp các em vững bước trong tương lai, trở thành những công dân tốt, biết yêu thương và cống hiến cho xã hội.

Lê Sen

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ung-dung-chuyen-doi-so-de-tang-tinh-lan-toa-cua-phong-trao-doan/356059.html