Ứng dụng chuyển đổi số trong giảng dạy ngoại ngữ

Chương trình GDPT 2018 với phương pháp tiếp cận hoàn toàn mới, đòi hỏi nguồn học liệu phong phú để giáo viên có thể tham khảo, tự nâng cao trình độ, ứng dụng công nghệ thông tin, bắt nhịp chuyển đổi số để mang đến những bài giảng hiệu quả.

Một tiết học Tiếng Anh tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 7, TPHCM). Ảnh: NTCC.

Một tiết học Tiếng Anh tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 7, TPHCM). Ảnh: NTCC.

Chồng chất khó khăn

Cô giáo Phạm Thị Quỳnh Duyên và Nguyễn Bích Thủy (Trường THCS Ba Đình, quận Ba Đình, Hà Nội) vừa giành giải Nhất cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh” năm 2024, cho biết đã tập trung trong hơn 2 tháng để tìm ra phương pháp trình bày tối ưu, hấp dẫn nhất được đúc rút từ chính quá trình giảng dạy, tự nghiên cứu, học từ đồng nghiệp. Bài giảng được thiết kế có những đổi mới so với các bài giảng trước ở tính tương tác cao, học sinh được thực hành, làm bài tập luôn và có thể chủ động học tập tại nhà. Thông qua bài giảng điện tử còn góp phần giúp học sinh có thêm môi trường tự học, chủ động thực hành, luyện tập.

Trên thực tế, dạy học ngoại ngữ hay bất kỳ môn học nào cũng không thể có tình trạng thầy đọc - trò chép, mà đều đòi hỏi sự tương tác 2 chiều. Đặc biệt, với riêng môn ngoại ngữ, việc dạy học toàn diện cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết là một thách thức với các nhà trường phổ thông hiện nay vì nhiều yếu tố khách quan và cả chủ quan như cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học, hạn chế về trình độ của một bộ phận giáo viên (GV)...

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Thanh Hóa, hiện có khoảng 1/2 GV dạy ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh không được đào tạo chính quy, cơ bản. Không chỉ nằm ở chất lượng đội ngũ, hạn chế về nhận thức của cả người dạy và người học đối với vai trò, ý nghĩa của môn ngoại ngữ cũng tác động đến chất lượng dạy học trong nhà trường. Bên cạnh đó, cơ sở trang thiết bị dạy tiếng Anh còn thiếu nhiều, đặc biệt là máy chiếu, video, phòng luyện âm/thực hành tiếng...

Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương hiện nay dẫn đến thực trạng nhiều năm liền môn Tiếng Anh luôn giữ vị trí “đội sổ” trong số các môn thi tốt nghiệp THPT với điểm trung bình thấp. Như năm 2024, cả nước có 906,549 thí sinh dự tham gia bài thi môn tiếng Anh thì có tới 145 thí sinh có điểm dưới 1 và 386.861 thí sinh đạt điểm dưới trung bình.

Giải pháp từ ứng dụng chuyển đổi số

Giải pháp khắc phục đã được Giám đốc Sở GDĐT Thanh Hóa Trần Văn Thức nhấn mạnh, đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc dạy và học ngoại ngữ. Cùng với đó, tập trung xây dựng đội ngũ GV ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Rà soát hiện trạng sử dụng cơ sở vật chất phục vụ dạy học ngoại ngữ, tham mưu xây dựng kế hoạch tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu cho bộ môn ngoại ngữ. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đổi mới phương pháp dạy học môn Tiếng Anh…

Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm học 2025 - 2026, bố trí đủ GV dạy học ngoại ngữ cho tất cả các cấp học, nhất là các huyện miền núi. Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ; bảo đảm 100% GV dạy ngoại ngữ đạt chuẩn trình độ theo quy định, 100% GV đạt trình độ năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu của Bộ GDĐT. Bố trí, sắp xếp công tác khác hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với GV không đạt yêu cầu theo quy định.

Ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GDĐT cho rằng chuyển đổi số là một hoạt động quan trọng của ngành giáo dục, là công cụ, phương tiện hiệu quả để toàn ngành triển khai đổi mới. Trong đó, nhà giáo không chỉ là người thầy truyền thụ kiến thức mà còn là người truyền cảm hứng với tinh thần đổi mới sáng tạo, là người tạo ra những bài giảng số, những hoạt động giáo dục số trực quan, sinh động, mang lại những giờ học bổ ích cho học sinh.

Thực tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng tiếng Anh trên lớp đã được nhiều trường đã và đang thực hiện. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Loan (Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận 7, TPHCM) cho biết, nhờ ứng dụng chuyển đổi số trong tiết học giúp học sinh say mê, hào hứng tham gia các hoạt động và nắm được nội dung bài học một cách dễ dàng và đầy thích thú. Cụ thể, GV đã sử dụng công nghệ để thiết kế bài giảng sáng tạo hơn, tạo ra tài liệu giảng dạy đa dạng, và tùy chỉnh quá trình học cho từng học sinh. Điều này giúp tạo ra môi trường học tập tốt hơn và nâng cao kết quả học tập của học sinh, giúp kích thích tò mò và sự tham gia của các em.

Cùng với những giải pháp mạnh mẽ từ ngành giáo dục và sự vào cuộc của các địa phương, không thể thiếu sự chủ động đổi mới, sáng tạo của mỗi giáo viên để việc dạy và học ngoại ngữ ngày càng đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập hiện nay.

Lâm An

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ung-dung-chuyen-doi-so-trong-giang-day-ngoai-ngu-10287123.html