Ứng dụng chuyển đổi số trong truyền thông chính sách bảo hiểm tiền gửi

Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0 – cuộc cách mạng về khoa học công nghệ, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Với vai trò là cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm bảo vệ người gửi tiền, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) cần ứng dụng tốt chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền thông chính sách BHTG nhằm đẩy mạnh sự lan tỏa chính sách bảo hiểm tiền gửi cũng như nâng cao niềm tin của công chúng vào hoạt động ngân hàng.

Ngày 13/1/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng.

Theo đó, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN.

Đáng chú ý, Chỉ thị số 02 nhấn mạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức, giáo dục tài chính, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, đúng quy định pháp luật.

Thúc đẩy các hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng để phát triển, cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, an toàn, tăng cường trải nghiệm khách hàng và đáp ứng tốt nhu cầu và kỳ vọng ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp.

Để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông chính sách, trong thời gian tới, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần xây dựng và gia tăng sự hiện diện trên các môi trường số như mạng xã hội, các kênh truyền thông số, qua đó gia tăng độ nhận biết.

Song song với các chương trình truyền thông truyền thống và truyền thông thực địa, tổ chức BHTG cần tăng dần tỷ trọng của các chương trình truyền thông số. Đồng thời, cần tăng khả năng tiếp cận của công chúng tới tổ chức BHTG, qua đó thúc đẩy tương tác số.

Môi trường số cho phép BHTGVN lắng nghe tích cực, chủ động theo dõi dư luận nhằm xác định phương hướng, thông điệp truyền thông.

Một trong những mảng chuyển đổi số không kém phần quan trọng trong truyền thông chính sách là xây dựng kho dữ liệu số về công chúng nói chung và người gửi tiền nói riêng. Trên cơ sở xây dựng kho dữ liệu số về người gửi tiền, tổ chức BHTG có thể nắm bắt được các đặc điểm, nhu cầu, thói quen của từng đối tượng công chúng, qua đó tác động đúng, trúng tới nhóm công chúng mục tiêu nhất định.

Điều này không chỉ cần thiết đối với các chương trình truyền thông số mà có thể áp dụng với các chương trình truyền thông truyền thống. Bên cạnh đó, môi trường số cho phép BHTGVN lắng nghe tích cực, chủ động theo dõi dư luận nhằm xác định phương hướng, thông điệp truyền thông.

Trong tương lai, với việc sử dụng Bigdata và AI, tổ chức BHTG có thể tổng hợp, xử lý, phân tích dữ liệu trên cơ sở các thuật toán, qua đó tự động hóa các nghiệp vụ truyền thông số, giảm bớt chi phí nhân lực đồng thời tăng hiệu quả truyền thông.

Ứng dụng tốt chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền thông chính sách BHTG sẽ là động lực để tăng cường nhận thức về chính sách, qua đó nâng cao niềm tin công chúng. Tuy nhiên, không nên coi việc chuyển đổi số trong truyền thông chính sách là giải pháp vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề.

Cần thực hiện các biện pháp truyền thông trên môi trường số, đồng thời duy trì thực hiện các biện pháp truyền thông trực tiếp hoặc gián tiếp trên thực địa nhằm tiếp cận tới đối tượng công chúng mục tiêu, qua đó xây dựng hiệu quả truyền thông bền vững.

PV

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ung-dung-chuyen-doi-so-trong-truyen-thong-chinh-sach-bao-hiem-tien-gui-106947.html