Ứng dụng chuyển đổi số vào đào tạo các ngành phục vụ tương lai

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục việc làm, quản lý lao động và Bảo hiểm xã hội (BHXH) từ năm 2020 - 2023 tại một số đơn vị trên địa bàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh công tác đào tạo nghề là nội dung quan trọng. Vì vậy, ngành lao động, thương binh và xã hội cần ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào công tác đào tạo các ngành để chuẩn bị nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế trong tương lai, nhất là khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án đường cao tốc hoàn thành.

 Quang cảnh buổi làm việc tại UBND tỉnh. Ảnh: Lan Mai

Quang cảnh buổi làm việc tại UBND tỉnh. Ảnh: Lan Mai

Giải quyết trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề cho hàng ngàn lao động

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2020 - 2023, hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực lao động, việc làm, BHXH được thực hiện đầy đủ, sát thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, doanh nghiệp tiếp cận. Công tác giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng, số lượng nguồn nhân lực, từng bước ổn định thị trường lao động. Về công tác BHXH, toàn ngành BHXH tỉnh phối hợp các cấp, ngành tổ chức hơn 1,7 ngàn hội nghị truyền thông, đối thoại các chính sách, lợi ích khi tham gia BHXH.

Báo cáo Đoàn ĐBQH, Sở Lao động, Thương binh và xã hội cho biết: hiện số lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là hơn 1,8 triệu người. Các ngành, nghề thu hút nhiều lao động gồm: giày da, cơ khí, chế biến gỗ, may mặc, lắp ráp linh kiện điện tử, gia công cơ khí… Giai đoạn 2020-2023, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nhu cầu tuyển 240 ngàn lao động, tương ứng với hơn 12 ngàn vị trí việc làm. Trong đó, lao động phổ thông chiếm trên 88%.

Về giải quyết chế độ cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho gần 238 ngàn lao động; hỗ trợ học nghề cho trên 5 ngàn người; tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 252 ngàn lao động. Đối với đào tạo, quản lý lao động tại địa phương, đơn vị, hiện toàn tỉnh có 57 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 4 năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới, đào tạo trên 297 ngàn người. Hiện nay, các cơ sở đã tổ chức xây dựng lại chương trình đào tạo phù hợp với công nghệ, quy trình sản xuất của doanh nghiệp để hạn chế đào tạo sau tuyển dụng.

 Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội Nguyễn Thị Thu Hiền báo cáo tại buổi giám sát. Ảnh: Lan Mai

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội Nguyễn Thị Thu Hiền báo cáo tại buổi giám sát. Ảnh: Lan Mai

Tuy nhiên, qua giám sát còn cho thấy chính sách phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông; chính sách, pháp luật về lao động, BHXH còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Việc đầu tư trang thiết bị đào tạo nghề không theo kịp tốc độ đổi mới của khoa học công nghệ… Tình trạng chậm BHXH tiếp tục kéo dài, tính đến cuối năm 2023, số tiền nợ BHXH hơn 441 tỷ đồng…

Đẩy mạnh xã hội hóa về giáo dục việc làm

Khắc phục những tồn tại, hạn chế, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án Đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030, làm cơ sở triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cung cấp thông tin danh mục các trường đào tạo thuộc các nước ASEAN+4, có chương trình đào tạo trung cấp, cao đẳng được Việt Nam công nhận để tỉnh chủ động liên kết đào tạo lao động có tay nghề. Bên cạnh đó, hiện nay tỉnh đang xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nguồn lực cho tỉnh, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Do đó, tỉnh sẽ rà soát lại các trường đại học, cao đẳng, công tác tuyển sinh để tiếp tục chỉ đạo xây dựng đề án bảo đảm chất lượng, nhất là nguồn lực cho Dự án Sân bay quốc tế Long Thành.

Qua giám sát thực tế và các báo cáo của các đơn vị, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nắm bắt những vướng mắc, tham mưu Quốc hội ban hành các quy phạm pháp luật cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế. Cùng với đó, đề nghị UBND tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa về giáo dục việc làm để chuẩn bị nguồn nhân lực trong tương lai. Trong đó, phải có sự kết hợp với các trường đại học, trường nghề để có chiến lược đào tạo lâu dài. Về vấn đề BHXH, UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tuyên truyền, nâng cao độ bao phủ BHXH và xử lý nghiêm các hành vi về trục lợi chính sách BHXH.

Đoàn giám sát đề nghị ngành Lao động, Thương binh và xã hội bám sát chức năng, nhiệm vụ, xem lại các văn bản, luật, quy định để tham mưu UBND tỉnh có hướng giải quyết phù hợp. Nhấn mạnh công tác đào tạo nghề là nội dung quan trọng, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị ngành lao động, thương binh và xã hội xem xét nhu cầu của người lao động để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp hiện nay. Đặc biệt, cần ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào công tác đào tạo các ngành để chuẩn bị nguồn lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế trong tương lai, nhất là khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án đường cao tốc hoàn thành. Đối với vấn đề trục lợi BHXH diễn biến phức tạp trên địa bàn, ngành cần quản lý chặt, tránh gây bức xúc trong dư luận.

Nhã Nam

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ung-dung-chuyen-doi-so-vao-dao-tao-cac-nganh-phuc-vu-tuong-lai-post389746.html