Ứng dụng, chuyển giao nhiều công nghệ phòng, chống COVID-19
Trong 2 năm qua, ngành KH&CN đã chủ động hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại địa phương thông qua các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ.
Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, Bộ đã chỉ đạo tăng cường hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại các địa phương thông qua hoạt động của các Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN (Trung tâm) thuộc Sở KH&CN. Những công nghệ, sản phẩm của các Trung tâm đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Điển hình như, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Nghệ An phối hợp với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Hàn nghiên đã đề xuất và triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu thiết kế lắp đặt buồng khử khuẩn di động phục vụ công tác tiệt trùng cho người, vật tại các công sở, bệnh viện, trường học, nhà ga… trong phòng dịch bệnh COVID-19”. Kết quả đã thiết kế lắp đặt buồng khử khuẩn di động phục vụ công tác tiệt trùng cho người tại các công sở, bệnh viện, trường học, nhà ga nơi tập trung đông người; nghiên cứu sản xuất dung dịch dung dịch sát khuẩn Anolyte.
Trung tâm đã chuyển giao 3 buồng khử khuẩn (cho Bệnh viện đa khoa Nghệ An, Khu cách ly Khoa Quân sự - Đại học Vinh và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An) và cung cấp được hơn 10.000 lít dung dịch Anolyte cho công tác phòng trừ dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Nghệ An.
Hay như Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thành phố Cần Thơ đã liên kết với Công ty TNHH Sinh Hóa Phù Sa để thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng virus corona mới”. Đến nay Trung tâm và đối tác đã hoàn thiện Bộ sinh phẩm sinh học phân tử (50 test/bộ) và Hệ thống SPOT CHECK (50 test/bộ).
Bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ cho biết, Trung tâm cũng phối hợp với trường Đại học Y dược Cần Thơ triển khai phòng thí nghiệm xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2. Phòng xét nghiệm đã được Viện Pastuer cấp giấy chứng nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR và đã thực hiện xét nghiệm hơn 15.000 mẫu (tương đương 150.000 người được lấy mẫu) tầm soát COVID-19.
Ngay từ khi có dịch bệnh COVID-19 xảy ra trên địa bàn thành phố Cần Thơ, lãnh đạo Sở KH&CN đã chỉ đạo Trung tâm nâng cấp, phối hợp với các đơn vị thực hiện công tác xét nghiệm, sàng lọc.
Một ví dụ khác, Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp và xây dựng Quảng Ninh nghiên cứu sản xuất máy phun khử khuẩn phòng chống COVID-19. Đến nay Trung tâm đã sản xuất được 100 máy phun khử khuẩn và tiến hành áp dụng khử khuẩn tại các bệnh viện, trường học, UBND các huyện của tỉnh Quảng Ninh.
Thích ứng linh hoạt với COVID-19
Theo Bộ KH&CN, trong giai đoạn 2016-2021, các Trung tâm đã chủ động dịch chuyển và tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đã và đang thực hiện 1.030 nhiệm vụ KHCN để ứng dụng vào thực tiễn,
Đặc biệt, năm 2021, các Trung tâm trên cả nước đã chủ động liên kết nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại địa phương; làm chủ được 290 công nghệ, trong đó tập trung ở một số lĩnh vực như: công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, nông nghiệp, tiết kiệm năng lượng, y dược, công nghiệp, vật liệu, xây dựng…
Cũng trong năm 2021, các Trung tâm đã xây dựng được 161 mô hình ứng dụng KH&CN; thực hiện hơn 1.200 hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ với giá trị 29 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp về ứng dụng, đổi mới công nghệ và thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, các Trung tâm vẫn còn không ít những thách thức cần phải vượt qua.
Hơn nữa, vấn đề đặt ra hiện nay là sự kết nối chuyển giao công nghệ và đưa sản phẩm vào thị trường chưa nhiều. Đồng thời, việc tạo ra sản phẩm có thương hiệu và liên kết theo chuỗi giá trị chưa được quan tâm đầu tư; việc chủ động thích ứng như thế nào với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19 trong triển khai các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ…
Một trong những giải pháp mà Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Tạ Việt Dũng đưa ra, đó là đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, cung cấp thông tin công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ thông qua việc khai thác hiệu quả trang thông tin điện tử của mạng lưới các Trung tâm, nhất là quan tâm đầu tư ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin để phát triển các kênh giao dịch thương mại điện tử đối với các sản phẩm công nghệ của các Trung tâm, thích ứng linh hoạt với điều kiện dịch bệnh COVID-19 và phù hợp với xu thế thương mại điện tử trên toàn cầu.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, KH&CN phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trong đó viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh. Vì vậy, cần đẩy mạnh việc tư vấn, hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp, hình thành mối liên kết với doanh nghiệp; tăng cường hoạt động và hình thành liên kết mạng lưới giữa các Trung tâm với các viện nghiên cứu, trường đại học để khai thác thế mạnh, hỗ trợ và liên kết nghiên cứu ứng dụng các thành quả nghiên cứu.
Để thúc đẩy việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong bối cảnh COVID-19 và làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các Trung tâm cần tiếp tục chủ động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương đồng thời với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KHCN, đặc biệt là các nhiệm vụ đặc thù mang tính địa phương.
Đặc biệt cần tăng cường chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ, kết nối với Trung ương để tạo thuận lợi cho việc quản lý nhà nước, quản lý hoạt động KH&CN tại địa phương cũng như Trung ương được tốt hơn.