Ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ để sản xuất lúa chất lượng cao
Sau thời gian triển khai thực hiện, mô hình 'Sản xuất lúa chất lượng cao ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ theo hướng hữu cơ gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm vụ đông-xuân 2023-2024' được ngành chức năng và người dân đánh giá là mang lại nhiều kết quả khả quan. Đây là cơ sở để nông dân nhân rộng mô hình vào thời gian tới.'Hiện nay, lao động nông nghiệp ở địa phương ngày càng giảm và già hóa nên việc ứng dụng cơ giới hóa sẽ giúp sản xuất nông nghiệp thuận lợi và hiệu quả hơn. Vụ đông-xuân 2024-2025 tôi sẽ tiếp tục thực hiện mô hình, đồng thời mong muốn mô hình sẽ được nhân rộng để hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa, tạo thuận lợi cho tiêu thụ, từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp nông dân bám ruộng làm giàu', ông Trần Duy Khánh cho biết thêm.
Mô hình này được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh phối hợp với Công ty CP Tổng công ty Sông Gianh triển khai tại xã Xuân Thủy (Lệ Thủy) với diện tích 22ha. Hộ ông Trần Duy Khánh trực tiếp thực hiện mô hình, bảo đảm các yêu cầu về điều kiện đất đai, nhân lực và tài chính, tự nguyện cam kết thực hiện mô hình và đối ứng đầy đủ về công lao động, 50% chi phí giống, 66% chi phí vật tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo quy định.
Điểm nổi bật của mô hình là ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào đồng ruộng. Trong đó, việc sử dụng thiết bị bay không người lái đã giúp nông dân giải phóng sức lao động, rút ngắn thời gian gieo sạ, góp phần khắc phục tình trạng thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp, thay đổi nhận thức của người nông dân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng.
Đặc biệt, thiết bị bay không người lái sử dụng công nghệ phần mềm định vị và hệ thống gieo sạ, bón phân, giúp giảm lượng giống gieo (20-25%) phân tán các hạt giống, phân bón đều, bảo đảm lúa đủ dinh dưỡng để sinh trưởng, phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh và hạn chế sâu bệnh hại, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Giống lúa được đưa vào thực hiện là giống lúa Hương Bình, thời gian sinh trưởng trong điều kiện vụ đông-xuân 2023-2024 là khoảng 110-113 ngày, tỷ lệ nảy mầm cao (đạt trên 95%), có khả năng đẻ nhánh tốt, bình quân một thân chính đẻ thêm được 4-5 nhánh, số nhánh hữu hiệu 3-4 nhánh; chiều cao cây trung bình 95-100cm. Đây là giống lúa có chất lượng gạo cao, hạt gạo thon dài, tỷ lệ hạt bạc bụng thấp, cơm trắng, bóng, dẻo, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Trong quá trình thực hiện, Trung tâm KN-KN đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp theo dõi, hướng dẫn quá trình gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật. Trong giai đoạn lúa làm đòng, trổ bông, thời tiết diễn biến phức tạp nên dễ bị sâu bệnh, để phòng bệnh lem lép hạt, vàng lá, khô vằn trên cây lúa, hộ tham gia mô hình đã tổ chức phun thuốc Tilt Super 300EC bằng thiết bị bay không người lái để chủ động phòng bệnh.
Đây là thuốc phòng trừ nấm bệnh phổ rộng, không độc đối với chim, ong, giun đất... nên không ảnh hưởng đến hệ sinh thái đồng ruộng. Qua theo dõi tình hình sâu bệnh gây hại trên cây lúa cho thấy, trong khi lúa đại trà của nông dân có bị nhiễm đạo ôn và rầy nâu thì lúa của mô hình không thấy xuất hiện đối tượng sâu bệnh hại nào đáng kể.
Ông Trần Duy Khánh, nông dân thực hiện mô hình cho biết: Qua thực hiện mô hình, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất thông thường. Sau khi trừ đi chi phí sản xuất trực tiếp và công lao động, cho lãi gần 36 triệu đồng/ha (tương đương 1,8 triệu đồng/sào), cao hơn so với sản xuất thông thường khoảng 32%. Bên cạnh đó, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ mang lại sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe của người sản xuất cũng như người tiêu dùng, đầu ra được Chi nhánh Công ty CP Tổng công ty Sông Gianh-Nhà máy sản xuất giống cây trồng bao tiêu lúa tươi ngay tại đồng ruộng với giá 7.000 đồng/kg nên chúng tôi yên tâm sản xuất.
Giám đốc Trung tâm KC-KN tỉnh Trần Thanh Hải cho biết: Mô hình cho kết quả tốt, lúa sinh trưởng phát triển tốt, năng suất đạt 68 tạ/ha, vượt mục tiêu đề ra của mô hình, đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Mô hình đã góp phần thúc đẩy nông dân tích tụ ruộng đất, hình thành nên vùng sản xuất lớn, tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hóa đồng bộ trên đồng ruộng, đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Bên cạnh đó, thực hiện mô hình theo hình thức hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, tạo đầu ra ổn định cho sản xuất.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại hạn chế, như: Các chi phí về dịch vụ máy móc cơ giới hóa, ứng dụng thiết bị bay không người lái trong gieo sạ, bón phân, phun thuốc không được hỗ trợ, trong khi các chi phí này khá lớn nên gây khó khăn cho hộ trong việc đầu tư triển khai mô hình. Trong vụ lúa hè-thu, trên địa bàn tỉnh cũng đã nhân rộng mô hình ở các địa phương, như: Quảng Tiên (TX. Ba Đồn), Hàm Ninh (Quảng Ninh)…Thời gian tới, trung tâm mong muốn các địa phương có kế hoạch quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ theo chuỗi liên kết sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho nông dân đồng thời có các chính sách hỗ trợ thúc đẩy nông dân ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất để nâng cao hiệu quả canh tác.