Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chuyển đổi số quốc gia

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 336/TB-VPCP về việc phát triển ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội…

Thẻ CCCD gắn chip góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân thực hiện các thủ tục, giao dịch được thuận tiện, nhanh chóng,...

Sau khi nghe Bộ Công an báo cáo tổng quan về Đề án đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Đề án), Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 336/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc phát triển ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội.

PHẤN ĐẤU 100% DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN CẤP ĐỘ 4

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc, việc xây dựng Đề án là cần thiết để thúc đẩy phát triển ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương theo phương châm tiết kiệm, hiệu quả, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương theo phương châm tiết kiệm, hiệu quả, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp...Thông báo số 336/TB-VPCP.

Ngoài ra, các dữ liệu khác liên quan tới người dân được coi như mở rộng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các bộ, cơ quan không được yêu cầu người dân khai báo lại những thông tin đã có tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Để thực hiện hiệu quả việc phát triển ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước với nhau và giữa các cơ quan Nhà nước với các đơn vị cung cấp dịch vụ công thiết yếu, hoàn thành trước tháng 5/2022.

Bên cạnh đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất cơ chế bảo đảm kinh phí duy trì, vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì nghiên cứu đề xuất cơ chế tài chính trong việc chia sẻ dữ liệu, xác thực thông tin giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân đảm bảo thuận tiện, tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp đồng thời các cơ quan được giao xây dựng, vận hành các cơ sở dữ liệu có nguồn kinh phí ổn định, liên tục nhằm duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu và phát triển các tiện ích liên quan để phục vụ yêu cầu chuyển đổi số kinh tế - xã hội.

Trong văn bản cũng nêu rõ, Văn phòng Chính phủ cùng với Bộ Công an, trong tháng 12/2021, lựa chọn một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu mức độ 4 để ưu tiên triển khai thống nhất, đồng bộ, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, xác thực thông tin người dân dựa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để rút kinh nghiệm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, phấn đấu cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đủ điều kiện ngay trong năm 2022 để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện ngay việc đồng bộ dữ liệu giáo viên và học sinh. Bộ Tài chính đồng bộ dữ liệu thuế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý, hoàn thành trong quý I/2022. Đồng thời, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Công an thực hiện kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... và hoàn thành trong quý I/2022.

CHUYỂN ĐỔI SỐ AN TOÀN CHO SMB

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng toàn cầu trong các tổ chức, doanh nghiệp. Ở Việt Nam, quá trình chuyển đổi số hiện nay đang tạo ra những thay đổi lớn đối với các doanh nghiệp truyền thống, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và bất cập trong quá trình triển khai, đặc biệt là các vấn đề về bảo mật an toàn thông tin.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, góp phần tối ưu chi phí và doanh thu. Nó không chỉ là việc cập nhật các hệ thống và ứng dụng công nghệ thông tin mà nó còn là một sự thay đổi văn hóa và mô phỏng lại tất cả các quy trình và cách thức làm việc của công ty.

Báo cáo mới nhất của Frivvo cho thấy 42% doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) hiện coi chuyển đổi kỹ thuật số là vũ khí cốt lõi trong chiến lược tổ chức của họ; 82% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thực hiện cấp độ chuyển đổi số cơ bản trong việc vận hành.

Ngoài ra, khi chuyển đổi số các dữ liệu thường chuyển từ giấy sang dạng số hóa. Các dữ liệu số hóa liên quan đến vấn đề truyền tải, lưu trữ, xử lý đều rất cần bảo mật. Do đó, khi chuyển đổi số sẽ phải chuyển đổi phương thức bảo vệ dữ liệu của mình. Doanh nghiệp cần chuẩn bị về kiến thức và nhân sự để có thể định hướng, quản trị quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp của mình.

Tại Việt Nam, khái niệm đảm bảo an toàn thông tin không còn quá xa lạ nhưng các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ vẫn đang gặp khá nhiều rào cản để có thể tiếp cận với lĩnh vực này, do các vấn đề về ngân sách, nhân sự và kiến thức.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn kinh phí còn hạn chế, các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin không ngừng nâng cao nhận thức và năng lực an toàn thông tin cho khối doanh nghiệp trong nước.

Minh Hà -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ung-dung-co-so-du-lieu-quoc-gia-ve-dan-cu-chuyen-doi-so-quoc-gia.htm