Ứng dụng công nghệ 4.0 giải quyết vấn đề môi trường tại Việt Nam
Vừa qua, Viện Pháp tại Hà Nội (L'Espace), Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn), Báo Khoa học và Phát triển, Tạp chí Tia Sáng đồng tổ chức Tọa đàm 'Câu chuyện môi trường trong thời đại 4.0'.
Công nghệ 4.0 mang đến cơ hội để thay đổi và tạo sức ảnh hưởng lên tất cả các ngành, trong đó, có lĩnh vực môi trường. Tọa đàm “Câu chuyện môi trường trong thời đại 4.0” tập trung thảo luận mối quan hệ giữa lĩnh vực môi trường với cuộc cách mạng công nghiệp mới, về cơ hội và thách thức khi phát triển và ứng dụng công nghệ.
Tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh, giảng viên Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh về vai trò quan trọng của công nghệ 4.0 đối với việc giám sát, phân tích và mô hình hóa về vấn đề ô nhiễm không khí.
Hiện tại, các ứng dụng công nghệ 4.0 như vạn vật kết nối (IoT), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm tốt vai trò giám sát và phân tích ô nhiễm không khí. Hệ thống trí tuệ nhân tạo giúp lập bản đồ phân bố ô nhiễm bụi mịn PM25 toàn quốc.
Về giải pháp theo dõi chất lượng không khí, bà Phan Thanh Hải - Giám đốc điều hành mạng lưới PAM Air cho rằng, những năm gần đây, PAM Air là ứng dụng khoa học khí tượng và công nghệ thông tin bao gồm thiết bị đo, hệ thống phần mềm vận hành ứng dụng và ứng dụng thông minh, cung cấp dữ liệu theo thời gian thực về chất lượng không khí tại Việt Nam với hơn 400 điểm đo 24/24 trên 63 tỉnh thành.
Trao đổi về giải pháp tiết kiệm năng lượng, ông Nguyễn Hoàng Minh - chuyên gia công nghệ thông tin, đồng sáng lập Công ty IOTeamVN cho biết, việc ứng dụng công nghệ trong theo dõi điện năng tiêu thụ theo thời gian thực giúp mỗi người sử dụng điện một cách hợp lý, từ đó giảm chi phí tiêu thụ điện.
Kết thúc buổi Tọa đàm, nhiều chuyên gia nhất trí cho rằng, ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực môi trường là tất yếu, song để bắt kịp xu thế thì ngoài việc nâng cao chất lượng, đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu thì cần phải xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và quy chế quản lý; hỗ trợ, huy động các nguồn vốn cho việc ứng dụng ứng dụng công nghệ 4.0; đẩy mạnh hợp tác và chuyển giao công nghệ; tăng cường bảo đảm an toàn thông tin và xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.