Ứng dụng công nghệ bảo mật, an toàn thông tin

Cục Cơ yếu (Bộ Tổng Tham mưu) đang triển khai Đề án hiện đại hóa ngành cơ yếu quân đội. Một trong những nội dung quan trọng hàng đầu để đề án đạt hiệu quả là công tác nghiên cứu bảo mật, an toàn thông tin (ATTT), làm chủ trang thiết bị kỹ thuật mật mã (KTMM) hiện đại.

Đánh giá kết quả công tác năm 2020, Đảng ủy, chỉ huy Cục Cơ yếu khẳng định: Hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN), xây dựng, thẩm định các giải pháp bảo mật công nghệ thông tin (CNTT), bảo đảm ATTT được triển khai chặt chẽ; tổ chức sản xuất, nghiệm thu trang thiết bị KTMM đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành. Cục triển khai đồng bộ trang thiết bị bảo mật, tham số mật mã và bảo đảm kỹ thuật cho các thiết bị bảo mật của hệ thống Vinasat Bộ Quốc phòng; hệ thống thông tin quân sự của các ngành, các đơn vị toàn quân. Toàn ngành đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông".

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Nghiên cứu (Cục Cơ yếu) trao đổi về tính năng kỹ thuật, chiến thuật sản phẩm mới.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Nghiên cứu (Cục Cơ yếu) trao đổi về tính năng kỹ thuật, chiến thuật sản phẩm mới.

Triển khai nghiên cứu bảo mật cho các dự án CNTT, bảo đảm ATTT, nhất là cho hệ thống truyền hình giao ban trực tuyến, hệ thống Vinasat... là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của ngành cơ yếu quân đội. Đại tá Hoàng Văn Quân, Cục trưởng Cục Cơ yếu, cho biết: Năm qua, cục đã xây dựng thiết kế kỹ thuật, phương án bảo mật CNTT, hệ thống truyền hình giao ban trực tuyến, triển khai và bảo đảm kỹ thuật trang thiết bị bảo mật cho các hệ thống bảo mật CNTT, thông tin liên lạc quân sự, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, các cuộc diễn tập và hoạt động của Bộ Quốc phòng và các đơn vị. Xây dựng bộ chỉ tiêu kỹ thuật, chiến thuật cho máy mã (R) hiệu năng cao; phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ đề xuất thuật toán mật mã sử dụng cho hệ thống (I) thống nhất trong toàn quân. Cục Cơ yếu còn phối hợp với Quân chủng Phòng không-Không quân thử nghiệm, tích hợp vào modul (H) trong thiết bị nhận biết bảo đảm (VN). Cán bộ, nhân viên của cục triển khai nghiên cứu 2 đề tài khoa học và 1 sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp cơ sở. Các đề tài: Nghiên cứu mẫu thiết bị hỗ trợ triển khai và bảo đảm kỹ thuật tại trạm Vsat và xây dựng phần mềm tạo lập, quản lý cấu hình trên thiết bị (I) đều bảo đảm tiến độ theo kế hoạch.

Từ thực tế công tác chuyên ngành, Cục Cơ yếu chỉ đạo triển khai nghiên cứu chế tạo bộ công cụ hỗ trợ công tác kiểm tra an ninh, giám định chất lượng thiết bị bảo mật Vsat mang vác. Cục Cơ yếu còn hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo hội đồng khoa học các cấp thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ nghiệm thu, kiểm định các thiết bị bảo mật, máy mã sản xuất, cải tiến và nâng cấp để đưa vào trang bị cho ngành cơ yếu quân đội. Các sản phẩm thiết bị bảo mật, máy mã chuyên dụng, trang bị chuyên ngành do cơ yếu quân đội sản xuất đều có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành và bảo mật, ATTT.

Cùng với nghiên cứu phát triển, cải tiến, hiện đại hóa trang thiết bị và hệ thống KTMM, Cục Cơ yếu chủ động ứng dụng tiến bộ KHCN, CNTT vào quản lý, bảo đảm kỹ thuật theo phân cấp; kịp thời sửa chữa, khắc phục các trường hợp máy hỏng, duy trì thường xuyên hệ thống bảo mật truyền hình giao ban trực tuyến trong Bộ Quốc phòng và hệ thống KTMM hoạt động ổn định, thông suốt. Cùng với đó, cục chỉ đạo cơ quan chức năng chủ trì, phối hợp xây dựng bộ định mức chi phí bảo đảm kỹ thuật hàng chục loại máy mã, thiết bị bảo mật.

Góp phần vào xây dựng Chính phủ điện tử trong Bộ Quốc phòng, bảo đảm an ninh, bảo mật, ATTT, Cục Cơ yếu tăng cường phổ biến, quán triệt, hướng dẫn sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Cùng với củng cố, duy trì hoạt động hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ điện tử trong Bộ Quốc phòng, Cục Cơ yếu còn tiếp nhận, cấp phát chứng thư số cho các cá nhân đăng ký; thẩm định đề nghị cấp chứng thư số của các tổ chức, cá nhân trong toàn quân. Đồng thời, Cục Cơ yếu tổ chức nghiên cứu xây dựng dự thảo Quy chế quản lý, sử dụng hệ thống chứng thực số trong Bộ Quốc phòng; phối hợp với Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin (Ban Cơ yếu Chính phủ) tích hợp dịch vụ chữ ký số cho một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Thời gian tới, theo Đại tá Hoàng Văn Quân: Cùng với việc duy trì vững chắc hệ thống KTMM, cục chỉ đạo ngành huấn luyện, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên; làm chủ khai thác các sản phẩm mật mã mới, hệ thống chứng thực số và bảo đảm kỹ thuật trang thiết bị KTMM tốt cho các nhiệm vụ. Toàn cục tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ, thực hiện hiệu quả Đề án hiện đại hóa ngành cơ yếu quân đội; tăng cường nghiên cứu xây dựng các giải pháp bảo mật cho các hệ thống thông tin quân sự; bảo mật cho hệ thống thông tin điều khiển vũ khí công nghệ cao, hiện đại; ứng dụng CNTT vào công tác quản lý và mọi mặt hoạt động của ngành...

Bài và ảnh: DƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/ung-dung-cong-nghe-bao-mat-an-toan-thong-tin-653432