Ứng dụng công nghệ bảo tồn di sản
Thời gian qua, nhiều di sản, di tích đã biến mất và cũng có không ít di sản, di tích đang chờ ngày… mất tích. Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng công nghệ được xem là một điểm sáng trong công tác bảo tồn di sản hiện nay.
Xu hướng thức thời
Nhiều du khách đến với Đại nội (TP Huế - Thừa Thiên Huế) trong những ngày đầu năm mới không khỏi ngạc nhiên khi được tham gia chương trình trải nghiệm thực tế ảo “VR - Đi tìm hoàng cung đã mất”.
Theo đó, du khách được trải nghiệm góc nhìn mô phỏng về hoàng cung Huế của 200 năm về trước thông qua 4 dịch vụ VR phi thuyền, VR hải đăng, VR kính viễn vọng, VR lăng Khải Định.
Dịch vụ này được bắt đầu từ cuối tháng 4-2018, đến tháng 10-2018 phải đóng cửa vì chuyển giao giám đốc; từ tháng 5-2019, dịch vụ được khai thác trở lại cho đến nay. Có hai gói để du khách lựa chọn: 50.000 đồng cho 4 phút trải nghiệm VR phi thuyền và 120.000 đồng cho 4 dịch vụ trải nghiệm trong thời gian 15 phút.
“Chương trình đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều du khách khi đến Đại nội, phần đông là khách Việt Nam. Trung bình một ngày bán được 300-350 vé”, một nhân viên cho biết.
Thời gian qua, lĩnh vực bảo tồn di sản đang nhận được sự quan tâm rất nhiều từ dư luận. Bởi thực tế, đã có một số di tích biến mất như lò gốm Hưng Lợi (quận 8), hay bị cháy như chùa Cự Đà (Hà Nội); một số đã được xếp hạng nhưng lại không được quan tâm như đình Thông Tây Hội (quận Gò Vấp). Cá biệt vào năm ngoái, bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí - một bảo vật quốc gia đã bị hư hại do công tác vệ sinh không đúng.
Những dẫn chứng trên cho thấy, di tích, di sản luôn đứng trước những nguy cơ hư hỏng, biến mất mà không ai lường trước được. Khi đó, việc ứng dụng công nghệ hiện đại để bảo tồn di sản, như cách mà Đại nội Huế đang làm, là một việc làm cần thiết, đang được các chuyên gia đánh giá cao. Ít nhất, đây chính là cách giúp thế hệ sau vẫn còn nhớ và biết đến di sản gắn liền với văn hóa, lịch sử của đất nước, mà vì một lý do nào đó, những di tích này không còn nữa.
Trong một lần đến Việt Nam tham dự tọa đàm “Kết nối di tích phát triển du lịch tại Đồng Nai”, chuyên gia Norfarizah Mohd Bakhir (Trường Đại học Sains, Malaysia) cho biết, xu hướng này đang được Trường Đại học Sains ưu tiên hàng đầu để bảo tồn văn hóa địa phương.
Theo bà, di sản văn hóa có 2 loại, bao gồm: di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể (là những loại hình nghệ thuật). Văn hóa không đơn thuần là di sản mà còn là các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, thơ, văn…
Tại Malaysia, nhiều di sản hữu hình và vô hình đã được số hóa; các lễ hội, truyện dân gian được ứng dụng công nghệ tạo ảnh 3D; hay tương tác thực tế ảo đối với các ngôi nhà truyền thống…
“Vấn đề này bao gồm sự kết hợp giữa khán giả và những công nghệ tương tác. Đây là xu hướng mới trong thời đại kỹ thuật số. Khi tham gia vào các hoạt động này, người chơi không chỉ lướt trong thế giới ảo mà còn hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của nó, từ đó họ có ý thức về việc giữ gìn di sản của địa phương mình”, chuyên gia Norfarizah Mohd Bakhir bày tỏ.
Không thể thay thế bản gốc
Dù thức thời và được đánh giá cao, tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ để bảo tồn di sản cũng vấp phải những phản ứng trái chiều. Nguyên nhân chính là vì những sản phẩm từ ứng dụng công nghệ không thể mang lại cảm giác thật so với sản phẩm nguyên gốc.
Chẳng hạn như tại triển lãm Bùi Xuân Phái với Hà Nội vào tháng 10 năm ngoái, được xem là triển lãm đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ 3D mapping và các công nghệ đa phương tiện, kết hợp âm thanh, ánh sáng đặc biệt, tái hiện một không gian nghệ thuật đặc biệt. Trong khi công chúng trẻ tỏ ra hào hứng thì một số người trong giới lại không mấy mặn mà, cho rằng đây chỉ là cách dùng công nghệ một cách “phô trương và hời hợt”.
Theo TS Nguyễn Thị Hậu, đúng là có sự chênh nhau đặc biệt về mặt mỹ thuật giữa hình ảnh 3D và hình ảnh thật. Nhưng vấn đề này cũng hết sức bình thường, không nên quá cực đoan. “Điều này rất tốt khi nó mang lại tính toàn vẹn cho di sản, giúp công chúng tiếp cận dễ hơn; đồng thời hiểu và đánh giá giá trị của di sản tốt hơn”, bà nói.
Còn theo chuyên gia Norfarizah Mohd Bakhir, văn hóa kỹ thuật số không thể thay thế bản gốc, mục đích của nó là nuôi dưỡng, xây dựng và học hỏi từ văn hóa truyền thống, và hoạt động này ngày càng phổ biến. Ứng dụng này cũng để các câu chuyện phía sau di sản văn hóa có thể được chia sẻ rộng rãi.
“Các cuộc phỏng vấn và phản hồi cho thấy, hơn một nửa số người được hỏi đồng ý rằng việc ứng dụng các kỹ thuật trên sẽ không mất đi giá trị truyền thống mà còn là phương thức tốt để bảo tồn văn hóa”, chuyên gia Norfarizah Mohd Bakhir chia sẻ.
TS Nguyễn Thị Hậu đánh giá, “số hóa” di sản là xu hướng hợp thời, quan trọng nhất là nó mang di sản đến với cộng đồng một cách rộng rãi. Ngược lại, cộng đồng cảm thấy di sản gần gũi với mình, từ đó sẽ tiếp cận nhiều.
“Chúng ta cũng có thể thực hiện thành những bộ phim, không chỉ quay di tích mà còn quay các hiện vật cũng như các góc khác nhau rồi cách phục dựng, chế tạo như thế nào. Nó hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm của bảo tàng để bán cho du khách và kiếm tiền rất tốt. Việc này đã được một số bảo tàng trên thế giới thực hiện”, TS Nguyễn Thị Hậu nói thêm.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ung-dung-cong-nghe-bao-ton-di-san-644597.html