Ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa lan cho thu nhập hàng chục tỷ đồng
Nhờ ứng dụng công nghệ trong sản xuất hoa lan, trang trại lan của Hợp tác xã Đan Hoài, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã phát huy hiệu quả kinh tế, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Là một trong 10 trang trại trồng hoa lan Hồ điệp lớn nhất cả nước, với 20.000 m2 đặt tại thị trấn Phùng, Đan Phượng, hàng năm cung cấp cho thị trường hàng trăm vạn cây giống và hoa thương phẩm, Flora Vietnam tự hào mang lại những sản phẩm hoa lan Hồ điệp tràn đầy màu sắc và chất lượng cao.
Bà Huyền Bích, Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài, huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho biết, trang trại hoa lan ở đây chỉ trồng duy nhất một loại lan Hồ điệp, nhưng có khoảng 40 màu sắc khác nhau, trong đó có 1-2 màu là bản quyền chỉ có Flora Vietnam mới có.
Lan Hồ điệp chỉ nở vào mùa lạnh nhưng với trang trại Flora Vietnam lan Hồ điệp sẽ nở quanh năm theo ý muốn của thị trường nên cần phải có kế hoạch trước để trang trại chăm sóc cho hoa nở đúng dịp khách yêu cầu.
Bà chủ trang trại cho biết, nói đơn giản về kĩ thuật là cứ để môi trường lạnh sẽ cho ra hoa nhưng không phải vậy, mà phải có thông số kĩ thuật và tuân thủ theo một quy trình nhất định.
Tất cả các thông số này được ghi chép và số hóa. Để lan nở hoa duy nhất không phải chỉ có mỗi nhiệt độ mà còn cường độ ánh sáng, độ ẩm, tác động về dinh dưỡng, giống cây. Mỗi một loại hoa lại có một cơ chế chăm sóc khác nhau, nếu muốn ra hoa theo ý muốn. Hiện nay, trang trại Flora Vietnam có lan Hồ điệp nở vào mùa hè đó cũng là một sự thành công để ra hoa theo ý muốn.
Đây là một loài hoa rất khó chăm sóc, nhất là vào mùa hè. Muốn hoa nở theo ý muốn cần phải có một cơ sở hạ tầng tốt thì mới đáp ứng được quá trình nhân tạo kích cho hoa nở. Ví dụ, khách muốn đặt đơn hàng vào dịp lễ tết như mùng 8/3, 20/10 hay 20/11 cần phải có kế hoạch trước, dài hơi một chút. Khi làm nông nghiệp công nghệ cao chúng ta có thể chủ động đủ nguồn hàng theo đúng đơn đặt hàng mà không phụ thuộc vào mùa vụ nhiều như trước.
Để có được thành công này, Hợp tác xã Đan Hoài có phương thức sản xuất rất chuyên nghiệp, được liên kết với rất nhiều nhà vườn, trang trại lớn ở Đà Lạt, Sapa, Mộc Châu... cùng tham gia và đem lại hiệu quả cao.
Mỗi năm, Hợp tác xã Đan Hoài doanh thu từ cây giống và cây thương mại đạt khoảng 800.000 - 1 triệu USD. Bà Huyền Bích chia sẻ, sau nhiều năm kinh doanh hoa lan, từ bán lẻ bây giờ HTX chỉ tập trung vào bán buôn và làm theo đơn đặt hàng.
Đến tham quan trang trại hoa lan của anh Nguyễn Tiến Dũng, ở thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh (Hà Nội) được xây dựng khá hiện đại, với hệ thống chăm sóc hoa lan khép kín.
Các công đoạn như tưới nước, nhân giống, tạo thế hoa đều được thực hiện trong nhà màng với tiêu chuẩn cao để hoa phát triển và nở đúng dịp. Các yếu tố nhiệt độ, ánh sáng và nguồn nước được kiểm soát tối ưu giúp cho sự sinh trưởng của hơn 50.000 gốc hoa.
Nhờ ứng dụng công nghệ trong sản xuất hoa lan, giúp cho cây hoa phát triển tốt, trang trại lan đã phát huy hiệu quả kinh tế, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động, với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng- anh Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Anh Nguyễn Tiến Dũng, đại diện trang trại Mê Linh F-Farm cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng để nâng cao chất lượng các loại hoa, thảo dược đang được trồng tự nhiên. Anh cũng kỳ vọng có thể phát triển Mê Linh F-Farm trở thành điểm du lịch sinh thái ấn tượng của huyện Mê Linh và Hà Nội.
Mê Linh là một huyện có diện tích trồng hoa đứng đầu các địa phương phía Bắc của Việt Nam, với khoảng 1.200ha, trong đó chủ yếu là hoa hồng và hoa lan. Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa lan đã đem lại hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho người dân nơi đây, góp phần nâng cao đời sống, phát triển kinh tế của địa phương.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, nhân dân huyện Mê Linh có truyền thống canh tác nông nghiệp, đặc biệt là hoa - cây cảnh và rau màu. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện luôn quan tâm, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mà mô hình trang trại Mê Linh F-Farm là một điển hình.
Trong thời gian tới, huyện Mê Linh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, tập trung. Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị kinh tế từ đất, cải thiện thu nhập cho người dân…" - ông Hoàng Anh Tuấn thông tin.
Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã thấy rõ, nhưng để thu hút được các doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao- theo các chuyên gia nông nghiệp, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ các chính sách, từ đầu tư hỗ trợ giống, sản xuất, cho tới đào tạo, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, chính sách về đất đai…, tức là tích hợp các chính sách.
Nếu cứ thực hiện từng chính sách riêng sẽ rất tản mạn, tách rời nhau gây lãng phí và khó hoàn thành mục tiêu của thành phố là xây dựng các vùng nông nghiệp tập trung, vùng sản xuất giống, xây dựng các khu công nghệ cao…
"Đặc biệt, rất cần có chính sách khuyến khích để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn Hà Nội, vì thường vào lĩnh vực này có tính rủi ro cao, trong khi nếu không có doanh nghiệp đầu tư thì nông nghiệp không thể phát triển được"- ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh./.