Ứng dụng Công nghệ cao thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp

Ngành nông nghiệp nước ta hiện nay đang thực hiện kế hoạch cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu. CNC, công nghệ tiên tiến đã và đang được ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất để mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC.

Tại Hội thảo “Thúc đẩy Ứng dụng Công nghệ cao trong chuỗi cung ứng nông sản vì một nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu” ông Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ mới đã và sẽ tiếp tục mạng lại giải pháp đột phá dựa trên nền tảng công nghệ để giải quyết các thách thức của phát triển hiện nay, trong đó nông nghiệp và biến đổi khí hậu là một trong những lĩnh vực được quan tâm.

"Công nghệ thông tin đã giúp tạo ra nhiều hệ sinh thái mới cho các sản phẩm nông sản , công nghệ sinh học và nano giúp tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, giúp giải quyết nhiều của ngành nông nghiệp từ sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ", ông Khải nhấn mạnh.

Ông Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Ông Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết:Hiện nước ta có hơn 23.000 HTX, trong đó HTX nông nghiệp chiếm hơn 60%, 88 liên hiệp HTX và 104.000 tổ hợp tác. Trong 2 năm 2018 và 2019, Liên minh HTX đã hỗ trợ gần 160 mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng nông sản, có ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao... như HTX chăn nuôi Mộc Bắc, HTX chăn nuôi Bình Thành, tỉnh Hà Nam; HTX thanh long Mỹ Tịnh An, Tiền Giang; HTX nông nghiệp Phò Ninh, Thừa Thiên Huế...

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta ước đạt khoảng 41,3 tỷ đô la Mỹ, xuất siêu gần 10 tỷ đô la Mỹ. Hiện có 7 nhóm sản phẩm xuất khẩu trên 2 tỷ đô la Mỹ là cà phê, cao su, gạo, hạt điều, trái cây, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, biến đổi khí hậu tác động đến nông nghiệp và các ngành liên quan có thể làm giảm từ 0,7% đến 2,4% GDP của nước ta vào năm 2050. Năng suất nông nghiệp giảm 5,8 lần nếu không có hành động ứng phó biến đổi khí hậu.

Cụ thể lúa giảm gần 1,5 triệu tấn, bắp gần 900.000 tấn, cà phê, khoai mì... năng suất cũng giảm từ 3,6% đến 6,6%. Với dự báo nước biển dâng 1 mét, sẽ có khoảng gần 11.000 km vuông đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản bị ngập.

Phát triển nông nghiệp Công Nghệ Cao là vấn đề then chốt trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0

Phát triển nông nghiệp Công Nghệ Cao là vấn đề then chốt trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0

Tại Việt Nam, nông nghiệp tạo ra gần 15% tổng sản phẩm quốc nội nhưng cũng đóng góp từ 19% đến 29% phát thải khí nhà kính. Nông nghiệp Việt Nam và các quốc gia khác cần thay đổi trước khi biến đổi khí hậu thay đổi chúng ta.

Theo Liên minh HTX Việt Nam, thời gian qua, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đã và đang tham gia tích cực trong xây dựng phát triển nhiều vùng nguyên liệu, vùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, góp phần giảm phát thải và sản xuất nông nghiệp bền vững. Thách thức lớn nhất của mô hình giải pháp dựa trên các dự án này là tính bền vững của mô hình khi dự án kết thúc, cụ thể là việc đưa sản phẩm nông sản ra thị trường và đảm bảo chất lượng sản phẩm khi được đưa vào chuỗi cung ứng.

Tại hội thảo các đại biểu, doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệp trong phát triển nông nghiệp bền vững, mô hình HTX nông nghiệp, nhất là mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời cùng nhau thảo luận kiến nghị các giải pháp phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng nống sản vì mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hoàng Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ung-dung-cong-nghe-cao-thuc-day-phat-trien-nen-nong-nghiep-130022.html