Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm

Thời gian gần đây, nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được người nông dân ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng thành công mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, không ít mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học rất mới hiện nay của Na Uy, Hà Lan, Thái-lan… trong sản xuất con giống, xây dựng ao nuôi, xử lý nguồn nước.

Thời gian gần đây, nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được người nông dân ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng thành công mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, không ít mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học rất mới hiện nay của Na Uy, Hà Lan, Thái-lan… trong sản xuất con giống, xây dựng ao nuôi, xử lý nguồn nước.

Thông thường, cứ vào mùa mưa, hầu hết các ruộng muối ở Bà Rịa - Vũng Tàu lại bỏ không, trong khi giá muối không ổn định, đời sống của người làm muối rất bấp bênh. Ðể nâng cao hiệu quả sản xuất, mô hình luân canh tôm - muối theo mùa mưa - nắng được áp dụng và những năm gần đây, trước hiệu quả thấy rõ của nghề nuôi tôm, nhiều hộ dân đã chuyển hẳn sang nuôi tôm chuyên canh theo công nghệ cao, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ông Lê Quang Hùng (phường 12, TP Vũng Tàu) cho biết, nhiều năm trước, do đòi hỏi bức bách về kinh tế nên gia đình ông quyết định thử nghiệm mô hình nuôi tôm luân canh. Nhận thấy, nuôi tôm mang lại lợi nhuận hơn hẳn nghề muối cho nên ông đã chuyển hẳn sang nghề này. Ðể có hiệu quả kinh tế cao, bắt đầu từ năm 2018 gia đình ông Hùng quyết định đầu tư nuôi tôm sú theo hướng ứng dụng công nghệ cao (áp dụng quy trình lắng lọc nước hiện đại, lót bạt nền ao, lắp đặt hệ thống mái che, máy sục khí, quạt...). Ông Hùng cho biết: Ðầu tư hơn một tỷ đồng trên diện tích 1,5 ha, tôi nuôi ba vụ tôm/năm, sản lượng trung bình đạt hơn 16 tấn, sau khi trừ chi phí mỗi năm lãi gần một tỷ đồng.

Chủ cơ sở nuôi tôm Liên Giang (xã An Ngãi, huyện Long Ðiền) Bùi Thế Vương cũng bắt đầu xây dựng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao từ tháng 5-2019. Ngoài áp dụng quy trình ba sạch (nước sạch - giống sạch - đáy ao sạch), ông Vương còn được Công ty C.P Việt Nam chuyển giao công nghệ nuôi bốn giai đoạn. Ông Vương cho biết: "Các ao nuôi sử dụng nước tuần hoàn, kiểm soát được chất lượng cho nên không gây ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm gần như không xảy ra, tỷ lệ tôm sống lên đến 90%. Cùng với đó, các ao nuôi đều được lót bạt đáy và bờ, có hệ thống ô-xy đáy, máy cho ăn tự động...

Bên cạnh những mô hình sản xuất vừa và nhỏ của các hộ nông dân, nhiều mô hình nuôi tôm có diện tích từ vài chục cho đến hàng trăm héc-ta, được đầu tư bài bản của các doanh nghiệp lớn cũng cho những kết quả rất đáng khích lệ. Ðiển hình như Công ty TNHH Minh Phú - Lộc An (huyện Ðất Ðỏ) có dự án nuôi tôm công nghệ cao lớn nhất trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích khoảng 300 ha, tổng vốn đầu tư hơn 720 tỷ đồng. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty cho biết, công ty đang áp dụng mô hình nuôi công nghệ cao theo hình thức siêu thâm canh (mật độ từ 200 đến 350 con/m2). Các ao nuôi được thiết kế theo quy cách hồ tròn, trải bạt, nổi trên mặt đất, bảo đảm bốn sạch là giống sạch, nước sạch, đáy ao sạch và sạch kháng sinh. Với quy trình nuôi tiên tiến này, năm 2019, sản lượng ước tính của trại nuôi Công ty Minh Phú - Lộc An là hơn năm nghìn tấn tôm, đạt lợi nhuận hơn 155 tỷ đồng. Trước những khó khăn về nguồn nước mặn, Công ty Minh Phú đang hoàn tất thủ tục để xây dựng đường ống ngầm dẫn nước mặn từ cửa biển Lộc An vào trang trại nuôi. Sau khi hoàn thành đường ống, công ty sẽ liên kết với các tổ chức, cá nhân có diện tích nuôi ngoài vùng dự án nhằm xây dựng chuỗi giá trị, vừa góp phần chuyển giao công nghệ nuôi, chia sẻ nguồn nước từ cửa biển Lộc An, đồng thời bao tiêu toàn bộ đầu ra theo cơ chế thị trường.

Tính đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng diện tích nuôi tôm khoảng 3.400 ha, trong đó, hơn 600 ha nuôi tôm theo hình thức công nghiệp. Tỉnh đã quy hoạch các khu sản xuất nuôi trồng thủy sản tập trung, như: Khu nuôi tôm công nghiệp Bàu Sình A, Bàu Sình B (huyện Xuyên Mộc); khu nuôi trồng thủy sản nước mặn theo hướng nuôi công nghiệp tại phường Kim Dinh (TP Bà Rịa); khu nuôi trồng thủy sản nước mặn tại xã An Ngãi (huyện Long Ðiền). Ðầu tháng 6-2019, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã công nhận Vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao Lộc An (tại xã Lộc An, huyện Ðất Ðỏ) là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Mai Thanh Quang cho biết: Thời gian qua, việc ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi tôm nói riêng được triển khai khá hiệu quả. Ngoài nâng cao năng suất, tăng chất lượng tôm thành phẩm, những chỉ số về môi trường, dịch bệnh cũng được khắc phục đáng kể. Thời gian tới, ngành khoa học - công nghệ tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình chuyển giao công nghệ, cập nhật mô hình sản xuất tiên tiến, giới thiệu giải pháp kỹ thuật, giúp người nông dân từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất vốn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu sang những mô hình ứng dụng công nghệ cao.

LÊ ANH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/ung-dung-cong-nghe-cao-trong-nuoi-tom--617816/