Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Trong những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã tích cực áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua đó đã góp phần giảm sức lao động, giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời giải quyết được vấn đề thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp và thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân...
Là người tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất chè ở thôn Hải Đông, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà, anh Nguyễn Văn Thiện đánh giá rất cao hệ thống tưới tự động tiết kiệm cho hơn 2ha chè của gia đình. Đây là hệ thống tưới tiêu vận hành thông qua điện thoại di động. Trước đây, với diện tích này, anh Thiện phải thuê 4 lao động, hiện nay chỉ cần một mình anh điều khiển từ xa cũng có thể hoàn thành trong chưa đầy 1 giờ đồng hồ. Đặc biệt, hệ thống tưới này không chỉ giúp cung cấp nước cho vùng chè, mà toàn bộ phân bón sử dụng là phân chuồng, phân xanh và các loại phân hữu cơ khác cũng được hòa qua hệ thống tưới tự động để bón cho cây... Anh Thiện cho biết: Việc áp dụng công nghệ số vào các khâu trong sản xuất đang là một xu hướng tất yếu đối với nông nghiệp hiện đại. Cách làm này sẽ góp phần tiết kiệm tối đa nhân lực mà vẫn đảm bảo hiệu quả cao nhất trên cùng một diện tích canh tác.
Cùng với anh Thiện, thời gian qua, trên các diện tích sản xuất nông nghiệp trong tỉnh, việc áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào các khâu sản xuất đang được bà con nông dân tích cực triển khai. Đơn cử như trong sản xuất lúa, hiện các khâu gieo cấy, thu hoạch được áp dụng cơ giới hóa ngày càng cao. Toàn tỉnh có trên 700 máy cấy các loại; việc ứng dụng mạ khay, cấy lúa bằng máy là một bước tiến trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tích cực thực hiện chủ trương đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Việc sử dụng máy cấy giúp các địa phương quy hoạch được vùng sản xuất gieo cấy cùng một loại giống, cùng trà thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, góp phần thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ.
Đối với khâu thu hoạch lúa, mức độ cơ giới hóa trong thu hoạch lúa đạt 96,5%. Việc sử dụng phổ biến các loại máy gặt đập liên hợp giúp cho khâu thu hoạch lúa bảo đảm thời vụ, góp phần tăng năng suất, chất lượng và giảm đáng kể tổn thất, hao hụt. Cùng với đó, khâu vận chuyển nông sản được phát triển mạnh, phương tiện vận tải ở khu vực nông thôn trong tỉnh không ngừng tăng lên và góp phần tích cực vào việc giảm bớt lao động nặng nhọc cho người lao động nông nghiệp, giải quyết tốt việc vận chuyển nông sản trong thời vụ.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong sản xuất nông nghiệp đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn tỉnh hiện có trên 7.000 máy làm đất các loại, đáp ứng 95% diện tích canh tác; hơn 2.500 máy tuốt đập, 3.000 máy xay xát đáp ứng trên 95% nhu cầu sản xuất. Một số chủng loại máy mới được đưa vào sản xuất tại các khâu công việc như: Vận chuyển, đập tách hạt, bơm nước; các khâu mới như: Phun thuốc bảo vệ thực vật, xúc đào mương ngày càng được áp dụng rộng rãi. Hiện tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch đạt trên 80%; tưới tiêu chủ động đạt 80% diện tích. Ngoài ra, còn nhiều mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong chế biến thức ăn chăn nuôi, tự động cho ăn, uống, máy vắt sữa, nghiền thức ăn... được thực hiện, đầu tư cơ bản ở các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi. Với việc nâng cao hiệu quả cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đã giúp bà con nông dân chủ động thời vụ gieo trồng, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng năng suất cây trồng, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập cho người nông dân.
Trong thời gian tới, để tiếp tục tạo ra những chuyển biến hiệu quả hơn nữa từ cơ giới hóa, ngành nông nghiệp Quảng Ninh có kế hoạch tập trung thực hiện các giải pháp: Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn phù hợp việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từng bước tiến tới tự động hóa trong khâu sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, phù hợp với điều kiện từng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, từng loại cây trồng, vật nuôi chính như: Lúa, rau màu, chăn nuôi, thủy sản... Tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và đào tạo nguồn nhân lực sử dụng thành thạo các máy móc, thiết bị đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp. Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ ở tất cả các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, phù hợp với điều kiện từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi; áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ; đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại trong bảo quản, chế biến sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững...