Ứng dụng công nghệ cao vào thủy sản

Với việc tham gia tích cực của các doanh nghiệp (DN) cùng nỗ lực hỗ trợ của tỉnh, ngành thủy sản An Giang ngày càng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa công nghệ cao (CNC) vào sản xuất. Nỗ lực này vừa góp phần nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm thủy sản, vừa thúc đẩy ngành hàng này phát triển theo hướng bền vững.

Tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản

Đây là một trong những hoạt động được ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang, những năm qua, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong lĩnh vực thủy sản được thực hiện tốt, mang lại nhiều hiệu quả tích cực, Việc ứng dụng CNC trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản đang từng bước tạo nền tảng vững chắc để An Giang trở thành trung tâm cung cấp giống thủy sản chất lượng cao cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thăm vùng nguyên liệu sản xuất cá tra ứng dụng công nghệ mới của Tập đoàn Nam Việt

Trong tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản, ngành nông nghiệp chú trọng tính bền vững. Cùng với đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, các đơn vị chuyên môn của Sở NN&PTNT quan tâm nhân rộng các mô hình hiệu quả, tăng cường liên kết, sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế, khuyến khích thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực thủy sản.

Theo đó, đã triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất thủy sản ứng dụng CNC trên nhiều đối tượng thủy sản như: cá nàng hai, cá lăng nha, chạch lấu, lươn, cá chép, tôm càng xanh… mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao cho người nuôi. Đối với chương trình phát triển thủy sản ứng dụng CNC, Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã ký hợp đồng hợp tác độc quyền với Tập đoàn Tiran (Israel) sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực độc quyền tại tỉnh An Giang, cung cấp cho các vệ tinh ương tại các tỉnh: Bạc Liêu, Bến Tre, Kiên Giang...

Ngoài ra, An Giang còn là tỉnh chuyên sản xuất và cung cấp các loại giống cá lóc, lươn, cá chạch lấu.... cho các tỉnh khác, trong đó Tổ hội nghề nghiệp sản xuất giống cá lóc tại xã Mỹ Phú (Châu Phú) hướng đến chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP.

An Giang cũng là tỉnh thu hút được nhiều DN đầu tư dự án xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung, CNC, được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế như: Công ty Cổ phần (CP) Cá tra Việt Úc, Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH MTV Nuôi trồng thủy sản Hà Nội - Cần Thơ (HACA), Công ty CP Nam Việt Bình Phú, Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi, Công ty CP Nha Trang seafood, Công ty An Mỹ, Công ty CP XNK Thủy sản An Giang… Trong đó có 2 DN được công nhận vùng/DN sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC là Việt Úc và Nam Việt Bình Phú.

Quan tâm chất lượng con giống

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Trần Phùng Hoàng Tuấn cho biết, triển khai Kế hoạch phát triển thủy sản bền vững tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 3115/QĐ-UBND, ngày 20-10-2017 của UBND tỉnh), đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện 2 quy hoạch. Đối với “Quy hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, tỉnh tập trung phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng CNC vào nuôi trồng thủy sản. An Giang đã xây dựng được vùng sản xuất giống tập trung tại cồn Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu), phát triển hơn 20 vùng chuyên canh nuôi cá tra lớn.

Đối với “Quy hoạch nuôi thủy sản trên các tuyến sông đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, tỉnh đã triển khai hỗ trợ kỹ thuật cho các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án nuôi thủy sản lồng bè trên sông, các vùng neo đậu bè trên cơ sở phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh về nguồn nước thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu.

Ngày 20-3-2018, Bộ NN&PTNT đã có Quyết định số 897/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang. Ông Tuấn cho biết, việc triển khai Đề án bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần gắn kết giữa người sản xuất và DN nuôi, cung cấp cá giống chất lượng cao cho các DN trong và ngoài tỉnh. Trong đó, cấp 1 là Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, đã cung cấp 12.320 con cá tra bố mẹ chọn giống để thay thế khoảng 30% tổng đàn cá tra bố mẹ trong tỉnh. Trong khi đó, cấp 2 với nòng cốt là Trung tâm Giống thủy sản An Giang và một số cơ sở sản xuất liên kết.

Đến nay, tổng số lượng cá bố mẹ đạt 26.300 con (chiếm 64% số lượng cá tra bố mẹ toàn tỉnh), năng lực cung cấp 6,8 tỷ cá bột/năm. Các đơn vị này đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất ương dưỡng giống thủy sản theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với cấp 3, gồm các chi hội ương giống cá tra với tổng số 54 hội viên, tổng diện tích mặt nước ương 251ha (chiếm hơn 43% diện tích ương giống của tỉnh hiện nay), năng lực sản xuất giống khoảng 700-800 triệu con/năm.

Theo Chi cục Thủy sản An Giang, đến nay, tỉnh đã mời gọi được 4 DN đầu tư các vùng ương nuôi tập trung theo hướng CNC tham gia Đề án cá tra 3 cấp, gồm: Tập đoàn Việt Úc (104ha), Công ty TNHH MTV Nam Việt Bình Phú (600ha, trong đó có 150ha ương giống), Công ty CP Vĩnh Hoàn (48,3ha) và Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi (350ha). Các dự án này đang được triển khai và đã có sản xuất giống, góp phần nâng cao chất lượng con giống cá tra trong thời gian tới.

An Giang đã hình thành mô hình liên kết có hiệu quả giữa các công ty chế biến thủy sản và người dân, điển hình là các mô hình nuôi cá tra liên kết của Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Sao Mai với 18 hộ (36,9ha); Công ty CP Vĩnh Hoàn liên kết 7 hộ (52,85ha); Công ty CP Nam Việt liên kết 11 hộ (31,7ha)…

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ung-dung-cong-nghe-cao-vao-thuy-san-a289602.html