Ứng dụng công nghệ để tăng sự an toàn cho bệnh nhân

Ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ giúp giảm tải về mặt cơ học mà còn hạn chế lây nhiễm chéo, từ đó sự an toàn của người bệnh được đảm bảo hơn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh điều này tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh thế giới năm 2023 tổ chức ngày 15/9.

Theo ông, bảo đảm an toàn cho người bệnh phải được thực hiện đồng bộ theo chuỗi, bắt đầu từ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng bệnh tật cho người dân. Nếu không may họ bị bệnh thì phải tư vấn, hướng dẫn đến khám ở cơ sở y tế nào và thời điểm nào.

Theo ông Tuyên, trước đây, người dân đến khám mất rất nhiều thời gian. Thậm chí, họ phải đến bệnh viện từ rất sớm, xếp hàng chờ cả ngày mới được khám. "Bây giờ, nhờ áp dụng công nghệ thông tin, đăng ký, đặt lịch khám chuyên khoa nào, ở đâu, thậm chí thầy thuốc nào. Người bệnh chỉ cần đến đúng giờ như đã hẹn", ông Tuyên nói. Nhờ đó, người bệnh và người nhà đỡ mất thời gian.

Hướng dẫn người bệnh đến khám tại Bệnh viện TP.Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng

Hướng dẫn người bệnh đến khám tại Bệnh viện TP.Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng

"Việc giảm tải này không chỉ về mặt cơ học, tức là số người đến viện, mà còn giảm lây nhiễm chéo trong bệnh viện do vấn đề mật độ được giảm. 1.000 người bệnh chờ đợi khám trong 1 giờ đồng hồ khác 100 người”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phân tích ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện là lắng nghe tiếng nói của người bệnh

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định an toàn người bệnh là phòng ngừa tổn hại cho người bệnh, hạn chế các nguy cơ sự cố y khoa, cũng là nhiệm vụ hàng đầu trong quản lý chất lượng bệnh viện. "Trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện là lắng nghe tiếng nói của người bệnh", ông Khuê nhấn mạnh.

Việc lắng nghe này thông qua đường dây nóng/hòm thư góp ý, hội đồng người bệnh, khảo sát sự hài lòng của người bệnh/người nhà bệnh nhân và các kênh khác như báo chí, truyền thông, mạng xã hội...

Bộ Y tế lần đầu thí điểm Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện vào năm 2013. "Chúng ta dám để người bệnh chấm điểm bệnh viện, nhân viên chấm điểm ban lãnh đạo, người bệnh nhận xét, góp ý. Tôi còn nhớ giai đoạn đó, Bộ trưởng Y tế còn phát biểu: 'Nhà vệ sinh bẩn tức là giám đốc ở bẩn', nghĩa là chất lượng bệnh viện phải lo từ nhà vệ sinh, cổng bảo vệ, đến phát triển kỹ thuật cao...", ông Khuê chia sẻ.

Nghị quyết 20/NQ-TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đặt mục tiêu đến năm 2025 có 80% người dân hài lòng với dịch vụ y tế; nâng lên 90% vào năm 2030.

Trong Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2024 của Bộ Y tế do Thứ trưởng Lê Đức Luận ký ban hành ngày 26/7, Bộ Y tế cho biết tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế năm 2023 ước đạt 90%, vượt 10% so với chỉ tiêu đề ra.

Tại buổi lễ, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết mỗi năm có 134 triệu sự cố y khoa xảy ra do chăm sóc y tế không an toàn tại bệnh viện các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình dẫn đến 2,6 triệu ca tử vong. Mỗi phút qua đi, trên toàn cầu có 5 người tử vong vì không được chăm sóc y tế an toàn.

WHO thống nhất chọn Ngày An toàn người bệnh thế giới 17/9 hằng năm nhằm nâng cao nhận thức, sự tham gia của cộng đồng trên phạm vi toàn cầu và hướng tới sự đoàn kết hành động của các quốc gia thành viên để thúc đẩy an toàn và giảm thiểu tổn hại cho người bệnh.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, việc bảo đảm an toàn cho người bệnh cần dựa vào việc thầy thuốc khám và chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác. Không chỉ vậy, người bệnh cũng cần được chăm sóc, điều trị toàn diện về tinh thần và thuốc. Đơn cử như với một ca bệnh nặng, ngoài bác sĩ điều trị còn cần cả sự hỗ trợ của điều dưỡng, dược sĩ lâm sàng, bác sĩ tâm lý… Sau khi người bệnh ra viện, họ cũng cần được tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe ở nhà.

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ung-dung-cong-nghe-de-tang-su-an-toan-cho-benh-nhan-2190121.html