Ứng dụng công nghệ phát triển năng lượng sạch
Hiện nay, việc ứng dụng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh đang trở nên cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng. Đây là giải pháp hiệu quả không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài, góp phần tích cực bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, chống biến đổi khí hậu.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường sống ngày càng trầm trọng như hiện nay, các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch trở thành ưu tiên lựa chọn hàng đầu, chú trọng khai thác sử dụng để dần thay thế những nguồn năng lượng truyền thống. Với nhiều ưu điểm, pin năng lượng mặt trời ngày nay đã trở thành một công nghệ năng lượng tái tạo phổ biến. Sử dụng năng lượng mặt trời giúp giảm lượng khí thải carbon, hiệu quả sử dụng quanh năm, các tấm pin mặt trời hầu như không cần bảo trì, chỉ cần chú ý lau chùi sạch sẽ thường xuyên, tránh để bóng cây che phủ, hoạt động độc lập với lưới điện, rất lý tưởng cho các gia đình ở khu vực nông thôn, những nơi có địa hình đồi núi.
Mới đây, tại thôn Bó Củng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa), Huyện đoàn Chiêm Hóa vừa khánh thành và đưa vào sử dụng công trình thắp sáng đường quê sử dụng nguồn điện được phát ra từ tấm pin năng lượng mặt trời, được gắn ở 30 cột đèn với tổng số vốn đầu tư hơn 120 triệu đồng từ nguồn huy động trong đoàn viên thanh niên trên địa bàn toàn huyện và cán bộ công nhân viên chức các xã Kim Bình, Linh Phú, Tri Phú, Vinh Quang, Bình Nhân.
Chị Hà Thị Thảo, Bí thư Huyện đoàn Chiêm Hóa cho biết, công trình được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26-3-1931- 26-3-2021). Công trình có những ưu điểm như tuổi thọ cao, an toàn, tiết kiệm, hệ thống cảm biến thông minh, sạc điện tự động vào ban ngày nhờ tấm pin năng lượng mặt trời, tự động chiếu sáng vào ban đêm. Việc bàn giao và đưa vào sử dụng công trình thắp sáng đường quê bằng năng lượng xanh sẽ mang lại ý nghĩa thiết thực, góp phần chiếu sáng các tuyến đường nông thôn, phục vụ đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại địa phương.
Hiện nay, việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà đang được người dân trên địa bàn tỉnh chủ động đầu tư xây dựng. Theo thống kê của Công ty Điện lực Tuyên Quang, toàn tỉnh hiện có 223 khách hàng áp dụng mô hình điện mặt trời trên mái nhà, chủ yếu tập trung ở thành phố Tuyên Quang, Hàm Yên, Sơn Dương, Chiêm Hóa. Tổng công suất lắp đặt của khách hàng đạt 2,6 kWp, sản lượng điện sản xuất hàng tháng phát lên lưới trung bình 25.000 kWh.
Anh Nguyễn Minh Đức, tổ 13, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) khẳng định, điện mặt trời có nhiều ưu điểm và là nguồn năng lượng xanh vô tận trong tương lai. Tháng 3-2020 anh đầu tư hơn 90 triệu đồng lắp đặt hệ thống giàn cột, tấm pin với công suất tương đương khoảng 5 kWp và thiết bị chuyển đổi từ điện của gia đình sản xuất để hòa vào hệ thống điện. Từ khi lắp đặt đến nay, mỗi tháng, gia đình anh chỉ phải chi trả khoảng 500 nghìn tiền điện, so với trước khi lắp đặt anh giảm được trên 1 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, hiện nay, việc đầu tư lắp đặt hệ thống điện, thiết bị chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh còn hạn chế do các tổ chức, người dân chưa thực sự nắm bắt và hiểu hết những lợi ích, hiệu quả mà năng lượng mặt trời mang lại. Cộng với chi phí đầu tư lắp đặt các thiết bị sử dụng điện năng lượng mặt trời vẫn ở mức khá cao cũng là một nguyên nhân khiến nhiều khách hàng chưa mạnh dạn đầu tư và sử dụng mô hình này. Để phát triển và ứng dụng rộng rãi các thiết bị sử dụng năng lượng sạch, các ngành chức năng cần tuyên truyền về những ưu điểm mà việc sử dụng năng lượng sạch mang lại, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đang diễn ra hiện nay.