Ứng dụng công nghệ Robot Training Cell vào việc đào tạo nhân lực cho sản xuất 4.0
p ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho sản xuất 4.0 ở những nước công nghiệp phát triển như CHLB Đức, đối với các chuyên gia có tay nghề cao, kiến thức chuyên sâu về robot và tự động hóa là điều cần thiết.
Hãng sản xuất robot công nghiệp KUKA, có trung tâm nghiên cứu và nhà máy tại thành phố Augsburg, Đức đã phát triển gói thiết bị chuyên dụng Robot Training Cell cho mục đích phục vụ các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và dạy nghề sử dụng những công nghệ mới nhất.
Tích hợp các công nghệ tự động hóa tiên tiến all-in-one
Với tên gọi KUKA Robot Training Cell, thiết bị này bao gồm một robot 6 trục cỡ nhỏ; màn hình cảm ứng giao tiếp người máy (HMI – Human Machine Interface); tay điều khiển để vận hành và dạy robot học những quỹ đạo chuyển động mong muốn; tủ điều khiển công nghệ cao tích hợp các tiêu chuẩn truyền thông công nghiệp điển hình như Ethernet, Profine. Thêm vào đó, bộ điều khiển dưới dạng một máy tính công nghiệp tích hợp sẵn những gói phần mềm để phát triển các kịch bản đào tạo đa dạng mô phỏng những ứng dụng điển hình trong sản xuất công nghiệp, ví dụ: robot thao tác gắp và thả sản phẩm, robot mang công cụ di chuyển theo quỹ đạo trong không gian ba chiều 3D, robot kết hợp với camera phân tích hình ảnh để nhận diện, định vị và chẩn đoán lỗi. Robot có thể thực hiện những quỹ đạo chuyển động với độ chính xác rất cao, sai số khoảng một phần trăm milimet. Toàn bộ thiết bị được nghiên cứu phát triển và sản xuất tại Đức, được kiểm định theo tiêu chuẩn châu Âu như CE và TUV.
Thiết bị thực hành robot chuyên dụng cho đào tạo nhân lực.
Phần mềm mô phỏng sản xuất hiện đại
Đặc biệt, thiết bị KUKA Training Cell này được phát triển đi kèm với phần mềm Đào tạo mô phỏng robot trong sản xuất. Đây là một lĩnh vực khá mới mẻ. Sử dụng phần mềm mô phỏng có hàm lượng công nghệ cao KUKA.SIM (viết tắt của thuật ngữ Simulation – mô phỏng), mở ra khả năng cho phép các trung tâm đào tạo và dạy nghề hỗ trợ học viên tự xây dựng những gói ứng dụng cụ thể đi kèm với thực tế sản xuất. Ví dụ, học viên có thể xây dựng một dây chuyền sản xuất với robot và băng tải trong lắp ráp điện tử, mô phỏng thao tác của robot như thực tế yêu cầu, tính toán và tối ưu thời gian chu trình sản xuất (cycle time). Các quá trình này được xây dựng mô phỏng chuyển động 3D trực quan trên phần mềm với thông số cơ khí dây chuyền theo thiết kế thật. Nhờ vậy, gói công nghệ KUKA.SIM giúp tăng hiệu quả đào tạo trực quan rất cao trong khi tiết kiệm chi phí mô phỏng hệ thống máy do không cần phần cứng thực tế.
Trải nghiệm thực hành theo tiêu chuẩn công nghiệp hiện đại
Những công nghệ mới và điển hình này mang đến cho sinh viên và học viên của các cơ sở đào tạo cơ hội được tiếp cận và thực hành công nghệ robot một cách trực tiếp với phần cứng và phần mềm theo tiêu chuẩn công nghiệp ở các nước phát triển. Đồng thời, cho phép các cơ sở đào tạo tự xây dựng những kịch bản ứng dụng tùy theo điều kiện và yêu cầu thực tế, hỗ trợ học viên có kiến thức nền tảng để dễ dàng thích ứng với yêu cầu của sản xuất công nghiệp 4.0, qua đó tăng cơ hội và kỹ năng cho lực lượng lao động kỹ thuật cao.
Xây dựng những kịch bản thực hành khác nhau với robot thực tế.
Ứng dụng cho đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ở Việt Nam
Một số năm gần đây, nhiều cơ sở đào tạo kỹ thuật ở Việt Nam đã chú trọng đầu tư thiết bị thực hành chuyên dụng về công nghệ robot như Trường Cao đẳng nghề Bách Khoa, Đại học Thủy Lợi, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Đại học Việt Đức v.v... đem lại cơ hội thực hành tốt cho sinh viên. “Nếu học viên được đào tạo trên thiết bị công nghệ thực tế, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tuyển được những kỹ thuật viên có chuyên môn chắc và cập nhật, giúp mang lại hiệu quả cao trong công việc”, ông Nguyễn Trọng Toại, Giám đốc điều hành công ty Chế tạo máy tự động hóa Công nghiệp tại Hưng Yên cho biết.