Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các đơn vị, doanh nghiệp, HTX và người sản xuất trong tỉnh đã chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra những sản phẩm cây trồng, vật nuôi và nhiều sản phẩm chế biến nông nghiệp mới có năng suất, chất lượng, an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế, hạn chế ô nhiễm môi trường, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Hiện nay, sản xuất nông nghiệp tại tỉnh không còn phụ thuộc quá nhiều vào sự sinh trưởng và phát triển tự nhiên. Các HTX, hộ nông dân đã chủ động ứng dụng công nghệ sinh học trong việc lai tạo và đưa các loại giống mới vào sản xuất. Thông qua các đề tài khoa học và công nghệ, tỉnh đã và đang tập trung nghiên cứu công nghệ ghép trong trồng trọt; lên men trong bảo quản, chế biến các sản phẩm nông sản; công nghệ vi sinh trong sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; xử lý chất thải phục vụ phát triển trồng trọt và nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ nhân giống cây trồng bằng nuôi cấy mô và tế bào.
HTX nông nghiệp xanh 26/3, thành phố Sơn La được thành lập năm 2016, sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP. Các sản phẩm của HTX sản xuất đạt chứng nhận an toàn đảm bảo “5 không” (không thuốc diệt cỏ, không dùng thuốc trừ sâu hóa học, không dùng các chất kích thích tăng trưởng, không dùng phân bón hóa học, không dùng giống đột biến gen). Hiện nay, HTX có 7 ha gieo trồng hơn 30 loại rau, củ quả bằng giống nhập khẩu, giống cây ghép chất lượng cao.
Bà Phạm Diệu Vân, Giám đốc HTX 26/3, chia sẻ: Năm 2017, HTX được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ phát triển thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hướng dẫn đưa các giống cây trồng chất lượng cao vào sản xuất. Trong đó, hỗ trợ chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng dưa lê vàng Hàn Quốc và cà chua GL1-16 theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, các thành viên HTX đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, sử dụng các loại chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, cung cấp ra thị trường sản phẩm an toàn. Trung bình mỗi năm, HTX thu hoạch gần 1.000 tấn rau, quả các loại.
Đến nay, toàn tỉnh đưa vào sản xuất bộ giống có thời gian sinh trưởng khác nhau nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao năng suất chất lượng, gồm: 4 giống mía, 19 giống ngô, 5 giống lúa, 2 giống chè, 1 giống cà phê, 20 giống cây ăn quả. Hiện nay, tổng diện tích ghép cải tạo cây ăn quả toàn tỉnh đạt gần 13.100 ha; các giống sử dụng chủ yếu gồm: giống nhãn chín muộn, nhãn miền; xoài GL4, GL6, Thái Lan; bơ Booth 7; cam Cao Phong, cam Vinh...; đồng thời nhân giống một số giống hoa hồng, lan, tuy-líp từ Hà Lan, Đài Loan bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Trong lĩnh vực chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi giống bò sữa thuần chủng tại Mộc Châu, phối giống nhân tạo cho bò cái bằng tinh của giống bò chất lượng cao (Brahman); xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học, chế phẩm sinh học, nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; sử dụng men vi sinh hoạt tính trong ủ, chế biến thức ăn chăn nuôi quy mô hộ gia đình.
Đối với lĩnh vực thủy sản, việc ứng dụng công nghệ sinh học nuôi cá lồng trên các lòng hồ thủy điện được triển khai rộng rãi; một số đơn vị, doanh nghiệp sản xuất cá giống thành công bằng phương pháp đẻ vuốt, ấp trứng bằng bình vây, ứng dụng phương pháp lai xa, hoặc sử dụng hóa chất, tạo giống đơn tính, chất lượng cao.
HTX nông nghiệp Sơn La, huyện Mai Sơn liên kết với các doanh nghiệp và nông dân triển khai mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không chất thải (chăn nuôi đại gia súc - nuôi trùn quế - sản xuất phân bón hữu cơ). Ông Trần Đức Miền, Phó Giám đốc HTX, chia sẻ: HTX có 4 trang trại, nuôi trên 800 con bò 3B thương phẩm và sinh sản. HTX đã liên kết với 7 hộ nuôi bò có quy mô gia trại bằng hình thức vừa thu mua, tiêu thụ đại gia súc thương phẩm; vừa cung cấp cỏ tươi, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, như ngọn mía, lõi ngô, cây ngô để ủ ướp làm thức ăn chăn nuôi.
Theo ông Trần Đức Miền, toàn bộ chất thải chăn nuôi đại gia súc được khai thác, xử lý vi sinh; bên cạnh đó, tận dụng vỏ cà phê, nước thải sau sơ chế cà phê để nuôi trùn quế. Hiện nay, trung bình mỗi ha nuôi trùn quế thu hoạch khoảng 500 tấn phân bón hữu cơ/tháng; cung cấp cho các cơ sở trồng rau sạch và hộ trồng cây ăn quả, cây cảnh trong tỉnh.
Ngày 21/3/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, trong đó, tập trung phát triển và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trên một số lĩnh vực quan trọng là lợi thế của tỉnh; phấn đấu là tỉnh có công nghệ sinh học phát triển trong khu vực miền núi phía Bắc; trên 50% doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, môi trường triển khai và ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra các sản phẩm có nguồn gốc sinh học đạt chất lượng, đảm bảo an toàn.
Với những chính sách hỗ trợ đặc thù, khuyến khích huy động nguồn lực xã hội đầu tư thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị nông sản, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.