Ứng dụng công nghệ số - Lực đẩy cho ngành Công nghiệp chế biến chế tạo
Việc áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất ở Việt Nam là tất yếu, sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức nhất định. Vượt qua các thách thức và tận dụng tối đa các cơ hội từ chuyển đổi số sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh, phát triển bền vững trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0.
Chiều 14/11, phiên chuyên đề 2 của Diễn đàn Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II, với chủ đề "Ứng dụng công nghệ số - Lực đẩy cho ngành Công nghiệp chế biến chế tạo" đã đón nhận sự quan tâm lớn của các tổ chức và doanh nghiệp thông qua các tham luận. Trong đó, bên cạnh những thuận lợi, những thành quả đạt được trong thời gian qua, các cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp đã chỉ ra những khó khăn, thách thức của việc chuyển đổi số trong thực tiễn. Đồng thời các tham luận cũng đưa ra các bài học kinh nghiệm và kiến nghị để công nghệ số thực sự trở thành động lực để ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển.
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) với sự phát triển mạnh mẽ các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số đã trở thành lực lượng sản xuất cơ bản, giúp thông minh hóa, hiện đại hóa các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, từ đó tạo ra kinh tế số là động lực tăng trưởng chính cho phát triển đất nước. Việc thúc đẩy và phát triển ngành Công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ số luôn được Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm, điều này đã được cụ thể hóa thành các văn kiện quan trọng của Đảng và Chính phủ trong thời gian qua.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, so với năm 2019, doanh thu công nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2024 ước đạt 152 tỷ đô la Mỹ, tăng trưởng gần 36%; số doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang hoạt động đạt gần 54.000 doanh nghiệp, tăng gần hơn 28% và tạo ra việc làm cho hơn 1.500.000 người, tăng hơn 50%. Đây là tiền đề vững chắc để hình thành nên một ngành Sản xuất công nghiệp có hàm lượng chất xám cao, tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, động lực để thực hiện các đột phá chiến lược, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Cùng với đó, ngành Công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò cốt lõi trong sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu thống kê năm 2023, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo hiện chiếm tỷ trọng lớn và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, được coi là "xương sống" của sự phát triển công nghiệp. Cụ thể, năm 2023, khu vực công nghiệp và xây dựng (bao gồm công nghiệp chế biến, chế tạo) đóng góp khoảng 38% vào GDP của cả nước; Ngành này cũng cung cấp khoảng 25,8% tổng việc làm cho lực lượng lao động cả nước, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm và nâng cao đời sống của người dân.
Còn theo ông Nguyễn Thế Truyện, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa (Bộ Công Thương) hiệu quả của chuyển đổi số trong sản xuất có thể nhận thấy như: Tăng năng suất; Nâng cao chất lượng và dễ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Giảm chi phí; Tăng tính trải nghiệm cho khách hàng; Linh hoạt trong sản xuất; An toàn lao động và hướng tới sản xuất bền vững.
Tuy nhiên, thực tế triển khai ứng dụng công nghệ số vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phải đối diện. Theo đó, thách thức đầu tiên đó là đặc thù của công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Hầu hết các nhà máy đều đang ở trình độ công nghệ thấp, lạc hậu. Sự bất đồng bộ của hệ thống máy móc, thiết bị (đầu tư không đồng bộ mà theo kiểu “tích cóp dần” nên gồm nhiều hãng cung cấp; nhiều thế hệ; nhiều công nghệ khác nhau… khó số hóa quá trình sản xuất.
Bên cạnh đó, thiếu các chuyên gia công nghệ; Phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu doanh nghiệp. Chưa có nhiều điển hình về chuyển đổi số, sản xuất thông minh hiệu quả để các doanh nghiệp học tập, đầu tư… Ngoài những nghiên cứu từ các cơ quan chức năng, phiên 2 của diễn đàn cũng được chứng kiến nhiều thành tựu từ ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tiên phong.
Cụ thể, tại Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC), ông Luân Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC cho biết, EVNHCMC là một trong 5 Tổng Công ty phân phối điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với nhiệm vụ chính là cung cấp điện đầy đủ, ổn định, an toàn, liên tục cho Thành phố Hồ Chí Minh. EVNHCMC bắt đầu triển khai lộ trình chuyển đổi số từ năm 2018. EVNHCMC là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên trong cả nước hoàn thành đánh giá và được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá đạt Mức độ 3/5 vào năm 2022 (139 tiêu chí theo Quyết định 1970) và đạt Mức độ 4/5 vào năm 2023 (140 tiêu chí theo Quyết định 2158).
Sự phát triển công nghệ lưới điện thông minh và chuyển đổi số thúc đẩy EVNHCMC chuyển đổi mô hình quản lý tiên tiến theo chuẩn mực quốc tế từ quản lý vận hành, quản lý tài sản, quản lý công việc, quản lý năng lượng và dịch vụ khách hàng.
Qua quá trình triển khai, EVNHCMC đã có được nhiều bài học, kinh nghiệm. Trong đó, cách tiếp cận phát huy tiềm năng đổi mới sáng tạo là: Khuyến khích sáng tạo đột phá; Cơ chế đãi ngộ người giỏi dám nghĩ dám làm; Ứng dụng khoa học công nghệ, triệt để sử dụng nguồn vốn khoa học công nghệ để thực hiện; Phân biệt rõ chuyển đổi số và số hóa, xác định được việc cần làm.
Trong xây dựng và thực hiện kế hoạch cụ thể, quyết liệt: Các nội dung cần được lượng hóa về mốc tiến độ, kết quả và hiệu quả. Con người là yếu tố quan trọng nhất, kết hợp định hướng đúng, nắm bắt được công nghệ, thí điểm trước rồi dần mở rộng sau.
Công tác truyền thông và chuyển đổi số: Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho lãnh đạo và cán bộ công nhân viên. Triển khai đa dạng các hoạt động truyền thông nhằm khơi dậy khát vọng chuyển đổi số trong toàn thể người lao động.
Còn tại Công ty Cổ phần Logistics U&I, là thành viên đứng đầu trong lĩnh vực logistics thuộc Tập đoàn Unigroup với hệ sinh thái ứng dụng công nghệ số. Điểm nổi bật ở U&I Logistics chính là hệ sinh thái Unilog đa dạng, gồm các giải pháp công nghệ được áp dụng linh hoạt và hiệu quả vào các dịch vụ của Công ty.
Việc chuyển đổi số được ứng dụng trong tất cả các quy trình quản lý, vận hành như: Quản lý hệ thống kho vận; Thủ tục hải quan trực tuyến; Tự động hóa quy trình – công nghệ RPA (giúp tự động hóa các nghiệp vụ thủ công có quy trình, logic cố định); Vận tải (xe trang bị hệ thống định vị GPS và quản lý bằng phần mềm quản lý vận tải (TMS) cùng App Mobile dành cho tài xế tại Unitrans và Unitrans miền Bắc).
Bên cạnh đó, U&I Logistics cũng xác định logistics xanh là xu hướng tất yếu của sự phát triển bền vững của toàn bộ ngành và kiên trì hành động vì trái đất, vì thiên nhiên, vì môi trường sống cho cộng đồng bằng cách sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời, xe nâng điện.