Ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ rừng
Trong 'Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030' của Chính phủ, nông nghiệp được xác định là một trong những ngành ưu tiên.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, chuyển đổi số đã đem lại sự thống nhất, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đóng góp hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…
Theo Cục trưởng Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, nhờ áp dụng công nghệ thông tin, công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng được tăng cường và triển khai thực hiện đạt kết quả cao. Công tác kiểm soát hiệu quả, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật giảm rõ rệt.
Các đơn vị chức năng dần kiểm soát được tình trạng xâm hại, lấn chiếm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi rừng sang loại rừng khác và chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Đồng thời, diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ được duy trì và phát triển thông qua trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng.
Hiệu quả thiết thực
SMART là bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra được nhiều nước trên thế giới áp dụng một cách chính thức ở cấp quốc gia nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý và bảo vệ tại các khu bảo tồn. SMART giúp chuẩn hóa việc thu thập dữ liệu, phân tích và lập báo cáo về hiện trạng quản lý tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học trong hệ thống các khu bảo tồn. Những dữ liệu này sẽ giúp ích rất lớn cho quá trình xây dựng các quy định và đưa các quyết sách phù hợp nhằm quản lý và bảo tồn hiệu quả hơn.
Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa), những năm qua, SMART đã chính thức được triển khai trong công tác tuần tra để bảo vệ rừng và đa dạng sinh học. Theo Giám đốc Phạm Anh Tám, việc quản lý tại Khu bảo tồn Xuân Liên đã được nâng cao đáng kể từ khi SMART được ứng dụng. SMART đã giúp những người quản lý, đánh giá được hiệu quả tuần tra của từng cán bộ kiểm lâm được minh bạch và khách quan hơn.
Nhờ đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao đồng thời đa dạng sinh học rừng cũng được theo dõi một cách tỉ mỉ và chính xác hơn. Trên tổng diện tích 24.728ha, trong đó có gần 4.000ha là đất rừng nguyên sinh, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên là nơi cư trú của nhiều loài thực vật quý hiếm, cây cổ thụ nghìn năm tuổi và một số loài động vật độc đáo, mang tính biểu tượng như vượn đen má trắng phía bắc, voọc xám và mang Roosevelt…, là các nguồn gien cần được bảo tồn và phát triển.
Hiện nay, Ban quản lý Khu bảo tồn được biên chế 33 người gồm công chức, viên chức, lao động hợp đồng trực tiếp tham gia bảo vệ rừng và đa dạng sinh học. Trước khi ứng dụng SMART, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã sử dụng thiết bị theo dõi GPS trong tuần tra rừng và giám sát đa dạng sinh học. Tuy nhiên, cách tiếp cận này rất tốn thời gian và thiếu tính khách quan, đồng thời quá trình nhập dữ liệu dễ xảy ra sai sót.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, thời gian qua, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum) cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý bảo vệ rừng bằng các phần mềm chuyên ngành và hệ thống định vị GPS, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ hơn 37.550ha rừng và đất lâm nghiệp được giao.
Đơn vị đã ứng dụng phần mềm Locus map thay thế cho bản đồ giấy truyền thống. Các bản đồ giấy truyền thống khi lực lượng đi tuần phải mang theo định vị, la bàn, khi cần xác định điểm tọa độ vị trí mất thời gian khá lâu, độ chính xác thấp vì sai số khi thực hiện đo; với sự phát triển của điện thoại thông minh (smartphone), nhiều ứng dụng miễn phí trong sử dụng bản đồ được xây dựng.
Được sự hỗ trợ, tập huấn sử dụng của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh đã triển khai ứng dụng SMART kể từ tháng 10/2020. Sau hơn hai năm triển khai áp dụng SMART Mobile trên thiết bị điện thoại thông minh, các kết quả thực hiện tuần tra, kiểm tra đã được cập nhật trên hiện trường thông qua phần mềm quản lý nhanh chóng và chính xác hơn.
SMART là công cụ hữu hiệu, hỗ trợ đắc lực cho Ban quản lý Khu bảo tồn trong việc quản lý và giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học. Từ đó, lãnh đạo Khu bảo tồn sẽ có hướng chỉ đạo kịp thời nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác chuyên môn của cán bộ, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý, kiểm soát tài nguyên rừng và đa dạng sinh học của Khu bảo tồn.
Ứng dụng rộng rãi
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số thực chất, hiệu quả, tiết kiệm, gắn với kêu gọi sự hỗ trợ, tư vấn, đồng hành của các doanh nghiệp, hiệp hội công nghệ thông tin chuyên nghiệp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động về chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp từ trung ương đến địa phương.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hoàn thành ban hành danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục. Bộ cũng khuyến khích các hoạt động ứng dụng các công nghệ số như cảm biến, IoT, trí tuệ nhân tạo và khai thác dữ liệu để theo dõi các thông số đất đai, tài nguyên rừng, thời tiết… nhằm tăng năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, từ năm 2016, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp Cục Lâm nghiệp và các bên liên quan khác trong khuôn khổ dự án bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học rừng và các dịch vụ hệ sinh thái ở Việt Nam đã tiến hành chuẩn hóa mô hình dữ liệu SMART và giới thiệu sổ tay hướng dẫn áp dụng SMART trong toàn bộ hệ thống vườn quốc gia và khu bảo tồn.
Thông qua sự hỗ trợ của dự án này, các ban quản lý rừng đã tiếp nhận công nghệ, áp dụng trong hoạt động quản lý bảo vệ rừng, mang lại hiệu quả rất cao trong công việc chuyên môn. Cả nước hiện có khoảng 14,7 triệu héc-ta rừng tương ứng với độ che phủ của rừng đạt 42% diện tích. Là một phần của rừng Việt Nam, hệ thống rừng đặc dụng hiện có khoảng 2,4 triệu héc-ta, được giao cho 167 ban quản lý.
Kể từ khi ra mắt phiên bản SMART đầu tiên vào năm 2013, GIZ và các đối tác đã hỗ trợ ứng dụng SMART để quản lý và bảo vệ rừng Việt Nam. Dự án SMART đã được áp dụng tại 33 địa điểm là các khu rừng đặc dụng và khu bảo tồn thiên nhiên, hiện đang phát triển để sử dụng rộng rãi trên tất cả các khu rừng trong cả nước.
Theo Cục Lâm nghiệp, việc thiết lập được bộ cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua công cụ quản lý dữ liệu và tuần tra (SMART) thống nhất dùng chung trên cả nước về quản lý, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học các khu rừng đặc dụng, phòng hộ phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra của các cơ quan quản lý từ Trung ương đến cơ sở, góp phần bảo tồn phát triển bền vững tài nguyên đa dạng sinh học quốc gia.
Yêu cầu công cụ quản lý dữ liệu SMART được xây dựng với hướng tiếp cận đơn giản, dễ sử dụng và đầy đủ các trường thông tin cơ bản để phục vụ tốt nhất cho hoạt động quản lý của các khu rừng. Mô hình dữ liệu sử dụng đơn giản, phù hợp với kiểm lâm viên địa bàn, cán bộ bảo vệ rừng và các nhóm tuần tra bảo vệ rừng cộng đồng ghi nhận thông tin hiện trường trong quá trình tuần tra thực địa.
Các phiên bản SMART được triển khai trong hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ phải thống nhất sử dụng phiên bản tiếng Việt; đối với các dự án, tổ chức quốc tế và trong nước có hỗ trợ các khu rừng đặc dụng, phòng hộ triển khai phiên bản SMART tiếng Anh phải cập nhật phiên bản SMART tiếng Việt để thống nhất triển khai tại Việt Nam.
Nhờ sự đóng góp hiệu quả việc áp dụng rộng rãi công nghệ số, trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về rừng, trong đó có hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ, ngày càng được nâng cao. Rừng được giữ vững ổn định và phát triển cả về diện tích và chất lượng, qua đó đã phát huy tốt vai trò trong việc bảo tồn hệ sinh thái rừng đặc trưng, các loài đặc hữu, loài nguy cấp, quý hiếm; bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng danh lam thắng cảnh, đồng thời bảo đảm chức năng phòng hộ.
Hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ đã được bảo vệ, bảo tồn gần như nguyên vẹn các hệ sinh thái rừng tự nhiên quan trọng, giữ vững khả năng phòng hộ, cũng như bảo tồn đa dạng sinh học, đã có nhiều loài động vật quý hiếm xuất hiện trở lại hoặc phát hiện vùng phân bố rộng, như: rái cá lông mũi, voọc quần đùi trắng, voi…; đồng thời, tạo ra nhiều giá trị cung ứng dịch vụ môi trường và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, đây là giai đoạn trước mắt, về lâu dài, cần tiếp tục đầu tư ngân sách cho các dự án phát triển, bảo vệ và phục hồi hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, viên chức các ban quản lý rừng. Cần hoàn thiện một số cơ chế chính sách nhằm nâng cao các định mức kinh tế kỹ thuật, nhất là công nghệ số cho các hoạt động của các ban quản lý rừng trên cả nước…
Nguồn:https://nhandan.vn/ung-dung-cong-nghe-so-trong-quan-ly-bao-ve-rung-post755360.html