Ứng dụng công nghệ số vào tác phẩm văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số

Sáng 10/11, tại thành phố Long Xuyên (An Giang), Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số - thống nhất trong đa dạng' với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình, nhà thơ, nhà văn trong cả nước.

Nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, thời gian qua, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại đã có những bước trưởng thành rất đáng tự hào. Trước hết, phải kể đến đội ngũ văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số xuất hiện ngày càng đông đảo, đã được Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tập hợp trong một khối đoàn kết và thúc đẩy sáng tạo, sản xuất nhiều tác phẩm phục vụ đồng bào các dân tộc.

Trong các ngành nghệ thuật, văn học và mỹ thuật có sự phát triển nhanh cả về đội ngũ, chất lượng, đặc biệt là văn xuôi, với lực lượng sáng tác ngày càng đông đảo. Thơ của các dân tộc thiểu số đã có những đóng góp đáng kể vào nền thơ ca cả nước và mang đậm bản sắc riêng. Đề tài sáng tác không chỉ tập trung vào nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng, ca ngợi quê hương, đất nước, con người mới, mà hiện nay, biên độ sáng tác đã mở rộng hơn rất nhiều.

Đặc biệt, văn học nghệ thuật của các dân tộc thiểu số mang đậm bản sắc riêng, đề tài rộng mở, từng bước bắt nhịp với đời sống của đồng bào dân tộc, ca ngợi cái mới, cái tốt đẹp, đồng thời phê phán cái xấu, cái lạc hậu và cái ác. Một số tác phẩm đã đi sâu vào khai thác thân phận con người dân tộc thiểu số và miền núi. Thể loại sáng tác phong phú và đa dạng hơn; nhiều tác giả mạnh dạn tìm tòi thể hiện các thể loại như văn xuôi, lý luận phê bình và điện ảnh, tuy chưa đông đảo nhưng đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế đã được trao cho các tác giả người dân tộc thiểu số.

Đáng chú ý, ngày càng nhiều tác giả người dân tộc thiểu số có ý thức và quan tâm nhiều hơn đến việc sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ và sáng tác song ngữ. Công tác sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Hàng trăm công trình sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch các loại hình văn nghệ dân gian của các dân tộc Tây Nguyên, Khmer Nam Bộ, Chăm, Tày, Nùng, Mường, Thái, Mông... và của nhiều dân tộc khác đã được biên soạn công phu và có giá trị cao, ra mắt bạn đọc.

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cho biết, cùng với việc thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận 84 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong các dân tộc thiểu số và phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh hội viên bằng nhiều hình thức như hỗ trợ sáng tạo, trao giải thưởng, cử theo các lớp tập huấn, trại sáng tác đối với lực lượng trẻ, vinh danh những văn nghệ sĩ cao tuổi đã có nhiều cống hiến... góp phần vào việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống; các giá trị văn hóa tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng; tạo lực lượng trẻ làm nền tảng phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Đồng tình với quan điểm trên, Thạc sĩ Cầm Thúy Hòa, Chi hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sơn La cho rằng, trong hơn 50 dân tộc thiểu số sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, mỗi dân tộc đều sở hữu những bản sắc văn hóa riêng biệt và phong phú, từ ngôn ngữ, phong tục, tập quán đến văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, những giá trị văn hóa truyền thống này đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên hoặc thay đổi một cách sâu sắc nếu không có những biện pháp bảo tồn và phát triển kịp thời và hiệu quả.

“Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ mang lại nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức. Một mặt, công nghệ số có thể giúp bảo tồn văn hóa truyền thống thông qua số hóa các di sản văn hóa, lưu giữ và truyền tải kiến thức, kết nối các cộng đồng. Mặt khác, sự thu hẹp khoảng cách và tiếp cận dễ dàng với văn hóa hiện đại toàn cầu khiến giới trẻ dân tộc thiểu số có xu hướng lãng quên giá trị truyền thống của mình, dẫn đến tình trạng mất dần bản sắc văn hóa. Điều này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực từ phía cộng đồng dân tộc thiểu số mà còn cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ và cộng mà đồng xã hội. Việc xây dựng và triển khai các chiến lược bảo tồn và phát triển văn hóa thông qua công nghệ số, giáo dục và các chương trình cộng đồng là những giải pháp thiết yếu để gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu của các dân tộc thiểu số”, Thạc sĩ Cầm Thúy Hòa nhấn mạnh.

Nhà văn Bùi Thị Như Lan, Chủ tịch Chi hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh khẳng định, việc đưa tác phẩm lên không gian mạng với sự thể hiện của sách nói (audio book), sách điện tử (e-book),… là xu hướng tất yếu, thể hiện sự năng động, “chuyển mình" của đội ngũ văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số để tác phẩm bắt nhịp với thời đại cách mạng công nghệ 4.0.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển bùng nổ của công nghệ hiện nay, đội ngũ văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số không những phải tiếp cận với thế giới công nghệ, khám phá và vận dụng linh hoạt trong sáng tạo tác phẩm mà còn phải đưa tác phẩm văn học nghệ thuật lên không gian mạng, đến gần hơn với công chúng; qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngày càng phong phú, đa dạng của nền văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trong kỷ nguyên số.

Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện có trên 1.000 hội viên, 40 tổ chức cơ sở Hội và chi hội tại 40 tỉnh, thành phố trong cả nước thuộc các chuyên ngành: văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật, sân khấu - điện ảnh, nhiếp ảnh, lý luận phê bình, văn nghệ dân gian.

Tin, ảnh: Công Mạo (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/ung-dungcong-nghe-so-vao-tac-pham-van-hoc-nghe-thuat-cac-dan-toc-thieu-so-20241110135716234.htm