Ứng dụng công nghệ, tăng an toàn trong khai thác than
Ðặc thù của mỏ Mạo Khê hội tụ tất cả các nguy cơ gây mất an toàn mà các mỏ than phải đối mặt, như bục nước, nổ khí mỏ,... Trong quá khứ, Mạo Khê từng xảy ra nhiều tai nạn thương tâm, như vụ bục nước vào năm 1996 hay nổ khí mê-tan năm 1999 khiến nhiều công nhân chết, bị thương.
Ðặc thù của mỏ Mạo Khê hội tụ tất cả các nguy cơ gây mất an toàn mà các mỏ than phải đối mặt, như bục nước, nổ khí mỏ,... Trong quá khứ, Mạo Khê từng xảy ra nhiều tai nạn thương tâm, như vụ bục nước vào năm 1996 hay nổ khí mê-tan năm 1999 khiến nhiều công nhân chết, bị thương.
Sau những đau thương đó, công tác bảo đảm an toàn luôn được Công ty than Mạo Khê, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) ưu tiên hàng đầu. Nhất là những năm gần đây, hàng loạt công nghệ mới liên tục được áp dụng để vừa bảo đảm an toàn cho sản xuất, vừa nâng cao năng suất và tăng thu nhập cho người lao động.
An toàn hơn, năng suất hơn
Ðang công tác tại Công ty than Hạ Long, sau khi lập gia đình, anh Nguyễn Ðức Ðại quyết định chuyển về làm công nhân khai thác mỏ của Mạo Khê. Kể cho chúng tôi về bước ngoặt lúc bấy giờ, anh Ðại chia sẻ: Vì gia đình vợ ở Mạo Khê nên sau khi cưới, bà xã anh Ðại rất muốn chồng chuyển công tác về gần nhà. Thời điểm đó, anh Ðại rất băn khoăn vì đã nghe nhiều về nguy cơ mất an toàn trong khai thác than tại vùng mỏ này. Mạo Khê là mỏ duy nhất của ngành được xếp loại "siêu hạng" về nguy cơ khí mỏ (mê-tan), với độ thoát khí lớn hơn 15 m3/tấn - ngày đêm. Ðây cũng là nguyên nhân chính gây ra vụ nổ khí mê-tan đầy thương tâm làm chết 19 công nhân năm 1999. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ qua bạn bè đồng nghiệp, anh Ðại được biết chính những tai nạn xảy ra trong quá khứ lại là lý do để than Mạo Khê ngày càng ưu tiên nhiều hơn đến công tác an toàn. Cụ thể, tất cả các đường lò đã được lắp hệ thống cảnh báo khí mê-tan tự động, việc quan trắc mật độ khí được kết nối với hệ thống máy tính giúp quá trình kiểm soát, cảnh báo được liên tục và kịp thời. Bên cạnh đó, công ty luôn trang bị kỹ càng thiết bị bảo hộ cũng như ưu tiên cải thiện điều kiện làm việc để bảo đảm an toàn nhất cho người lao động; thường xuyên tổ chức đào tạo, khuyến khích người lao động thực hiện tốt nội quy, quy trình lao động an toàn,…
Giám đốc Công ty than Mạo Khê Nguyễn Văn Tuân cho biết, đặc thù vùng than Mạo Khê có tất cả các nguy cơ mất an toàn nhất trong khai thác than. Ngoài nguy cơ khí mỏ xếp loại "siêu hạng", do cấu tạo địa chất, đất đá bao quanh mỏ mềm và yếu khiến áp lực mỏ ở đây cũng rất cao, vách hầm lò thường xuyên bị nén, lún. Ðể khắc phục, công ty đã tập trung áp dụng các công nghệ chống giữ mới, từ cột chống thủy lực đơn, đến cột thủy lực kép và hiện là giá khung thủy lực. Ðến nay, 100% số lò chợ của Mạo Khê đã được chống đỡ bằng hệ thống giá khung thủy lực, vừa nâng độ an toàn, lại tiết kiệm nhiều sức lao động; năng suất lao động theo thống kê cũng tăng khoảng 150%, đồng nghĩa với việc thu nhập công nhân được nâng lên. Ngoài ra, nhiều công nghệ khác cũng được áp dụng nhằm tăng hiệu quả trong sản xuất. Thí dụ, công ty đã chi hơn 10 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống băng tải tự động vận chuyển than lên mặt bằng. Nhờ đó, nếu trước kia cần 15 người mỗi ca để vận hành cả hệ thống thì giờ đây chỉ còn bốn người, trong đó một người vận hành tại trạm trung tâm và ba người khác đi kiểm tra tuyến. Sau khi triển khai lần đầu hiệu quả tại Mạo Khê, hệ thống băng tải tự động đã được nhân rộng ra nhiều công ty khác trong TKV.
Tập trung vào dự án mới
Nhờ đầu tư công nghệ hiệu quả, đồng thời luôn chủ động từ công tác chuẩn bị diện sản xuất đến điều hành chi phí phù hợp chất lượng than, điều kiện khai thác nên trong năm 2020 đầy khó khăn do dịch Covid-19 vừa qua, Công ty than Mạo Khê vẫn hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh được giao. Cụ thể, kết thúc năm, công ty đã khai thác được 1,9 triệu tấn than (1,72 triệu tấn than hầm lò và 180 nghìn tấn than lộ thiên), bằng 100% kế hoạch. Doanh thu than của công ty đạt 2.155 tỷ đồng; lợi nhuận ước đạt 35 tỷ đồng, vượt 25 tỷ đồng so kế hoạch TKV giao; thu nhập bình quân người lao động đạt 16,39 triệu đồng/người/tháng, bằng 105% so kế hoạch. Nhưng Giám đốc Nguyễn Văn Tuân cũng thừa nhận, đầu tư cho công nghệ của Mạo Khê dù đạt nhiều kết quả, nhưng vẫn chưa "toàn lực". Nguyên nhân là hiện nay, tại dự án mở rộng và khai thác mỏ Mạo Khê (công suất 1,6 triệu tấn/năm) đang được công ty khai thác chính, các mỏ gần trung tâm đã dần cạn kiệt, chủ yếu tận thu các mỏ xa trung tâm có chất lượng than xấu, áp lực công việc nặng, điều kiện khí mỏ ngày càng tăng. Chuẩn bị phương án "gối đầu", công ty đã đầu tư mới dự án khai thác xuống sâu mức âm 150 m, công suất thiết kế hai triệu tấn/năm, tuổi thọ khai thác khoảng 40 năm. Hiện, hai cặp giếng đứng của dự án đã đào hoàn tất, tuy nhiên công tác đào lò xây dựng cơ bản lại chưa thể bắt đầu do ảnh hưởng dịch Covid-19 cho nên nhà thầu nước ngoài không thể triển khai. Ngoài ra, vì dự án điều chỉnh chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt thông qua nên một số hạng mục cũng chưa đủ điều kiện thi công.
Công ty đã phối hợp với Công ty Tư vấn mỏ lập xong dự án điều chỉnh, hiện đang trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt; đồng thời, tổ chức thực hiện lập và phê duyệt quy hoạch, đánh giá tác động môi trường - phương án cải tạo phục hồi môi trường thuộc dự án điều chỉnh. Song song với đó, công ty cũng đang phối hợp chặt chẽ với nhà thầu hoàn thiện các thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền cho phép nhập cảnh các chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam triển khai thi công gói thầu theo đúng quy định. "Nếu điều kiện thuận lợi, dự kiến cuối năm nay dự án mới sẽ cho ra lò những tấn than đầu tiên. Công ty cũng đã lên kế hoạch đầu tư những công nghệ khai thác mới nhất trong dự án này như giàn tự hành hay máy khấu,… để vừa nâng cao năng suất, vừa bảo đảm điều kiện làm việc an toàn và thuận lợi nhất cho người lao động", ông Tuân chia sẻ.