Ứng dụng công nghệ, tăng hiệu quả tuyên truyền pháp luật

Để chính sách, pháp luật được truyền tải nhanh chóng và hiệu quả, giúp người dân và doanh nghiệp hiểu sâu hơn về các quy định và tự giác thực hiện, thực thi pháp luật; cần ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị trực tuyến Tập huấn kỹ năng PBGDPL cho báo cáo viên pháp luật, công chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương trên phạm vi toàn quốc, do Bộ Tư pháp vừa tổ chức.

Truyền tải thông tin dưới nhiều phương thức

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, công tác truyền thông chính sách, pháp luật; triển khai thi hành chính sách, pháp luật; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; việc thực hiện triển khai Đề án số 06 về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" phải luôn gắn liền với nhau. Theo đó, trọng tâm là việc xây dựng cơ sở dữ liệu về PBGDPL, đồng thời cần phải "làm giàu" các nguồn tài nguyên, dữ liệu đưa vào cơ sở dữ liệu nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân.

Cục trưởng Cục PBGDPL (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc lưu ý, trong công tác truyền thông chính sách, báo cáo viên pháp luật, công chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương cần xác định các chủ đề mới, nóng, truyền tải thông tin theo nhiều phương thức khác nhau, để nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách tới người dân, doanh nghiệp và đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Hiện tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đoàn thể và 63/63 địa phương đã có Cổng/Trang thông tin điện tử có tin, bài, hỏi đáp pháp luật; trong đó 7 bộ, ngành và 46 địa phương đã vận hành Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL; 17 địa phương còn lại đang vận hành chuyên mục PBGDPL thuộc Cổng/Trang thông tin điện tử của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể.

Buổi tập huấn kiến thức pháp luật ở Bạc Liêu. Nguồn: ITN

Buổi tập huấn kiến thức pháp luật ở Bạc Liêu. Nguồn: ITN

Nguồn nhân lực thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL được từng bước tăng cường về số lượng, nâng cao chất lượng. Hình thức PBGDPL hết sức đa dạng, phong phú như xây dựng bài giảng điện tử, video tiểu phẩm pháp luật, câu hỏi đáp pháp luật, tờ gấp pháp luật; PBGDPL trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến; tổ chức thi trực tuyến về kiến thức pháp luật… Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với cơ quan thông tấn báo chí và các trang mạng xã hội cũng đang ngày một bài bản, chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Bảo đảm tuyên truyền đầy đủ, chính xác và kịp thời

Bạc Liêu là một trong những địa phương ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào PBGDPL. Thông qua các diễn đàn giao lưu trực tuyến về chính sách, pháp luật phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và Nhân dân; các ngành, các địa phương tăng cường sử dụng nhiều hình thức qua internet để tuyên truyền pháp luật. Đồng thời, tổ chức hiệu quả kỳ thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; diễn đàn giao lưu trực tuyến về chính sách, pháp luật; tuyên truyền, tư vấn pháp luật trên sóng truyền hình, qua mạng xã hội.

Trên Trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh Bạc Liêu cũng đăng tải hàng nghìn thông tin, tài liệu, hình ảnh, video phổ biến pháp luật; kịp thời phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin của cá nhân, tổ chức về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã thực hiện tuyên truyền, PBGDPL trên trang, kênh trên mạng xã hội như Facebook "Phổ biến, giáo dục pháp luật Bạc Liêu", Trang Zalo "Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu"; "Cổng thông tin điện tử Tỉnh đoàn Bạc Liêu", "Mỗi ngày một tin tốt - Mỗi tuần một câu chuyện đẹp", "Tuổi trẻ Bạc Liêu", "Tre xanh Bạc Liêu"...

Hay với tỉnh Phú Yên, gần đây, Sở Tư pháp phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức chuyên đề về ứng dụng công nghệ thông tin để tăng khả năng tiếp cận pháp luật cho phụ nữ vùng nông thôn, miền núi tại các xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa), Suối Bạc (huyện Sơn Hòa), Ea Bar (huyện Sông Hinh), An Phú (TP. Tuy Hòa) và phường Xuân Đài (Thị xã Sông Cầu). Tại đây, báo cáo viên pháp luật đã tập trung tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, phụ nữ các địa phương về vai trò, ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ thông tin; một số kỹ năng, cách thức ứng dụng công nghệ trong PBGDPL; kỹ năng tương tác, xử lý thông tin trên website, trên mạng xã hội hiện nay.

Tuy nhiên, theo đại diện Cục PBGDPL (Bộ Tư pháp), bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Theo đó, một số địa phương, cơ quan, đơn vị vận hành Cổng/Trang thông tin PBGDPL còn mang tính hình thức, chưa thực chất, hiệu quả; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL chưa tương xứng với yêu cầu thực tế; dữ liệu hỏi đáp pháp luật trên môi trường mạng phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng, tìm hiểu pháp luật của người dân còn chưa phong phú, đôi khi trùng lặp, chưa kịp thời…

Chính vì vậy, cần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; chuyển đổi phương thức thực hiện PBGDPL cho người dân và doanh nghiệp từ truyền thống sang môi trường số, bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, thuận tiện; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đáp ứng hiệu quả nhu cầu tìm hiểu, học tập pháp luật của người dân.

Đỗ Quyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/ung-dung-cong-nghe-tang-hieu-qua-tuyen-truyen-phap-luat-i380467/