Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước

Bằng sự chủ động, tích cực của mỗi cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý hành chính, thực thi công vụ trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin Việt Nam (VietNam ICT Index) của tỉnh và nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp, tiết kiệm đáng kể chi phí cho xã hội. Kết quả xếp hạng chỉ số VietNam ICT Index 2020, tỉnh Hưng Yên đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Công chức xã Liên Phương (thành phố Hưng Yên) ứng dụng CNTT trong xử lý công việc

CNTT là nền tảng để xây dựng nền hành chính công hiện đại, là cơ sở để xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Đến nay, 100% số công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước được trang bị máy vi tính phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ; 100% các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp xã thực hiện kết nối mạng diện rộng (Wan) của tỉnh với mạng diện rộng chuyên dùng CPNet; 100% số công chức, viên chức sử dụng hòm thư điện tử. Tỷ lệ văn bản đi – đến và cập nhật dưới dạng điện tử đối với cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, huyện đạt 100% (trừ các văn bản mật), đối với cấp xã tỷ lệ phản hồi, xử lý văn bản dưới dạng điện tử đạt 70%...

CNTT trước hết giúp công chức, viên chức làm việc hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ trong điều kiện và tình hình mới. Sử dụng CNTT với sự hỗ trợ của nhiều phần mềm chuyên dụng đã nâng cao năng suất, chất lượng lao động của công chức, viên chức. Đơn giản nhất là việc xây dựng thang bảng lương. Nếu như trước kia vào dữ liệu bằng tay, tính toán thủ công vừa mất thời gian vừa dễ xảy ra sai sót thì giờ đây khi dữ liệu được nhập vào máy tính thông qua phần mềm thì chỉ cần một “click” chuột là chúng ta sẽ có chính xác kết quả tính toán lương cho từng người, từng nhóm người hay tất cả mọi người có trong bảng lương. Việc truy xuất hay chỉnh sửa thông tin cũng dễ dàng và thuận tiện.

Tại xã Liên Phương (thành phố Hưng Yên), việc ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, xử lý văn bản đi – đến được thực hiện trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành. 19/19 công chức của xã được trang bị máy vi tính có kết nối mạng nội bộ và mạng internet phục vụ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Toàn bộ hồ sơ thủ tục hành chính khi tiếp nhận đều được cập nhật vào máy vi tính và đưa lên hệ thống “một cửa” của xã. Đồng chí Hoàng Công Hiến, công chức văn phòng UBND xã Liên Phương cho biết: “Hiện nay, hầu hết các hoạt động tiếp nhận và xử lý văn bản đều được thực hiện dưới dạng điện tử. Điều này giúp chúng tôi theo dõi, quản lý nguồn dữ liệu cập nhật dễ dàng hơn và khi cần tra cứu cũng thuận lợi, nhanh chóng. CNTT đã giúp chúng tôi giải quyết công việc nhanh hơn, chính xác hơn, tạo thuận lợi cho người dân khi đến làm thủ tục hành chính. Hiện nay, nhiều thủ tục hành chính có thể được hoàn thiện ngay trong ngày, thậm chí chỉ trong thời gian ngắn như: Đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn…”.

Thông qua ứng dụng CNTT, tỉnh ta đã và đang tích cực xây dựng hệ sinh thái điện tử trên hầu khắp các lĩnh vực trọng yếu như: Triển khai hệ thống quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế điện tử; hóa đơn điện tử và biên lai thu phí điện tử; ứng dụng văn phòng điện tử; hệ thống phòng họp không giấy tờ; hệ thống sổ liên lạc điện tử; chữ ký số; thanh toán điện tử; học trực tuyến; họp trực tuyến… Hằng ngày, công chức, viên chức cơ quan hành chính nhà nước truy cập vào hệ thống phần mềm để tra cứu thông tin, tiếp nhận, xử lý văn bản đến và gửi văn bản đi. Toàn bộ các thao tác này đều được thực hiện trên máy vi tính. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp các cơ quan, đơn vị giảm đáng kể chi phí văn phòng phẩm, chi phí đi lại của công chức, viên chức hành chính khi thực hiện gửi – nhận công văn, hồ sơ, giấy tờ và người dân khi giải quyết thủ tục hành chính cũng không còn phải đi lại nhiều lần như trước đây...

Cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra theo dõi kết nối của máy tính của các cơ quan nhà nước tới hệ thống Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng SOC của tỉnh

Tuy nhiên, thực tế ở một số địa phương, đơn vị cho thấy: Trình độ CNTT, khả năng ứng dụng CNTT của một số công chức, viên chức còn hạn chế khiến nhiều phần mềm ứng dụng được cài đặt nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, tỷ lệ cơ quan, đơn vị có cán bộ chuyên trách về CNTT hiện còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn nên một số sự cố về máy vi tính và mạng chưa được xử lý kịp thời, ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng công việc.

Đồng chí Đỗ Đình Quang, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Để đạt mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số thì yếu tố quan trọng nhất và có tính quyết định chính là CNTT. Hiện nay, cơ sở hạ tầng CNTT của tỉnh tương đối tốt với tỷ lệ bao phủ internet đạt 100% thôn, khu phố. CNTT được ứng dụng rộng rãi cũng đặt ra yêu cầu phải có giải pháp để bảo vệ nguồn dữ liệu trên không gian mở và giữ cho các máy vi tính hoạt động ổn định. Hiện nay, 100% máy vi tính của công chức, viên chức đều được cài đặt các phần mềm diệt vi rút và kết nối tới hệ thống Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng SOC của tỉnh đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông. Đầu tư cho CNTT chính là đầu tư cho phát triển, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của cơ quan nhà nước cùng với cải cách hành chính là các yếu tố cơ bản để xây dựng chính quyền điện tử giúp chính quyền hoạt động hiệu quả, chất lượng…

Mai Nhung

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/khoa-hoc-cong-nghe/khoa-hoc-cong-nghe/202112/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-cac-co-quan-nha-nuoc-195088f/