Ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật

Sở Tư pháp đang tích cực tuyên truyền việc ứng dụng CNTT trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc này tạo điều kiện thuận lợi để người dân tăng cường khả năng tiếp cận thông tin pháp luật. Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm; phát huy sự chủ động tích cực trong tìm hiểu, sử dụng và chấp hành pháp luật trong cuộc sống.

Phụ nữ phường Xuân Đài (TX Sông Cầu) được tuyên truyền kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: NGỌC DUNG

Phụ nữ phường Xuân Đài (TX Sông Cầu) được tuyên truyền kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: NGỌC DUNG

Tăng cường ứng dụng CNTT

Hiện nay, cuộc cách mạng 4.0 đang tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong cách thức tiếp cận thông tin của người dân. Tỉ lệ người dân sử dụng internet, điện thoại thông minh ngày càng phổ biến. Việc tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trở thành xu thế và giải pháp tất yếu đáp ứng kịp thời nhu cầu tiếp cận thông tin, tìm hiểu pháp luật của các tầng lớp nhân dân.

“Đó cũng là một trong những lý do mà Sở Tư pháp phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức chuyên đề về ứng dụng CNTT để tăng khả năng tiếp cận pháp luật cho phụ nữ vùng nông thôn, miền núi tại 5 hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ cơ sở từ 22/4-8/5 tại các xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa), Suối Bạc (huyện Sơn Hòa), Ea Bar (huyện Sông Hinh), An Phú (TP Tuy Hòa) và phường Xuân Đài (TX Sông Cầu)”, bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Trưởng phòng Hành chính, Bổ trợ tư pháp và PBGDPL của Sở Tư pháp cho biết.

Theo bà Oanh, ngày nay chỉ với một chiếc máy tính hoặc điện thoại kết nối mạng, con người có thể tận dụng được vô số lợi ích do internet mang lại. Đây là cơ hội cho phụ nữ tiếp cận thông tin nâng cao kiến thức, kỹ năng, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ trở thành nạn nhân của nhiều loại hình tội phạm.

Để phòng tránh điều này, phụ nữ cần phải có kỹ năng sử dụng, xử lý thông tin trên mạng xã hội một cách đúng đắn, hiệu quả nhất; biết cách nhận diện thông tin xấu, độc hại, giả mạo. Đồng thời, chị em cần tìm hiểu thông tin xuất phát từ các cơ quan báo chí chính thống hoặc từ những trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước…

Chính vì vậy, tại các hội nghị nói trên, báo cáo viên pháp luật đã tập trung tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, phụ nữ các địa phương về vai trò, ý nghĩa của việc ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL; một số kỹ năng, cách thức ứng dụng CNTT trong PBGDPL; kỹ năng tương tác, xử lý thông tin trên website, trên mạng xã hội hiện nay.

Báo cáo viên còn thông tin về cách nhận diện và phòng tránh các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cách thức các đối tượng lừa đảo tìm hiểu, thu thập thông tin của người sử dụng mạng xã hội; những tình huống thao túng tâm lý, lấy lòng tin của người bị hại; các quy định pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình…

Nâng cao nhận thức pháp luật

Chị Tôn Thị Ngà ở khu phố Phương Phú (phường Xuân Đài, TX Sông Cầu) cho biết: Lâu nay, tôi cũng như nhiều chị em khác sử dụng mạng xã hội nhưng vẫn chưa biết cách bảo vệ bản thân và gia đình trên không gian mạng. Những hội nghị có nội dung như thế này rất thiết thực, ý nghĩa, bổ ích, giúp chúng tôi học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng internet, mạng xã hội hiệu quả, an toàn. Nhờ cán bộ Sở Tư pháp, Hội LHPN tỉnh tuyên truyền, chúng tôi biết được những trang web chính thống để tìm hiểu, học hỏi, nâng cao kiến thức pháp luật.

Điều mà chị Ngà cũng như đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ ở các địa phương khác phấn khởi là họ không chỉ biết cách sử dụng internet, mạng xã hội an toàn, hiệu quả, mà còn được biết cách tìm kiếm, khai thác thông tin pháp luật thông qua các fanpage PBGDPL trên mạng xã hội, fanpage của Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp; cách thức cập nhật thông tin pháp luật và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; các chuyên mục hỏi đáp, tư vấn pháp luật trên các website...

Ngoài ra, chị em còn biết cách thực hiện các công việc mang tính chất giải quyết thủ tục hành chính cho bản thân và gia đình thông qua các dịch vụ trực tuyến như: thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp; việc xóa án tích; các thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; các thủ tục đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú…

“Ngoài mục đích nâng cao kiến thức pháp luật cũng như chất lượng, hiệu quả công việc, cuộc sống cho hội viên phụ nữ; thông qua những hội nghị này, Sở Tư pháp và Hội LHPN tỉnh mong muốn nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng cho cán bộ hội, tuyên truyền viên cơ sở để đội ngũ này tiếp tục làm tốt công tác vận động hội viên, phụ nữ và người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh chính trị và TTATXH địa phương…”, Trưởng ban Tuyên giáo - Chính sách pháp luật Hội LHPN tỉnh Phạm Thị Thu Huyên chia sẻ.

Thông qua hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ cơ sở, chúng tôi được cập nhật, nâng cao kiến thức pháp luật; biết cách sử dụng internet, mạng xã hội một cách hợp lý, hiệu quả để phục vụ công việc chuyên môn và cuộc sống hằng ngày.

Chị Tôn Thị Ngà ở khu phố Phương Phú (phường Xuân Đài, TX Sông Cầu)

NGỌC QUỲNH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/164/315699/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-pho-bien-giao-duc-phap-luat.html