Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong y tế

Trong Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về 'Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025', việc chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; bước đi tất yếu và cấp bách giúp nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cải thiện sức khỏe cộng đồng; đồng thời góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành y tế Thủ đô.

Hướng dẫn người dân sử dụng máy đăng ký khám bệnh và phát số tự động tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Hướng dẫn người dân sử dụng máy đăng ký khám bệnh và phát số tự động tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Đẩy mạnh chuyển đổi số phát triển y tế thông minh

Thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU, ngành Y tế Hà Nội được phân công triển khai Đề án số 05/ĐA-UBND ngày 31-8-2023 của UBND thành phố về “Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025”.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương, Đề án Y tế thông minh hướng đến 3 nhóm đối tượng phục vụ là: Người dân; cơ sở khám, chữa bệnh; công tác quản lý nhà nước của ngành y tế. Đề án được triển khai sẽ hình thành hệ thống phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe thông minh, giúp người dân chủ động phòng bệnh, dễ dàng tiếp cận các thông tin y tế, đồng thời được tư vấn, giúp đỡ chăm sóc sức khỏe kịp thời, hiệu quả.

"Bên cạnh đó, phát triển hệ thống khám, chữa bệnh thông minh giúp người dân được sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh tiên tiến, thuận lợi, hạn chế các rủi ro, tai biến khi điều trị. Tiết kiệm được thời gian và chi phí khám, chữa bệnh, góp phần giảm tải bệnh viện và xây dựng hình ảnh mới: Văn minh, hiện đại, hết lòng vì nhân dân", ông Vũ Cao Cương nói.

Hệ thống quản trị y tế thông minh cũng sẽ giúp các cơ quan quản lý y tế ra quyết định chính sách kịp thời trên khả năng phân tích dữ liệu lớn; quản lý, theo dõi hoạt động của toàn bộ mạng lưới y tế; tăng khả năng ứng phó nhanh với các tình huống bất ngờ như: Kiểm soát, khống chế dịch bệnh, chia sẻ phương pháp điều trị mới, đào tạo từ xa... Sau một năm triển khai Đề án số 05/ĐA-UBND, đến nay, 100% các cơ sở y tế của Hà Nội đều có phần mềm quản lý khám chữa bệnh kết nối liên thông với bảo hiểm xã hội thành phố theo chuẩn Bộ Y tế; 100% thực hiện tiếp đón khám chữa bằng căn cước công dân có gắn chip và ứng dụng VNeID; 100% triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin khám chữa bệnh (HIS).

Hướng đến đô thị thông minh

Đặc biệt, có 5 bệnh viện (Phụ sản, Xanh Pôn, Mỹ Đức, Vân Đình, Hòe Nhai) triển khai thành công bệnh án điện tử; 5 bệnh viện (Tim, Phụ sản, Ung bướu, Xanh Pôn, Thanh Nhàn) triển khai khám chữa bệnh từ xa; 27/43 bệnh viện có hệ thống lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh (PACS); 38/43 bệnh viện triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Một số bệnh viện như: Xanh Pôn, Đức Giang, Mỹ Đức, Vân Đình... đã triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thực tế ảo trong chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh.

Cũng trong thời gian này, ngành y tế Hà Nội thực hiện chuyển đổi số gắn với Đề án số 06/CP của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó, triển khai thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử. Đến nay, đã tạo lập, chuẩn hóa dữ liệu cho hơn 8,1 triệu người dân; gần 18,5 triệu lượt khám chữa bệnh được đồng bộ từ các cơ sở khám chữa bệnh lên Hệ thống hồ sơ sức khỏe của thành phố và các trạm y tế cập nhật, bổ sung; gần 7,5 triệu người dân được quản lý thông tin sức khỏe...

Bên cạnh đó, việc thí điểm mô hình Kiosk tự phục vụ (máy đăng ký khám bệnh và phát số tự động) bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận. Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Ngô Quang Hùng cho biết: "Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp đón khoảng 1.600 bệnh nhân qua các Kiosk; quy trình tiếp đón từ 6 bước giảm xuống còn 2 bước; thời gian tiếp đón khoảng 10 giây, trong khi trước đây phải mất từ 5-15 phút. Xét hiệu quả kinh tế, mỗi Kiosk dự kiến thay một nhân viên hướng dẫn, tiết kiệm 52,8 triệu đồng/năm. Bệnh viện bố trí trung bình 5 quầy đón tiếp sẽ tiết kiệm 265 triệu đồng/năm".

Xác định xây dựng “Y tế thông minh” là một lộ trình dài nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn cần có những mục tiêu phấn đấu cụ thể, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương khẳng định, thời gian tới, toàn ngành y tế Thủ đô sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai bệnh án điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; huy động mọi nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và mua sắm các trang thiết bị y tế mới, hiện đại, đồng bộ trong kết nối liên thông dữ liệu, hình ảnh; tăng cường sử dụng các thiết bị y tế di động, ứng dụng chuyển đổi số, AI vào hoạt động khám chữa bệnh…

Cùng với đó, ngành y tế thành phố cũng bảo đảm các dịch vụ y tế số được bảo mật và an toàn theo quy định của pháp luật; tham mưu xây dựng kho dữ liệu dùng chung của ngành đáp ứng các yêu cầu về kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin và dữ liệu. Qua đó, từng bước xây dựng hệ thống y tế hiện đại, chất lượng cao hướng tới phát triển y tế thông minh, góp phần vào Đề án đô thị thông minh của thành phố.

Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ung-dung-cong-nghe-thuc-day-chuyen-doi-so-trong-y-te-677231.html