Ứng dụng công nghệ trên thị trường chứng khoán gặp nút thắt hạ tầng
Hoạt động ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực chứng khoán và hứa hẹn còn sôi động hơn nếu những nút thắt hạ tầng được tháo gỡ.
Chạy đua chuyển đổi số
Đến cuối tháng 9/2023, theo số liệu của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, số tài khoản giao dịch chứng khoán đã vượt trên con số 7,8 triệu. Lượng tài khoản cá nhân mở mới trong chưa đầy 3 năm qua đã lớn hơn gấp hai lần số tài khoản đã mở 20 năm trước cộng lại.
Bên cạnh sức hút của thị trường kéo thêm nhiều nhà đầu tư mới, sự thuận tiện từ việc mở tài khoản định danh khách hàng điện tử (eKYC) - phương thức mà ngày càng nhiều công ty chứng khoán áp dụng cũng chính là chìa khóa cho sự tăng trưởng đột biến này.
Phương thức trên cho phép nhà đầu tư không cần trực tiếp đến quầy, không còn gặp những giới hạn về khoảng cách địa lý. Đối với các công ty chứng khoán, bằng cách sử dụng các công nghệ như nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng giọng nói, thời gian và chi phí để xác thực khách hàng đã giảm đáng kể, trong khi tính bảo mật vẫn được đảm bảo.
Lợi thế cạnh tranh của các công ty chứng khoán lâu nay thường là những ưu đãi về phí giao dịch hay lãi suất margin. Nhưng các năm gần đây, công nghệ số trở thành lợi thế quan trọng trong cuộc đua cạnh tranh. Các sản phẩm cố vấn ảo/trợ lý ảo dựa trên khẩu vị rủi ro và mối quan tâm của nhà đầu tư được khá nhiều công ty phát triển. Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) sớm ra mắt công cụ phân tích YSradar với các tính năng đánh giá cổ phiếu dựa trên dữ liệu giao dịch, các chỉ số tài chính, định giá… tiếp sau đấy là công cụ quản lý tài sản Yswealth - “cố vấn” đưa ra khuyến nghị danh mục đầu tư phù hợp với “khẩu vị” rủi ro tích hợp trong YSradar.
AI Broker (môi giới ảo) được Chứng khoán DNSE ra mắt tổng hợp các thông tin về cổ phiếu cũng như doanh nghiệp và gửi thông báo cá nhân hóa theo nhu cầu của nhà đầu tư. Hay mới đây, Chứng khoán Vina (VNSC) bổ sung thêm tính năng mới AI Speed Reporter với vai trò trợ lý thông minh cập nhật tin tức thị trường liên tục và nhanh chóng tới khách hàng là các nhà đầu tư. VNSC ghi nhận nhiều thay đổi trong hơn một năm qua sau khi được mua lại bởi Công ty TNHH Dịch vụ và phân phối Finhay Việt Nam.
Ứng dụng công nghệ giúp tiết kiệm thời gian thu thập, sàng lọc và nhận định tin tức cho nhà đầu tư. Đồng thời, công nghệ cũng có khả năng phục vụ số lượng lớn nhà đầu tư cùng một thời điểm, qua đó hỗ trợ đáng kể công việc cho môi giới, thậm chí, cắt giảm hẳn bộ phận môi giới theo mô hình mà một vài công ty chứng khoán đang áp dụng.
Với những bước đi mạnh mẽ, các công ty chứng khoán cũng đang coi chuyển đổi số là công cụ giúp gia tăng sức mạnh. Theo ông Nguyễn Duy Linh, Tổng giám đốc VPBankS - công ty chứng khoán do VPBank sở hữu 99,95% vốn, mảng môi giới bán lẻ sẽ hướng đến số đông tài khoản khách hàng. Để theo đuổi chiến lược bán lẻ quy mô lớn, xây dựng nền tảng chăm sóc khách hàng sẽ chỉ thực hiện được khi đẩy mạnh chuyển đổi số.
Dù có bất lợi khi xuất phát muộn hơn, theo CEO của VPBankS, "lợi thế của người đi sau" có thể giúp tân binh chứng khoán này tận dụng và đưa vào phát triển các công nghệ mới nhất trong việc xây dựng app/web giao dịch cho khách hàng hay các công cụ vận hành nội bộ.
“Nút thắt” hạ tầng
Ứng dụng khoa học công nghệ trong việc tạo ra sản phẩm mới hoặc đa dạng hình thức kinh doanh ở hầu hết các ngành nghề là điều được khuyến khích, tuy vậy, có những đổi mới dù mang thêm tiện ích cho khách hàng, nhưng chưa thích hợp để ứng dụng. Điển hình là việc sử dụng thuật toán, robot và lệnh tần suất cao.
Ứng dụng này có thể khiến việc số lệnh tăng quá nhanh, chạm ngưỡng năng lực lệnh của hệ thống. Đây cũng là một trong các nguyên nhân từng gây ra hiện tượng “nghẽn lệnh” trên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, với đặc thù của lĩnh vực chứng khoán, tất cả những sáng tạo, ứng dụng mới trong kinh doanh đều phải đảm bảo nhiều yếu tố như tính tuân thủ pháp lý, tính minh bạch, công bằng và quan trọng nhất là phù hợp bối cảnh thực tiễn của thị trường. Do đó, lệnh robot sẽ được áp dụng khi có sự nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở pháp lý và hạ tầng công nghệ, mà không phải ở thời điểm hiện tại.
Dù vậy, “nút thắt” hạ tầng đang được kỳ vọng sẽ sớm được tháo gỡ khi cột mốc đưa vào hoạt động dự án hệ thống giao dịch mới (KRX) đang đến gần. Theo kế hoạch của nhà thầu KRX, phía Việt Nam sẽ tổ chức đợt kiểm thử cuối cùng trong tháng 11/2023 và dự kiến hoàn thành công tác chuẩn bị hệ thống vào cuối tháng 12/2023 để sẵn sàng triển khai.
Khi hệ thống KRX đi vào vận hành đầy đủ, chứng khoán Việt Nam dự kiến có thêm nhiều sản phẩm mới như giao dịch trong ngày (cho phép nhà đầu tư mua và bán cổ phiếu liên tục ngay trong ngày trên thị trường chứng khoán cơ sở), bán khống… cùng khả năng rút ngắn thời gian thanh toán hay việc sẵn sàng cho cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP).
Từ phía cơ quan quản lý, các công ty chứng khoán đã được giao trách nhiệm phải chuẩn bị sẵn sàng cho kịp tiến độ hệ thống mới. Còn với áp lực từ thị trường cũng như mục tiêu thu hút khách hàng, nhiệm vụ sẽ nặng nề hơn với khối công nghệ của công ty chứng khoán để chuẩn bị cho các tính năng, sản phẩm mới, sẵn sàng khi nút thắt về hạ tầng được tháo gỡ.