Ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19
Biến chủng SARS-CoV-2 ngày càng nguy hiểm và phức tạp. Những biện pháp căn cơ, dài lâu và có yếu tố quyết định tới việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh vẫn là 5K + Vaccine + Công nghệ. 'Chống dịch như chống giặc'. Vậy giặc đang ở đâu, đang như thế nào, chúng ta phải nắm chắc, ở thế chủ động thì mới có thể thắng được dịch. Như vậy, dữ liệu là yếu tố quyết định của chiến lược chống dịch và thắng giặc. Trong việc thu thập thông tin về dịch bệnh, không gì trợ giúp tốt hơn công nghệ.
Vừa qua, các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ phòng, chống dịch đóng vai trò rất quan trọng trong thực hiện khai báo y tế điện tử; truy vết, phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19; quản lý người cách ly, giám sát các khu cách ly; đánh giá nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương; quản lý công tác tiêm chủng, kết quả xét nghiệm… Bằng việc sử dụng công nghệ thông tin sẽ truy vết, phát hiện những người có tiếp xúc gần với người mang mầm bệnh, kịp thời khoanh vùng, cách ly đã mang lại hiệu quả.
Công nghệ giúp thế giới chống dịch hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy phiền toái, khó khăn vì có nhiều ứng dụng khai báo, nhưng lại trùng lặp về chức năng, mục đích trong chống dịch COVID-19. Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu người dân sử dụng Sổ sức khỏe điện tử. Bộ Giao thông - Vận tải sử dụng Tờ khai y tế trong khi lưu thông, đi lại. Bộ Thông tin và Truyền thông ứng dụng Bluezone và Ncovi. Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng app riêng là Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Đà Nẵng đề nghị tất cả các đơn vị vận tải có phương tiện vào thành phố phải khai báo y tế cho người trên phương tiện tại địa chỉ https://khaibaoyte.danang.gov.vn... để theo dõi nguy cơ dịch bệnh.
Các bộ, ngành, địa phương đã phát triển nhiều giải pháp, ứng dụng công nghệ, nhưng thiếu sự kết nối, chia sẻ. Hiện có khoảng 12 ứng dụng khai báo, nhưng không có ứng dụng nào là xuyên suốt.
Nhiều nhà khoa học và chuyên gia về lĩnh vực công nghệ thông tin cho rằng, nhiều ứng dụng thì rất khó để chia sẻ và quản lý thông tin, cũng như chia sẻ các nguồn lực chống dịch trên quy mô cả nước. Còn về hiệu quả kinh tế sẽ dẫn tới lãng phí công sức và tiền của Nhà nước. Chỉ nên có một ứng dụng, một cơ sở dữ liệu gốc để thuận tiện cho việc cài đặt và cập nhật thông tin. Vậy các giải pháp đang được triển khai có thể chung một hướng và kết nối được với nhau.
Công nghệ được ứng dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, chăm sóc các bệnh nhân và giảm áp lực cho hệ thống y tế. Công nghệ hỗ trợ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đánh giá chính xác được tình hình và kịp thời đưa ra quyết định phù hợp trong quá trình dập dịch. Như vậy thì công nghệ phải dễ dùng, thuận tiện và bảo vệ dữ liệu của người dùng.
Trong cuộc chiến chống COVID-19 thời gian qua cho thấy, việc ứng dụng công nghệ hiệu quả đã trở thành một trong những yếu tố giúp nhiều quốc gia có thể khống chế được dịch bệnh. Việc người dân, các tổ chức, chính quyền khai thác và sử dụng hiệu quả giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh sẽ giúp cho phạm vi khoanh vùng chính xác hơn, giảm bớt việc cách ly nhầm, cách ly trên diện rộng. Như vậy xã hội vẫn có thể duy trì hoạt động được bình thường, nhà máy, khu công nghiệp, các địa điểm kinh doanh không bị đứt gãy hoạt động sản xuất, giao thương, buôn bán.
Để các giải pháp đang được sử dụng chung một hướng và kết nối được với nhau thì chúng ta cần phải nhanh chóng xây dựng ngay một Trung tâm Công nghệ theo dõi sức khỏe và phòng, chống dịch quốc gia để thực hiện việc này bài bản hơn. Khi có dịch bệnh bùng phát, chúng ta đã có dữ liệu ngay để phát hiện nhanh những người tiếp xúc gần, không phải cách ly diện rộng, không phải quá vất vả như vừa qua và cuộc sống vẫn có thể tiếp diễn. Đặc biệt công nghệ hỗ trợ rất đắc lực cho các nhà khoa học trong cuộc đua tìm kiếm vaccine, từ việc xây dựng hệ thống nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, phân lập, giải mã bộ gen tới tìm hiểu cặn kẽ cấu trúc phân tử của virus. Từ đó nhanh chóng chế tạo ra các loại vaccine mới.
Khi có dữ liệu tập trung thì chúng ta có thể biết được dịch đang phát triển theo hướng nào, sẽ giúp cho việc điều phối hợp lý các nguồn lực để khoanh vùng, dập dịch được hiệu quả nhất. Trong tương lai, khi có một nền tảng chung sẽ có rất nhiều tiện ích trong việc quản lý xã hội, quản lý con người, quản lý dịch bệnh cũng như theo dõi, chăm sóc sức khỏe cộng đồng sẽ ngày càng tốt hơn.