Ứng dụng công nghệ trong quản lý hồ, đập
Bắc Giang nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Nhằm giảm thiểu tình trạng lũ lụt cho vùng hạ lưu, các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi đã ứng dụng các giải pháp công nghệ, nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong công tác dự báo, cảnh báo, vận hành xả, tích trữ nước, bảo đảm an toàn cho nhân dân sản xuất và sinh hoạt.
Ứng dụng hiệu quả công nghệ mới
Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 274 hồ chứa lớn, nhỏ và 203 đập dâng, trong đó có 23 hồ chứa và 3 đập dâng lớn. Những năm qua, từ các nguồn kinh phí do trung ương và địa phương cấp, nhiều hồ, đập trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm nâng cấp, sửa chữa, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Tuy nhiên, do số lượng hồ, đập lớn, nhiều công trình qua thời gian dài xây dựng, vận hành, khai thác, đến nay đã xuống cấp tiềm ẩn nhiều sự cố khó lường.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, bảo đảm an toàn hồ, đập trên địa bàn, năm 2020, UBND tỉnh đầu tư hơn 23 tỷ đồng lắp đặt các thiết bị quan trắc, kiểm tra giám sát tại một số hồ như: Cấm Sơn, Khuôn Thần, Suối Nứa và đập dâng Cầu Sơn. Dự án giao cho Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Sông Thương làm chủ đầu tư. Theo đó các hạng mục được lắp đặt gồm: Thiết bị quan trắc đập, hồ chứa nước; quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập; cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ an toàn công trình thủy lợi... Cuối năm 2023, các công trình hoàn thành đưa vào vận hành đã phát huy rõ hiệu quả trên thực tế.
Hồ Cấm Sơn có dung tích gần 250 triệu m3, diện tích bề mặt khoảng 26 km2. Do địa hình hồ thuộc vùng núi cao, nằm giữa 2 tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang, nhiều trạm đo mưa đặt ở các vị trí khác nhau, cách xa hàng km nên cán bộ thủy nông đầu mối Cấm Sơn rất vất vả trong khâu quản lý, giám sát, điều hành. Từ dự án hỗ trợ của tỉnh, hồ được ưu tiên lắp các thiết bị hỗ trợ quan trắc, đo lường.
Giai đoạn 2021-2023, UBND tỉnh đầu tư dự án quản lý an toàn đập, hồ chứa nước áp dụng đối với các hồ: Cấm Sơn, Khuôn Thần, Suối Nứa và đập dâng Cầu Sơn; tổng kinh phí hơn 23 tỷ đồng. Đến nay các công trình hoàn thành, phát huy hiệu quả sử dụng.
Ông Lê Anh Đức, quyền Trạm trưởng Trạm Thủy nông đầu mối Cấm Sơn cho biết: "Trong đợt ảnh hưởng của cơn bão số 2 vừa rồi, chúng tôi không còn phải đội mưa gió ra hồ kiểm tra. Thay vào đó, chỉ cần vài thao tác nhỏ trên máy tính hoặc điện thoại di động thông minh là có ngay những thông tin quan trọng về mực nước lòng hồ, mực nước hạ du, dự báo lượng mưa”. Chỉ vào tấm bảng điện tử hiển thị các dữ liệu thông tin, ông Đức nói thêm, mưa liên tiếp mấy ngày qua, có thời điểm mực nước lòng hồ lên đến 64,3 m. Tuy vậy, qua thiết bị báo về và đối chiếu với dung tích thiết kế cho biết hồ Cấm Sơn vẫn đang ở ngưỡng an toàn, không phải báo động xả lũ.
Tương tự, nhờ được trang bị nhiều máy móc đo lường hỗ trợ, cán bộ, nhân viên, đơn vị quản lý tại các hồ Khuôn Thần, Suối Nứa và đập dâng Cầu Sơn cũng chủ động trong việc điều tiết mực nước hồ, bảo đảm tích đủ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và an toàn công trình trong mùa mưa lũ.
Ông Hoàng Quốc Bảo, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Sông Thương thông tin, doanh nghiệp hiện quản lý 31 hồ chứa và một đập dâng, phục vụ tưới, tiêu cho hơn 70 nghìn ha canh tác của các huyện: Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động; các xã phía Đông Bắc huyện Yên Dũng và một phần TP Bắc Giang. Ngoài ra còn cấp nước tưới cho các xã ven sông Thương của huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn); phát điện, cấp nước cho sinh hoạt và các nhu cầu dân sinh khác.
Trước đây, việc rà soát thu thập thông tin, kiểm soát dữ liệu quan trắc phục vụ các báo cáo định kỳ hoặc khi xuất hiện bất thường trên công trình được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp thủ công; một vài dữ liệu tuy đã được số hóa song chưa đồng bộ, chưa liên thông với hệ thống quốc gia. Cách làm này không chỉ lãng phí nhân lực mà thông tin, dữ liệu tổng hợp có thời điểm không bảo đảm tính thời sự. Từ khi dự án do tỉnh đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng, đơn vị đã khắc phục được những hạn chế, bất cập nêu trên; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn hồ, đập.
Nâng cao năng lực quản lý, bảo trì
Việc lắp đặt các thiết bị quan trắc, kiểm tra giám sát tại các hồ nêu trên đã giúp công tác thu thập thông tin, dự báo, quan trắc được thường xuyên, cho độ chính xác cao. Đây là căn cứ để cơ quan chuyên môn đưa ra cảnh báo, dự báo các nguy cơ; quyết định đóng, mở cống xả lũ, điều tiết nước hồ phù hợp với tình hình thời tiết thực tế, hạn chế xảy ra sự cố cũng như giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Dự án triển khai thành công là bước tiến của ngành Thủy lợi tỉnh, qua đó từng bước hình thành ngân hàng dữ liệu quan trọng phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, quy hoạch và nâng cấp sửa chữa công trình hồ, đập; đưa Bắc Giang trở thành một trong những tỉnh hoàn thành tích hợp thông tin quản lý, quan trắc hồ, đập với cơ sở dữ liệu quốc gia theo địa chỉ http//:thuyloivietnam.vn. Từ hiệu quả ứng dụng công nghệ số trong quản lý tại các hồ, đập hiện có, Sở Nông nghiệp và PTTN sẽ xem xét đề xuất UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư ở những công trình còn lại có quy mô, tác động lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Theo ông Phạm Văn Đưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT), trong công tác phòng, chống thiên tai, công nghệ có vai trò công cụ hỗ trợ, yếu tố mang tính quyết định vẫn là năng lực nhận diện, đánh giá tình hình của cán bộ chuyên môn. Vì vậy, cùng với sự đầu tư của tỉnh, doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ. Quan tâm quản lý, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên các thiết bị đã được trang bị; duy trì tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý hành vi lấn chiếm, xâm phạm, chủ động phương án bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mọi tình huống.
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/ung-dung-cong-nghe-trong-quan-ly-ho-dap-100609.bbg