Ứng dụng công nghệ trong sản xuất chăn nuôi

Với mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, thời gian qua, cùng với các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhiều hộ chăn nuôi đã chủ động đầu tư, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh môi trường (VSMT).

Gia đình chị Nguyễn Thị Hà, thôn Thiếu Khanh, xã Hương Sơn (Bình Xuyên) đầu tư, mở rộng quy mô nuôi 300 con dê, 1 vạn con gà theo quy trình sản xuất sạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thế Hùng

Gia đình chị Nguyễn Thị Hà, thôn Thiếu Khanh, xã Hương Sơn (Bình Xuyên) đầu tư, mở rộng quy mô nuôi 300 con dê, 1 vạn con gà theo quy trình sản xuất sạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thế Hùng

Nắm bắt được lợi ích khi ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi, năm 2017, chị Chu Thị Mơ, xã An Hòa (Tam Dương) đã đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn theo hướng bán tự động trên diện tích 2ha với 4 dãy chuồng nuôi được thiết kế và phân khu riêng biệt kết hợp hầm biogas tận dụng chất thải trong chăn nuôi.

Trang trại có tường rào bao quanh cùng hệ thống cây xanh nhằm ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập từ ngoài vào môi trường chăn nuôi. Nguồn nước uống, tắm, rửa, xả gầm hằng ngày đều được xử lý trước khi sử dụng. Quy trình phòng bệnh cho đàn lợn luôn thực hiện nghiêm ngặt, với sự giám sát chặt chẽ của cán bộ thú y. Nhờ vậy, đàn lợn của trang trại luôn đảm bảo an toàn dịch bệnh, sinh trưởng, phát triển tốt.

Theo chị Mơ, việc ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi không chỉ giúp tiết kiệm thức ăn, giảm sức lao động chân tay mà còn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm VSMT.

Với quy mô nuôi 400 lợn thịt, 80 lợn nái, bình quân mỗi tháng, trang trại cho xuất chuồng hơn 20 tấn lợn hơi, giá bán từ 57-58 nghìn đồng/kg, doanh thu đạt trên 1,2 tỷ đồng.

Áp dụng phương thức tổ chức sản xuất chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang tập trung hàng hóa quy mô trang trại, các công nghệ tiên tiến, hiện đại đã được các hộ, trang trại ứng dụng vào sản xuất như chăn nuôi bò sữa sử dụng hệ thống làm mát bằng phun sương kết hợp quạt mát để chống nóng cho bò, đệm nền chuồng hạn chế bệnh viêm móng, 100% số hộ sử dụng máy thái cỏ, trên 90% số hộ sử dụng máy vắt sữa; chăn nuôi gà, nuôi lợn đầu tư nuôi chuồng lạnh khép kín, sử dụng máng ăn, máng uống tự động, quạt gió làm mát.

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 300 hộ chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn áp dụng công nghệ chuồng kín sản xuất.

Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các khâu chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ của nhà nước về ứng dụng công nghệ trong sản xuất chăn.

Hướng dẫn các hộ thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng các tiến bộ KHKT mới về giống, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh đúng kỹ thuật, tiết kiệm các chi phí đầu vào tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, phối trộn thành nguồn thức ăn đa dạng nhằm giảm sử dụng thức ăn công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi khi giá thức ăn tăng cao.

Nhờ vậy, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển bền vững; cơ bản kiểm soát các loại dịch bệnh, mang hiệu quả kinh tế ổn định cho người chăn nuôi. Giai đoạn 2008-2020, giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh tăng bình quân 5,49%/năm.

Tuy nhiên, kinh phí để đầu tư các trang thiết bị hiện đại, áp dụng các công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất chăn nuôi khá lớn; trong khi sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình; sản phẩm chăn nuôi giá cả không ổn định, chưa có sự phân định rõ ràng về giá trị giữa sản phẩm chăn nuôi sản xuất theo phương thức truyền thống với sản xuất áp dụng công nghiệp…

Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến việc áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi chưa phổ biến.

Để phát triển chăn nuôi bền vững, thời gian tới, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả áp dụng công nghệ trong sản xuất chăn nuôi; hướng dẫn các trang trại ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao, chuyển đổi số vào các khâu sản xuất; phổ biến quy trình pháp luật về giống vật nuôi, điều kiện cơ sở chăn nuôi, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình VietGAP.

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1505 về việc phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025. Theo đó, tỉnh tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín từ khâu con giống, thức ăn, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đầu tư công nghệ chuồng trại hiện đại phù hợp với từng loại vật nuôi và loại hình chăn nuôi đáp ứng yêu cầu sinh trưởng, phát tiển vật nuôi và bảo vệ môi trường; áp dụng các loại công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gắn với sản xuất phân bón hữu cơ, chế biến chế phẩm nuôi trồng thủy sản…, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/83567/ung-dung-cong-nghe-trong-san-xuat-chan-nuoi.html