Ứng dụng công nghệ trong tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Tư vấn, phản biện và giám định xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, là thế mạnh đặc biệt của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tại Hội thảo “Tổng kết hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội năm 2024 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam” diễn ra ngày 24/12 tại Hà Nội, Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam khẳng định, tư vấn phản biện và giám định xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp Hội Việt Nam, được Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần tham mưu, tư vấn các chủ trương, chính sách quan trọng. Hoạt động này dựa trên tính khoa học, khách quan, thực tiễn, tạo sự đồng thuận xã hội, đồng thời cung cấp thông tin hữu ích cho các cơ quan trong việc xây dựng, thẩm định và phê duyệt các đề án lớn.
"Sau 10 năm triển khai, hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả các dự án và tập hợp đội ngũ trí thức đa ngành đóng góp xây dựng đất nước. Việc đổi mới mạnh mẽ hoạt động này theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW năm 2023 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới", Tiến sỹ Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Bà Bùi Kim Tuyến, Trưởng ban Tư vấn phản biện và giám định xã hội cho biết, tư vấn, phản biện và giám định xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, là thế mạnh đặc biệt của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam. Hoạt động này đã góp phần quan trọng vào xây dựng, thẩm định các chủ trương, chính sách và dự án lớn, đặc biệt là những nội dung liên quan đến khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo, chính sách cho trí thức.
Nhờ cơ chế và chính sách hỗ trợ từ Đảng và Nhà nước, hoạt động tư vấn phản biện, giám định xã hội đã chuyên nghiệp hóa và mở rộng từ cấp Trung ương đến địa phương, trở thành kênh thông tin thiết yếu trong hoạch định chính sách và phát triển kinh tế - xã hội. Sau 10 năm triển khai Quyết định 14/2014/QĐ-TTg, hoạt động này đã đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần nâng cao chất lượng các đề án, dự án trọng điểm; thúc đẩy sự phát triển bền vững đất nước. Trong đó phải kể đến việc góp phần hoàn thiện văn kiện Đại hội XIII của Đảng; góp ý các dự án luật, chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm. Liên hiệp Hội Việt Nam đã thẩm định các dự án quan trọng như quy hoạch giao thông, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, quy hoạch không gian biển quốc gia, tạo nền tảng khoa học và thực tiễn cho các quyết sách lớn... Hoạt động này cũng giúp tập hợp đội ngũ trí thức đa ngành, nâng cao chất lượng và hiệu quả triển khai các đề án lớn. Trong giai đoạn 2021-2024, các hội đã thực hiện hơn 1.200 nhiệm vụ tư vấn phản biện và giám định xã hội, đóng góp thiết thực vào các dự án đầu tư, quy hoạch chiến lược và các chính sách phát triển bền vững đất nước.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tô Duy Phương, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Đúc- luyện kim Việt Nam nhận định, thông qua việc tập trung trí tuệ, xác định rõ mục tiêu, chuẩn bị nội dung tư vấn, lập danh sách câu hỏi, kế hoạch trình bày và các tài liệu liên quan liên quan đến vấn đề bauxite, đã góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành luyện kim và công nghiệp nặng Việt Nam. Cụ thể, Hội đã tư vấn cho dự án Bauxite Tây Nguyên, giúp giải quyết những tồn tại của dự án. Hiện tại, hai nhà máy Aluminum Tân Rai và Nhân Cơ đang hoạt động hiệu quả, đạt công suất thiết kế và đem lại lợi ích kinh tế cao cho ngành luyện kim màu Việt Nam. Trong lĩnh vực thép, Hội đã tư vấn phát triển ngành, giúp Việt Nam vươn lên vị trí thứ 12/65 quốc gia sản xuất thép thô trên thế giới vào năm 2021, với sản lượng 23,6 triệu tấn. Ngoài ra, Hội cũng đóng góp ý kiến về quy hoạch khai thác và sử dụng đất hiếm của Việt Nam - nguồn tài nguyên phong phú đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng, được Quốc hội đưa vào Luật Địa chất và Khoáng sản tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV năm 2024.
Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả tư vấn, phản biện và giám định xã hội thời gian tới, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tô Bá Trượng, Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục cho rằng, cần tập trung tăng cường năng lực chuyên môn cho đội ngũ chuyên gia thông qua đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế; thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan khoa học, đảm bảo thông tin minh bạch và đầy đủ; công khai quy trình và kết quả phản biện để tăng tính minh bạch và uy tín. Cũng theo Phó Giáo sư Tô Bá Trượng, cần ứng dụng công nghệ thông tin như
trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn để hỗ trợ đánh giá và đưa ra khuyến nghị chính xác hơn, đồng thời xây dựng hệ thống theo dõi hiệu quả sau tư vấn, đảm bảo các khuyến nghị được thực hiện đúng đắn và có tác động thực tế. Bên cạnh đó, cần tăng cường tính độc lập và khách quan trong phản biện, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan, đảm bảo nguồn lực tài chính và chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút chuyên gia…