Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Nhằm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, người dân, doanh nghiệp, HTX hoạt động trong nông nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa đã tích cực đầu tư ứng dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển nông nghiệp thông minh, hiện đại.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn (Thọ Xuân) ứng dụng công nghệ tưới tự động trong sản xuất dưa vàng công nghệ cao. Ảnh: Lê Hợi
Vụ xuân 2023, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai mô hình trình diễn phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa bằng máy bay không người lái. Tại các huyện Thọ Xuân, Quảng Xương, Hoằng Hóa... Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã phối hợp với các công ty công nghệ trình diễn điều khiển thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa. Máy bay được điều khiển từ xa bằng thiết bị cầm tay riêng biệt hoặc có thể kết nối vào điện thoại, máy tính bảng để điều khiển. Thiết bị bay phun thuốc có thời gian bay liên tục từ 15 - 25 phút, mang được 10 lít thuốc bảo vệ thực vật trong một lần cất cánh, hiệu suất làm việc cao gấp 20 lần so với phun thủ công, tiết kiệm 30% lượng thuốc và 90% lượng nước sử dụng, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nông dân.
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, HTX và người dân trên địa bàn Thanh Hóa đã chú trọng và tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) kết nối với máy tính hoặc điện thoại thông minh giúp người sản xuất có thể dễ dàng theo dõi được sự phát triển của cây trồng, thổ nhưỡng, mùa màng, sâu bệnh và rất nhiều yếu tố khác. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn (Thọ Xuân) Lê Huy Khiêm cho biết: Thời gian qua trung tâm đã áp dụng có hiệu quả hệ thống GIS trong sản xuất. Toàn bộ thông tin được tích hợp trên màn hình máy tính, người quản lý sản xuất tại trung tâm điều phối toàn bộ thông tin thực tế và đưa ra dự báo. Trong khâu thu hoạch và vận chuyển sản phẩm trung tâm cũng sử dụng công nghệ cao, điều phối xe trên bản đồ, tránh ùn tắc. Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ đã giúp trung tâm giải quyết được các khó khăn trong quá trình sản xuất, làm tốt việc dự báo sản lượng năm sau để lên kế hoạch phù hợp và quan trọng nhất là giảm chi phí sản xuất.
Thời gian qua chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả rất tích cực. Đến nay, toàn tỉnh đã được chứng nhận 77 mã số vùng trồng xuất khẩu. Trong đó, 45 vùng trồng ớt, 28 vùng trồng lúa, 1 vùng trồng bưởi, 1 vùng trồng vải, 1 vùng trồng thanh long, 1 vùng trồng khoai lang và 1 cơ sở đóng gói ớt phục vụ xuất khẩu. Toàn tỉnh xây dựng khoảng 5.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các loại cây trồng rau các loại, mía, cây ăn quả. Trên địa bàn tỉnh có 80 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và có nhiều sản phẩm nông sản đạt OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh. Nhiều doanh nghiệp, HTX tham gia ứng dụng sử dụng mã QR giúp người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh truy xuất được ngày, tháng sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc mặt hàng nông sản.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển chuyển đổi số trong sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thiện bản đồ nông hóa giai đoạn 1 cho 9 huyện với tổng diện tích được xác lập là 102.814 ha đất nông nghiệp. Qua đó, số hóa các thông tin lên website:
datnongnghiepthanhhoa.com để các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân thuận lợi tra cứu, tìm hiểu. Cùng với đó là thông tin tổng hợp, lập bản đồ đề xuất phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và các biện pháp sử dụng đất, quản lý dinh dưỡng, kỹ thuật canh tác cho từng loại cây trồng trên từng loại đất ở từng địa phương. Trong tiêu thụ sản phẩm, hàng năm ngành nông nghiệp phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tập huấn hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có hơn 100 doanh nghiệp, HTX tham gia quảng bá và bán nông sản trên các sàn thương mại điện tử Tiki, Lazada, postmart.vn, voso.vn, nongsan antoanthanhhoa.vn...
Việc chủ động ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thấy ngành nông nghiệp Thanh Hóa đang dần chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại mang tính bền vững hơn.