Ứng dụng của Blockchain và AI thúc đẩy sự phát triển của ngành báo chí

Tờ Washington Post đã ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) từ năm 2018 để tự động hóa việc viết bài và kiểm duyệt nội dung, trong khi các hãng tin lớn khác như Reuters, The New York Times lại ứng dụng vào việc cá nhân hóa và nâng cấp trải nghiệm của độc giả.

Trong kỷ nguyên số hóa, công nghệ đã và đang làm thay đổi mọi mặt của cuộc sống và ngành báo chí cũng không nằm ngoài xu thế này. Trong đó, những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như Blockchain, Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), đang mở ra những cơ hội mới và tạo nên những thay đổi sâu sắc trong ngành báo chí.

Việc ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu suất, chất lượng, tăng tốc độ cung cấp thông tin của các tòa soạn, tối ưu trải nghiệm người dùng để hướng tới việc thu phí độc giả, tự chủ về tài chính cho các tòa soạn còn đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh mạng xã hội đang chiếm lĩnh phần lớn thị phần quảng cáo truyền thông và có phần lấn át các tòa soạn truyền thống.

Doanh thu của các cơ quan báo chí cũng sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2023. Chỉ tính doanh thu của các đài truyền hình đã sụt giảm tới 40%. Trong bối cảnh đó, nhiều cơ quan báo chí đang cố gắng giữ bằng được một phần doanh thu quảng cáo, bất chấp sự nhượng bộ và hy sinh các nguyên tắc báo chí để đổi lấy quyền lợi cho các nhà quảng cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại hội thảo

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại hội thảo

Cuộc cách mạng về bản quyền và kiểm chứng thông tin

Bản quyền và kiểm chứng thông tin được coi là hai vấn đề quan trọng hàng đầu của ngành báo chí, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ công nghệ, dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền cùng tin giả tràn lan, gây thiệt hại nghiêm trọng cho lĩnh vực xuất bản nói chung và báo chí nói riêng.

Tại một số nền kinh tế lớn, đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa dựa trên bản quyền vào nền kinh tế là đáng kể. Cụ thể, tại Mỹ là 11,99% GDP, Hàn Quốc 9,89% GDP, Pháp 7,02% GDP.

Tại Việt Nam, từ năm 2018 đến 2023, ước tính giá trị tăng thêm của các ngành này đóng góp vào kinh tế đạt hơn 4% đến hơn 6%. Tuy nhiên, việc vi phạm bản quyền trên không gian mạng vô cùng phức tạp, tinh vi với nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là diễn ra trên phạm vi rộng lớn, không biên giới nên khó xác định chủ thể và hành vi vi phạm, dẫn đến nhiều thiệt hại không đo đếm được. Trên nhiều diễn đàn báo chí, thường xuyên có những bài viết chia sẻ về tình trạng nhà báo bị cá nhân khác sử dụng hình ảnh, bài viết trái phép nhưng người đăng ẩn danh nên không thể yêu cầu gỡ bài.

Bên cạnh đó, tình trạng lan truyền tin giả cũng diễn ra phức tạp, tràn lan do mức độ phổ biến của mạng xã hội và các thiết bị di động cá nhân, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội và nhiều doanh nghiệp, cá nhân.

Để giải quyết tình trạng này, bên cạnh sự siết chặt quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì các đơn vị xuất bản, cơ quan báo chí có thể chủ động ứng dụng công nghệ phù hợp như Blockchain để bảo vệ tác quyền, giúp minh bạch và kiểm chứng thông tin.

Cụ thể, công nghệ Blockchain cho phép ghi lại mọi thay đổi và nguồn gốc của thông tin, giúp các nhà báo và độc giả dễ dàng xác minh tính xác thực của tin tức. Công nghệ Blockchain cũng giúp bảo vệ quyền tác giả bằng cách ghi lại ai là người tạo ra nội dung và khi nào nội dung được tạo ra. Điều này giúp ngăn chặn việc sao chép và phân phối trái phép, bảo đảm lợi ích cho nhà báo và các cơ quan báo chí.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ Blockchain có thể giúp các cơ quan báo chí phát hành NFT theo các chủ đề, sự kiện quan trọng hoặc NFT dành cho các độc giả trung thành, trả phí, tăng chất lượng tương tác và trải nghiệm.

Ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Về mặt bản chất, Blockchain được kỳ vọng có thể sẽ tạo ra một cuộc cách mạng thực sự về bản quyền và kiểm chứng thông tin nhờ tính năng minh bạch, không thể sửa, xóa. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ Blockchain có thể dẫn đến việc gia tăng chi phí đầu tư và vận hành, nên việc ứng dụng Blockchain vào hoạt động thực tiễn của tòa soạn, đặc biệt là các tòa soạn báo tại Việt Nam còn gặp nhiều rào cản.

Mặt khác, việc ứng dụng Blockchain vào quá trình xuất bản thông tin cũng đặt các cơ quan báo chí trước nhiều sự cạnh tranh đến từ các nền tảng web3 cho phép các nhà sáng tạo nội dung tự xuất bản thông tin mà không cần chịu sự quản lý của cơ quan nào và trực tiếp nhận thưởng từ độc giả, như Civil, Po.et hay Steemit.

Ứng dụng ai tự động hóa quy trình viết tin, xuất bản và nâng cao trải nghiệm độc giả

Trong khi Blockchain có phần khó ứng dụng vì rào cản chi phí, Trí tuệ nhân tạo (AI) lại được các cơ quan báo chí thúc đẩy mạnh mẽ ở hầu hết các bộ phận, từ thu thập tin tức, viết bài, xuất bản, kiểm duyệt bình luận nhờ ưu điểm dễ sử dụng, chi phí đầu tư thấp, hiệu quả, được thể hiện rõ ràng và nhanh chóng.

Từ năm 2018, tờ báo danh tiếng Washington Post đã dùng 2 ứng dụng Heliograf và ModBot để nâng cao hiệu suất của mình. Cả 2 ứng dụng này đều giành vị trí cao nhất ở Giải thưởng BIGGIES Toàn cầu 2018. Đây là giải thưởng thường niên vinh danh các ứng dụng công nghệ xuất sắc nhất của các công ty truyền thông trên khắp thế giới.

Cụ thể, Heliograf đã giành chiến thắng ở hạng mục "Sử dụng Bot xuất sắc", giúp tự động hóa việc tạo các bài viết dựa trên việc tổng hợp dữ liệu một cách hoàn chỉnh, chính xác, nhanh chóng. Ứng dụng thứ 2, ModBot đã giành giải cao nhất cho hạng mục "Ứng dụng AI (Non-Bot)" với tính năng tự động kiểm duyệt bình luận nhanh chóng, chính xác, giúp giảm đáng kể chi phí về nhân sự và vận hành.

Tại Reuters, hãng tin này đã sử dụng AI và máy học (machine learning) để phân tích dữ liệu từ hàng triệu nguồn tin khác nhau, giúp phát hiện các xu hướng và tin tức nóng một cách nhanh chóng. Các công cụ này đã giúp Reuters liên tục duy trì vị thế của mình là một trong những hãng tin tức hàng đầu thế giới và không bị tụt hậu về tốc độ thông tin.

Trong khi đó, tờ The New York Times lại sử dụng AI để cá nhân hóa nội dung cho từng độc giả dựa trên thói quen đọc báo và sở thích cá nhân. Điều này giúp tăng cường trải nghiệm người dùng và giữ chân độc giả lâu hơn, sẵn sàng trả phí để đọc được những tin tức theo đúng nhu cầu của mình.

Đây chỉ là một vài ví dụ điển hình, trong khi thực tế các tòa soạn không chỉ dùng một ứng dụng AI mà đang dùng đồng thời nhiều ứng dụng để tối ưu toàn bộ hoạt động.

Hầu hết các tòa soạn hiện nay đều khuyến khích nhà báo, phóng viên sử dụng các công cụ AI phổ biến như Chat GPT, Gemini, Heygen, Sora... để tra cứu dữ liệu, dựng video, hoàn thành bài viết nhanh chóng và đa chiều hơn. Đối với các lĩnh vực yêu cầu mức độ chính xác cao như pháp lý, các nhà báo, phóng viên có thể sử dụng ứng dụng "AI tra cứu luật" do Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII trực thuộc Hiệp hội Blockchain Việt Nam phát triển.

Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ này cũng đặt ra yêu cầu kiểm duyệt và đối chiếu thông tin, xác minh và thẩm định lại nguồn tin do AI cung cấp đối với nhà báo, phóng viên và các cấp biên tập. Các tòa soạn cũng cần xây dựng quy trình về việc sử dụng AI sẽ phải đi kèm với những quy tắc ứng dụng, quy tắc đạo đức, tránh lạm dụng và gây ra những hậu quả ngoài ý muốn.

Đặc biệt, việc bảo mật thông tin, nhất là thông tin của các nguồn tin liên quan đến vấn đề điều tra, thông tin các vụ án trước và trong khi xét xử cần được hết sức lưu ý và tuân theo quy trình cụ thể nếu muốn xử lý bằng AI.

Cuối cùng, vì công nghệ luôn thay đổi, mà cụ thể là công nghệ Blockchain và AI đang thay đổi với tốc độ chóng mặt từng ngày, các nhà báo và tòa soạn cần liên tục học tập, trau dồi kiến thức để bảo đảm khả năng thích ứng nhanh chóng, không ngừng học hỏi để cập nhật những kiến thức mới, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu độc giả nhưng vẫn bảo đảm cân bằng với các nguyên tắc trung thực, chính xác, bảo vệ nguồn tin theo đúng tôn chỉ, mục đích của nghề báo.

Bích Lan - Bùi Hùng

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/cong-nghe/ung-dung-cua-blockchain-va-ai-thuc-day-su-phat-trien-cua-nganh-bao-chi_163798.html