Ứng dụng điện toán đám mây trong quản lý kinh doanh tại Việt Nam

Hiện nay, khi các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức trong hoạt động kinh doanh của mình thì việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây được xem là sự đầu tư hợp lý và có thể mang lại lợi ích tối đa cho doanh nghiệp thông qua việc tối thiểu hóa chi phí cũng như giúp hệ thống hoạt động một cách hiệu quả. Điều này lý giải vì sao ứng dụng điện toán đám mây trong kinh doanh ngày càng trở nên phổ biến. Bài viết trao đổi về những rào cản và đề xuất một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh sử dụng điện toán đám mây một cách hiệu quả trong hoạt động doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Xu hướng chung trên toàn cầu

Trong môi trường kinh doanh đầy biến động với xu thế hội nhập, mọi doanh nghiệp (DN) đều phải luôn sẵn sàng ứng phó mọi tình huống, có nhu cầu nắm bắt, theo dõi thông tin nhanh, chính xác, đồng thời cần tích hợp những ứng dụng hỗ trợ hiệu quả.

Thực tế cho thấy, DN không chỉ có nhu cầu kiểm soát số liệu kế toán đơn thuần mà còn phải nắm được nhiều thông tin, đồng thời, cần sở hữu một công cụ hiện đại hơn giúp tinh chỉnh và quản lý giá thành và toàn bộ quy trình sản xuất, với chi phí hợp lý để duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Trong bối cảnh đó, điện toán đám mây - điện toán máy chủ ảo, là công nghệ dựa trên Internet để cung cấp công nghệ thông tin (CNTT) như một dịch vụ, được coi là sự lựa chọn hàng đầu.

Rất nhiều DN, đặc biệt là DNNVV có xu hướng sử dụng các dịch vụ và cơ sở hạ tầng điện toán đám mây như một thành phần chủ ý trong chiến lược của mình. Điều này lý giải tại sảo công nghệ điện toán đám mây hiện đang trở thành xu hướng thời đại, trong đó có rất nhiều dịch vụ lưu trữ “trên mây” như Google Drive, SkyDrive, Dropbox…

Ngoài ra, các ứng dụng mail, office hay các ứng dụng mà hàng ngày được sử dụng như Facebook, YouTube đã ứng dụng công nghệ điện toán đám mây khá thành công.

Theo nghiên cứu mới đây của Hãng Oracle, hiện có khoảng hơn 70% các cơ sở sản xuất đang sử dụng các ứng dụng điện toán đám mây trong quy trình quản lý chuỗi cung ứng. Những công cụ quản lý chuỗi cung ứng hiện đại sẽ chuyển đổi các toàn bộ hệ thống, từ việc chỉ thực hiện những chức năng cơ bản đơn thuần tới việc thực sự trở thành một lợi thế cạnh tranh cho DN.

Trong khi đó, nghiên cứu gần đây của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) cũng cho thấy, hệ thống cung ứng trên nền tảng điện toán đám mây đang trên đà phát triển nhanh chóng. Các ứng dụng dịch vụ hậu cần trên đám mây dự kiến sẽ tăng trưởng lên khoảng 20% vào năm 2019, trong khi các ứng dụng trên hệ thống cố định chỉ tăng dưới 5%.

Tương tự, các ứng dụng quản lý hàng tồn kho trên đám mây sẽ tăng khoảng 26%, còn các phiên bản dành cho hệ thống cố định chỉ tăng khoảng 4%. Những số liệu này đã cho thấy, sự thay đổi rõ ràng trong việc chọn lựa các ứng dụng hỗ trợ quản lý chuỗi cung ứng trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh.

Báo cáo của IDC cũng khẳng định, những đối tác có được hơn 50% doanh thu từ điện toán đám mây đang có lượng khách hàng mới dồi dào hơn, gia tăng được doanh thu trên từng nhân viên và có tốc độ tăng trưởng về mặt tổng thể nhanh hơn, từ đó có lợi nhuận vượt trội.

Trong thực tế, theo các kết quả, các đối tác với định hướng điện toán đám mây đã có tỷ lệ tăng trưởng gấp đôi, có được lượng khách hàng mới nhanh gấp đôi, đồng thời, tạo ra doanh thu hơn 30% trên mỗi nhân viên so với các đối tác không định hướng đám mây.

Theo công bố của Tập đoànVMware trong nghiên cứu khảo sát VMware Cloud Index 2013 tại thị trường Việt Nam, có đến 83% DN Việt Nam coi điện toán đám mây là ưu tiên hàng đầu đối với tổ chức của họ và 67% DN nói rằng điện toán đám mây hay xu thế “dưới dạng một dịch vụ” có ảnh hưởng lớn tới hoạt động chuyển đổi kinh doanh trong tổ chức của họ.

Các báo cáo tại Hội nghị Điện toán Đám mây Việt Nam 2017 vừa diễn ra với chủ đề: “Việt Nam và cách mạng 4.0: Thúc đẩy chuyển đổi số với điện toán đám mây” cũng cho biết hiện tại Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng chi tiêu cho điện toán đám mây trong giai đoạn 2010-2016 cao nhất (64,4%/năm), cao hơn hẳn mức bình quân của ASEAN (49,5%) và thế giới (42.5%)...

Những rào cản đặt ra

Nền tảng điện toán đám mây sẽ giúp các DN, đặc biệt các DNNVV kiểm soát toàn bộ quá trình từ sản xuất tới vận chuyển, giảm thiểu chi phí, gia tăng hiệu suất và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Mặc dù điện toán đám mây mang lại lợi ích rất lớn cho DN trong quá trình vận hành song việc áp dụng vào thực tiễn đang gặp những khó khăn nhất định:

- Thay đổi thói quen sử dụng của người dùng và nhận thức của DN về vai trò, lợi ích của điện toán đám mây vẫn là thách thức không nhỏ.

- Chất lượng dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam chưa thực sự đảm bảo. Chẳng hạn, khi sử dụng công nghệ này thì các thông tin của DN sẽ nằm trên “mây”, vì thế không ai đảm bảo rằng dữ liệu sẽ được an toàn, và nếu có an toàn thì mức độ an toàn ra sao? Mặt khác, rủi ro từ phía người dùng, thói quen sử dụng của người dùng cũng ảnh hưởng khá nhiều đến thông tin của DN, khi truy cập dữ liệu từ bên ngoài DN có thể để lộ thông tin truy cập vào ứng dụng...

- Trong kinh doanh, các vấn đề về an toàn về thông tin và dữ liệu là rất quan trọng; nếu vì một lý do nào đó, việc mất hoặc sai dữ liệu sẽ khiến cho kinh doanh thực sự gặp khó khăn. Hiện tại, các ứng dụng được xây dựng trên web thì chứa đựng nhiều rủi ro về bảo mật, điển hình là có nhiều cuộc tấn công vào các trang web của nhiều DN.

Ngoài ra, DN cũng đặt câu hỏi độ an toàn của dữ liệu cũng như thông tin DN sau khi chấm dứt với nhà cung cấp phần mềm cũ để chuyển sang nhà cung cấp mới sẽ ra sao?; Cơ chế kiểm soát nào để khẳng định dữ liệu, thông tin kinh doanh bí mật của DN sẽ không bị sử dụng với mục đích khác?...

- Phụ thuộc vào đường truyền internet: Khi đường truyền internet không đảm bảo hoặc đứt đột ngột thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Đặc biệt, đối với các DN bán lẻ, kinh doanh thì sẽ ảnh hưởng rất lớn...

Ứng dụng điện toán đám mây trong quản lý kinh doanh tại Việt Nam

Theo nhận định của các chuyên gia, điện toán đám mây không còn là xu hướng mà đã thực sự đang diễn ra. Các DN cần chủ động tìm hiểu và từng bước triển khai ứng dụng điện toán đám mây để không bị tụt lại trong cuộc Cách mạnh công nghiệp 4.0, cụ thể, cần chú trọng một số vấn đề sau:

- Thay đổi nhận thức về điện toán đám mây, cần hiểu rõ những lợi ích to lớn mà công nghệ này mang lại để có thể kế hoạch ứng dụng. Đẩy nhanh việc tiếp cận và ứng dụng các ứng dụng điện toán đám mây trong hoạt hoạt động kinh doanh của mình bởi đây là xu hướng tất yếu, đặc biệt khi mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của nó đối với hoạt động DN đang ở rất gần.

- Cần có chính sách ưu tiên cho điện toán đám mây như là một chất xúc tác mạnh, để kích hoạt quá trình chuyển đổi số thông qua ứng dụng dữ liệu lớn (big data) và Vạn vận kết nối (IoT) nhằm tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.Ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng CNTT, đặc biệt là kết nối băng thông rộng và ứng dụng điện toán đám mây tới một cấp độ nhất định để kích hoạt các nguồn nội lực và đạt được tăng trưởng bền vững.

- Cần có những chính sách định hướng và khuyến khích các DN, tổ chức để có những chiến lược nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng điện toán đám mây sớm để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển kinh tế đất nước.

- DN cần lựa chọn công nghệ máy chủ thích hợp để tăng sức mạnh cho các ứng dụng và dịch vụ của DN. Chú trọng hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ lớn, có uy tín trên toàn cầu để có được những dịch vụ tốt hơn.

Tài liệu tham khảo:

1. Như Loan (2017), Thúc đẩy sử dụng ứng dụng điện toán đám mây tại doanh nghiệp, Báo Đầu tư;

2. Vân Du, (2016), Điện toán đám mây: Giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng, Báo Diễn Đàn doanh nghiệp;

3. Cao Minh, Nhật Thanh (2017), Hướng doanh nghiệp chuyển sang điện toán đám mây, PC World Vietnam;

4. Các website: vinasa.org.vn, oracle.com, vmware.com...

ThS. Nguyễn Hằng Giang - Đại học Thương mại

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/ung-dung-dien-toan-dam-may-trong-quan-ly-kinh-doanh-tai-viet-nam-129837.html