Ứng dụng GPS trong phòng trừ bọ cánh cứng và sâu đầu đen hại dừa

'Ứng dụng GPS xây dựng bản đồ tọa độ phóng thích ong ký sinh phòng trừ bọ cánh cứng và sâu đầu đen hại dừa' là giải pháp sáng tạo của nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Quyền (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Nguyễn Thị Kim Thoa (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên) của huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Giải pháp này được trao giải Ba - Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XV (2022 - 2023).

Tác giả Nguyễn Ngọc Quyền (thứ 5 từ phải qua) và Nguyễn Thị Kim Thoa (thứ 4 từ phải qua) tại Hội nghị tổng kết Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XV (2022 - 2023).

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Quyền cho biết, trên cây dừa có nhiều loài sâu gây hại; trong đó, bọ cánh cứng và sâu đầu đen có khả năng gây hại nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái, thậm chí làm chết cây nếu bị nhiễm nặng. Sâu đầu đen là loài sâu gây hại mới xuất hiện trong những năm gần đây. Còn theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, sâu đầu đen hại dừa là loài sâu hại mới rất nguy hiểm, rất khó phòng trị và chưa có loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đăng ký phòng trị đặc hiệu.

Để phòng trị bọ cánh cứng và sâu đầu đen hại dừa, người dân canh tác dừa trên địa bàn huyện Chợ Gạo thường sử dụng thuốc BVTV để phun xịt định kỳ. Tuy biện pháp này mang lại hiệu quả phòng trừ khá tốt nhưng có thể tạo ra sự kháng thuốc cũng như gây tác động tiêu cực đến môi trường do tồn dư thuốc BVTV, nhất là trong giai đoạn hiện nay, huyện Chợ Gạo đang triển khai xây dựng vườn dừa canh tác theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc BVTV.

Theo Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XV (2022 - 2023), trong quá trình triển khai giải pháp sáng tạo, kỹ sư Nguyễn Ngọc Quyền và nhóm nghiên cứu đã vận dụng kết quả nghiên cứu của Đề tài “Quản lý bọ cánh cứng hại dừa bằng biện pháp sinh học tại các tỉnh phía Nam” do Cục Bảo vệ thực vật chủ trì thực hiện tại Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam và các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long (kết quả nghiên cứu được chuyển giao cho huyện Chợ Gạo); đồng thời, nhóm tác giả cũng nghiên cứu, bổ sung quy trình phóng thích ong ký sinh sâu đầu đen gây hại trên cây dừa vào giải pháp nghiên cứu của mình.

Xuất phát từ thực tế trên, kỹ sư Nguyễn Ngọc Quyền cùng cộng sự nghiên cứu áp dụng biện pháp sinh học để phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây dừa, nhằm giúp cân bằng môi trường sinh thái, phục vụ mục tiêu canh tác cây dừa theo hướng bền vững.

Giải pháp “Ứng dụng GPS (hệ thống định vị toàn cầu) xây dựng bản đồ tọa độ phóng thích ong ký sinh phòng trừ bọ cánh cứng và sâu đầu đen hại dừa” do nhóm tác giả đề xuất đã khắc phục những nhược điểm của cách làm trước đó. Việc phóng thích được đảm bảo phân bố đều cho các vườn dừa theo tọa độ được chỉ định, hiệu quả phòng trừ sâu hại vì thế cũng được nâng lên rõ rệt.

Về cách tiến hành, nhóm tác giả sử dụng giao diện của bản đồ Google Map để định vị các vị trí (tọa độ) cần phóng thích ong ký sinh (bọ cánh cứng và sâu đầu đen), các bảo vệ viên BVTV sẽ mang các hũ nhựa chứa các mummy (xác mummy là bọ cánh cứng hoặc sâu đầu đen đã chết, ruột chứa ong ký sinh) treo ở các vườn dừa cần phóng thích theo tọa độ đã được chỉ định bởi cán bộ phụ trách.

Ong ký sinh thoát ra từ các mummy sẽ bay ra môi trường để tiêu diệt các sâu, nhộng (giai đoạn trưởng thành của ấu trùng) bọ cánh cứng, sâu đầu đen bằng cách dùng ống đẻ trứng chích nọc độc, đặt trứng trực tiếp vào cơ thể con mồi (làm con mồi tê liệt và chết) và khi trứng nở, thế hệ ong ký sinh con có sẵn thức ăn để sinh trưởng và sống ký sinh trên đó.

Việc phóng thích này được tiến hành theo định kỳ và theo tọa độ cố định, có ghi chép nhật ký theo dõi. Khi mật số ong ký sinh đã đảm bảo đủ số lượng và dịch bệnh được kiểm soát tốt thì bảo vệ viên BVTV sẽ ngừng phóng thích theo lệnh của cán bộ phụ trách.

Để tạo ra các mummy phục vụ cho việc phóng thích ong ký sinh, các kiểm soát viên BVTV tiến hành thu bắt ấu trùng (bọ cánh cứng và sâu đầu đen) và ong ký sinh tại các vườn dừa. Các ấu trùng (kích thước bằng hạt gạo) được cho vào hũ nhựa, sau đó ong ký sinh bọ cánh cứng (kích thước bằng đầu kim) và ong ký sinh sâu đầu đen (kích thước bằng đít kim) được thả vào khi ấu trùng đã lớn thành nhộng. Sau khi chích nọc độc, đẻ trứng và ký sinh trên thân nhộng tạo thành mummy. Ong ký sinh nhân mật số rất nhanh và mummy có thể được mang đi phóng thích sau 16 ngày tuổi.

Triển khai giải pháp sáng tạo “Ứng dụng GPS xây dựng bản đồ tọa độ phóng thích ong ký sinh phòng trừ bọ cánh cứng và sâu đầu đen hại dừa”, nhóm tác giả nghiên cứu Nguyễn Ngọc Quyền và Nguyễn Thị Kim Thoa đã tiến hành phóng thích gần 6.000 mummy ong ký sinh bọ cánh cứng ở 15 tọa độ tại các vườn dừa thuộc xã Bình Ninh và phóng thích trên 400 mummy ong ký sinh sâu đầu đen tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo. Kết quả, dịch bọ cánh cứng và sâu đầu đen hại dừa được kiểm soát tốt, môi trường sinh thái từng bước được cân bằng (giữa thiên địch có lợi và thiên địch gây hại).

Theo kỹ sư Nguyễn Ngọc Quyền, thời gian gần đây, dịch sâu đầu đen bùng phát mạnh trên cây dừa tại một số địa phương; trong đó có huyện Chợ Gạo là do mật độ ong ký sinh bị suy giảm. Giải pháp trước mắt để phòng trừ sâu đầu đen là sử dụng thuốc để phun xịt. Đối với những vườn dừa lão, năng suất suy giảm thì nên đốn bỏ, đốt tiêu hủy để diệt mầm bệnh. Giải pháp lâu dài và bền vững nhất vẫn là sử dụng thiên địch để phòng trừ.

HUỲNH VĂN XĨ - T.L

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/khoa-hoc-doi-song/202410/ung-dung-gps-trong-phong-tru-bo-canh-cung-va-sau-dau-den-hai-dua-1023700/