Ứng dụng hẹn hò và nguy cơ mắc bệnh khó nói
Nhiều người chẳng may mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) thường chịu đựng âm thầm, thậm chí bị ảnh hưởng nặng nề về mặt tâm lý
Bệnh nhân đồng tính nam, 22 tuổi, được mẹ đưa đến Bệnh viện Da liễu TP HCM khám vì muốn xét nghiệm tầm soát các bệnh STDs.
Phút ham vui, ngàn hối hận
Bệnh nhân và người yêu (cũng là nam giới) đã quan hệ tình dục với nhau khoảng một năm và gần đây anh phát hiện người yêu cũng có quan hệ với một số bạn tình khác. Cảm thấy như bị phản bội, bệnh nhân buồn rầu suốt nhiều tuần.
Mặc dù không có triệu chứng nhưng lo lắng nên anh tự đi xét nghiệm HIV ở một cơ sở xét nghiệm tư nhân. Khi nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, anh cảm thấy như sét đánh ngang tai. Bệnh nhân trở nên ít nói, thường ở một mình trong phòng, từ chối giao tiếp với mọi người. Sau đó, bệnh nhân mất ngủ, việc học bị ảnh hưởng, còn có ý định tự tử. Người mẹ thấy sự thay đổi khác thường của con nên gặng hỏi thì mới biết được sự việc.
Tại Bệnh viện Da liễu TP HCM, sau khi làm các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân may mắn không nhiễm những bệnh STDs khác. Các bác sĩ và nhân viên tham vấn HIV đã giải thích cho bệnh nhân hiểu rõ người bị HIV không đồng nghĩa với sự kết thúc của mọi thứ. Khi hiểu rõ về căn bệnh cũng như phương pháp điều trị, bệnh nhân cũng bắt đầu nguôi ngoai dần. Nhận thấy tâm lý anh vẫn chưa ổn định hoàn toàn, các bác sĩ chuyên khoa tâm thần chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn lo âu và được kê đơn thuốc điều trị trong thời gian dài.
Một trường hợp khác cũng là nam giới, 30 tuổi, đã có gia đình. Sau một buổi nhậu say, anh được bạn bè rủ đi massage thư giãn. Tại đây, nữ nhân viên massage đã có hành vi quan hệ tình dục qua đường miệng với anh. Sau khoảng 3 ngày, anh bị ngứa ở bộ phận sinh dục, đi tiểu rát buốt, tiết dịch mủ; đi khám, xét nghiệm mới phát hiện mắc bệnh lậu.
Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Văn Lợi Em, Trưởng Khoa Lâm sàng 3 Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết mặc dù bệnh lậu không khó điều trị và thời gian chỉ khoảng 1 tuần nhưng bệnh nhân trở nên suy sụp bởi cảm giác tội lỗi. Anh trở nên mất tự tin, mặc cảm khi gặp gỡ người khác vì sợ. Về nhà lại không dám quan hệ tình dục với vợ vì sợ lây và sợ bị phát hiện đã làm chuyện bậy bạ bên ngoài.
Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân còn than phiền thỉnh thoảng có cảm giác ngứa râm ran ở vùng lỗ tiểu. Mỗi lần như vậy, anh lại vào bệnh viện xin xét nghiệm để kiểm tra xem vi khuẩn lậu đã hết hay chưa. Đến khi xét nghiệm lần thứ 3, dù kết quả đã âm tính nhưng vì lo âu quá mức, bệnh nhân vẫn khăng khăng là mình vẫn còn bệnh và tiếp tục nài nỉ xin được làm xét nghiệm. Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang điều trị chuyên khoa tâm thần, được điều trị bằng thuốc kết hợp tư vấn tâm lý với chẩn đoán theo dõi rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Theo bác sĩ Lợi Em, từ hai trường hợp trên có thể thấy rõ bệnh STDs ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của bệnh nhân một cách đáng kể với nhiều biểu hiện khác nhau. Do đó, xu hướng tiếp cận điều trị các bệnh STDs hiện nay là nên tiếp cận toàn diện, không chỉ điều trị bệnh mà còn phải quan tâm những ảnh hưởng của bệnh đối với sức khỏe tâm thần.
Nguy cơ lây bệnh từ mạng xã hội
Theo các chuyên gia, hiện nay công nghệ làm thay đổi cuộc sống và tác động mọi lĩnh vực, trong đó cũng ảnh hưởng đáng kể đến các căn bệnh STDs. Một mặt, công nghệ cung cấp các công cụ mới để cung cấp thông tin, giáo dục phòng ngừa STDs, kết nối cộng đồng và tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, công nghệ cũng có thể là yếu tố nguy cơ đối với bệnh STDs như góp phần lan truyền những thông tin sai lệch, tạo ra những quan niệm và mô hình về quan hệ tình dục nguy cơ cao.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Phú An, Khoa Lâm sàng 3 Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết mạng xã hội giúp kết nối nhiều người với nhau nhưng có thể bị lạm dụng để chia sẻ thông tin sai lệch về bệnh STDs và tìm đối tác để quan hệ tình dục xã giao. Nghiên cứu cho thấy phần lớn các thông tin sai lệch được chia sẻ trên mạng xã hội phổ biến nhất là những chủ đề liên quan đến tiêm chủng và các bệnh truyền nhiễm (bao gồm STDs).
Giới chuyên môn cho rằng mạng xã hội hiện nay còn tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng tiếp cận và lựa chọn bạn tình phù hợp thông qua những hồ sơ cá nhân của người dùng. Người dùng có thể truy cập vào trang cá nhân của người khác để xem những thông tin như tuổi, giới tính, nơi sống... Từ đó, họ có thể đoán được tính cách, nhu cầu và có thể lựa chọn được người phù hợp với mình. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và công sức rất nhiều so với việc gặp gỡ và tìm hiểu trực tiếp trong cuộc sống ngoài đời thực. Vì vậy, việc một người tìm được nhiều bạn tình khác nhau cùng lúc ngày càng dễ dàng hơn. "Thực tế cho thấy ứng dụng hẹn hò cũng góp phần vào gia tăng nguy cơ mắc bệnh STDs" - bác sĩ An nhấn mạnh.
Nghiên cứu cho thấy khoảng 56,7% các đối tượng MSM (nam giới có quan hệ tình dục với nam giới), lưỡng giới, chuyển giới sử dụng mạng xã hội để tìm bạn tình; 19,6% sử dụng để tìm đối tác quan hệ để kiếm tiền và 9,8% tìm đối tác quan hệ để đổi lấy thuốc kích thích.
Tìm bạn tình qua ứng dụng hẹn hò, dễ mắc bệnh
Bác sĩ Nguyễn Phú An dẫn ra một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy 45% người dùng từ 18-34 tuổi sử dụng ứng dụng hẹn hò để trải nghiệm cảm giác mới lạ và khoảng 28% người tìm bạn tình để quan hệ tình dục xã giao.
Một khảo sát khác cũng cho thấy phần lớn người trẻ, người thuộc cộng đồng LGBT (những người thuộc giới tính thứ 3) và người có trình độ học vấn cao cho rằng tìm bạn tình qua ứng dụng hẹn hò khá an toàn. Vì chủ quan và thiếu nhận thức, những đối tượng này có nguy cơ cao mắc bệnh STDs.
Nghiên cứu khác cũng cho thấy người sử dụng ứng dụng hẹn hò có tỉ lệ xét nghiệm dương tính với bệnh lậu cao hơn 1,25 lần so với người không sử dụng.