Ứng dụng khoa hoạc công nghệ: Hướng đi tất yếu
Việc ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất công nghiệp nhằm tăng giá trị, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao là hướng đi tất yếu để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Mang lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
Hiện nay trên thế giới việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào trong sản xuất mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho các nhà doanh nghiệp như tăng sản lượng, chất lượng và tăng tính đồng bộ… Trong bối cảnh bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đòi hỏi chúng ta phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất. Trong đó, việc đưa công nghệ điều khiển và tự động hóa vào quá trình sản xuất, kinh doanh là điều kiện cần và là tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Thực hiện được yêu cầu này sẽ nâng cao năng suất lao động, tạo ra chất lượng sản phẩm cao và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Sở Công thương, trong 6 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước tiến mới trong việc tận dụng các FTA thương mại, nắm bắt cơ hội để phát triển, hội nhập ngày càng sâu rộng vào sân chơi toàn cầu. Do đó, để đáp ứng kịp yêu cầu và những thay đổi của cơ chế thị trường đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, cùng với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, thì vấn đề đầu tư công nghệ hiện đại, tự động hóa trong sản xuất… là những đòi hỏi phải thực hiện để bảo đảm cho sự phát triển.
Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề ứng dụng công nghệ còn là sự sống còn của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp chủ động ứng dụng công nghệ tự động hóa vào lao động sản xuất tại các doanh nghiệp là rất cần thiết, đặc biệt trong trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đã và đang đem lại nhiều thay đổi. Hiện nay, trên thế giới, công nghệ sản xuất kết nối tất cả công đoạn sản xuất bằng công nghệ số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giải quyết các vấn đề tại công xưởng, đối ứng nhanh với yêu cầu mới từ thị trường. Theo báo cáo mới từ Viện chuyển đổi kỹ thuật số của Capgemini, các nhà máy thông minh có thể đóng góp tới 500 tỷ đôla Mỹ giá trị gia tăng cho nền kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới. Mục tiêu chính của công nghiệp 4.0 là thúc đẩy quá trình sản xuất nhanh hơn, hiệu quả hơn và tập trung vào khách hàng, đồng thời thúc đẩy quá trình tự động và tối ưu hóa bằng công nghệ sản xuất thông minh để khám phá các cơ hội và các mô hình kinh doanh mới.
Theo ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc phụ trách đào tạo của Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đem lại nhiều nền tảng công nghệ cho doanh nghiệp trong sản xuất và quản lý công ty. Theo đó, nếu các công ty đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thì chất lượng, số lượng sản phẩm tăng, tiết kiệm được nguồn lực, doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp ngành gỗ thay đổi về tư duy để cập nhật những kiến thức mới đáp ứng yêu cầu; đồng thời, nâng cấp các trang thiết bị máy móc tự động và công nghệ để phù hợp với cuộc cách mạng 4.0 để đón đầu những lợi thế mà cuộc cách mạng này đem lại. Chính vì vậy Bifa đã tổ chức khóa đào tạo về hệ thống CNC cho các doanh nghiệp trong hiệp hội và được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.
Lợi ích thiết thực
Thực tiễn cho thấy, khi áp dụng công nghệ tự động hóa sẽ thúc đẩy phát triển mạnh rất nhiều lĩnh vực khác. Hiện nay, tự động hóa còn được áp dụng trong hầu hết các dây chuyền sản xuất tự động trong công nghiệp chế tạo lắp ráp ô tô, xe máy, chế tạo máy, đo lường, trong lĩnh vực y tế và dược phẩm, in ấn bao bì, chăm sóc sức khỏe cộng đồng… Theo Ông Lý Ngọc Bạch, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, các doanh nghiệp gốm sứ cũng tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tiết kiệm chi phí lao động. Ông Bạch cho biết: “Trước đây, có những công đoạn sản xuất gốm sứ doanh nghiệp phải cần đến 5 công nhân. Tuy nhiên, sau khi áp dụng máy móc tự động bây giờ chỉ với 1 người. Việc đầu tư máy móc thiết bị tốn rất nhiều vốn song bù lại sản lượng và chất lượng sản phẩm rất cao”.
Theo các chuyên gia, việc tự động hóa là cách loại bỏ lãng phí những công đoạn kém hiệu quả trong sản xuất. Thiết lập và lập trình thiết bị đúng cách sẽ giúp tạo ra sai số nhỏ, nhờ đó loại bỏ việc phải làm lại sản phẩm cũng như giảm thiểu lượng phế liệu được tạo ra. Ngay cả những công nhân vận hành có tay nghề cao nhất cũng không thể đạt được hiệu quả của tự động hóa trên bất kỳ quy trình thông thường nào. Các máy tự động được thiết kế để thực hiện nhiều thao tác cùng một lúc, do đó không cần phải di chuyển vật liệu sau mỗi giai đoạn sản xuất, các sản phẩm hoàn chỉnh có thể gửi trực tiếp đến nơi lưu trữ mà không cần sự can thiệp của con người. Việc kết nối thiết bị, máy móc trong nhà máy với hệ thống quản lý sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho việc báo cáo tình trạng sản xuất IoT (mạng lưới vạn vật kết nối) sẽ cho phép con người tập trung hơn vào công việc sản xuất nhờ loại bỏ việc báo cáo các hoạt động không cần thiết. Ngoài ra, IoT kết hợp trong công nghệ sản xuất thông minh sẽ giúp tối ưu hóa quy trình, quản lý thông tin dữ liệu của hoạt động sản xuất, kinh doanh dễ dàng và bảo mật thông tin hơn. Tự động hóa giúp thực hiện các công việc tương tự với ít nhân công và ít máy móc thiết bị hơn. Một cách dễ dàng để tăng tự động hóa trong công nghệ sản xuất thông minh đó là thông qua robot và các máy móc tự động khác được thiết kế để hoạt động phối hợp cùng với con người. Hơn nữa, chi phí đầu tư cho robot vừa thấp mà mang lại hiệu quả nhanh. Việc nhân viên lao động nghỉ việc có tác động lớn đến năng suất lao động. Nhưng với tự động hóa việc nhân viên vắng mặt tạm thời hoặc nghỉ trong thời gian dài vẫn có thể bảo đảm quy trình làm việc, hoạt động sản xuất ổn định. Do vậy, hoạt động sản xuất sẽ ít phụ thuộc hơn vào người lao động, giúp tối đa hóa năng suất sản xuất. Công nghệ sản xuất thông minh giúp doanh nghiệp sản xuất theo quy trình, tăng độ chính xác, dễ dàng kiểm soát dữ liệu dựa trên hệ thống máy móc điều khiển. Thực hiện các nguyên tắc sản xuất tinh gọn kết hợp với các thiết bị sản xuất tự động để quá trình sản xuất hiệu quả, năng suất cao hơn.
Thực hiện tự động hóa trong công nghệ sản xuất thông minh sẽ bảo đảm an toàn hơn cho người lao động vì con người không cần hoặc rất ít phải tác động trực tiếp trong sản xuất. Hệ thống sẽ tự động nhập, lưu trữ, xử lý và truy xuất dữ liệu tự động và cần rất ít sự can thiệp trực tiếp của con người. Theo thống kê của Cục Thống kê Lao động Mỹ báo cáo năm 2015 cho thấy, áp dụng tự động hóa trong công nghệ sản xuất thông minh giúp giảm các tai nạn lao động khoảng 2,9 triệu vụ chấn thương, tương đương 3 vụ tai nạn trên 100 nhân viên làm việc. Như vậy, công nghệ 4.0 là công nghệ sản xuất thông minh, làm cơ sở cho việc sử dụng linh hoạt các hệ thống sản xuất.
Nguồn Bình Dương: http://baobinhduong.vn/ung-dung-khoa-hoac-cong-nghe-huong-di-tat-yeu-a204233.html