Ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị nông sản

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được coi là giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, giảm chi phí sức lao động, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, đồng thời mở ra triển vọng lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam, đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Sản xuất cơm cháy tại Công ty TNHH Sản xuất và phân phối thực phẩm An Phú. Ảnh: Hoàng Hiệp

Sản xuất cơm cháy tại Công ty TNHH Sản xuất và phân phối thực phẩm An Phú. Ảnh: Hoàng Hiệp

Ninh Bình là một tỉnh có tốc độ phát triển nhanh, trong đó ngành Nông nghiệp giữ vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, sự bùng nổ của công nghệ thông tin; sự cạnh tranh từ các thị trường khác đòi hỏi chất lượng nông sản càng cao; cùng với diện tích đất bị thu hẹp do đô thị hóa, do biến đổi khí hậu trong khi dân số tăng nên nhu cầu lương thực không ngừng tăng lên… là những thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà. Giải bài toán cho các vấn đề này, phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ là xu hướng tất yếu, góp phần nâng cao hiệu quả về năng suất chất lượng nông sản và bảo đảm sự phát triển của nền nông nghiệp bền vững.

Được thành lập năm 2016, Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia, xã Gia Lâm, huyện Nho Quan hướng đến mục tiêu trở thành một đơn vị chuyên sâu về sản xuất và sơ chế biến dược liệu an toàn, đạt các tiêu chuẩn về chất lượng hàng đầu; bảo tồn và phát triển một số loại dược liệu quý và có giá trị.

Ông Phạm Tiến Duật, Phó Giám đốc Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia cho biết: Mặc dù khởi đầu với muôn vàn khó khăn như đất đai cằn cỗi, hoang hóa trong nhiều năm liên tục, hạ tầng và trang thiết bị vô cùng thiếu thốn, thiếu kinh nghiệm thực tế về tổ chức sản xuất và quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, song với phương châm là doanh nghiệp khoa học công nghệ, Công ty đã ứng dụng các tiến bộ mới nhất vào sản xuất (công nghệ tưới, công nghệ phân bón,…) và công nghệ sơ chế biến hiện đại (như sấy lạnh, sấy đông khô…) để đi tắt đón đầu thị trường, cho ra những sản phẩm có chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe ở trong và ngoài nước.

Công ty đang bảo tồn và nhân giống khoảng 30 loài trà hoa vàng bản địa của Việt Nam với diện tích gần 30 ha. Sản phẩm chủ yếu của Công ty là trà hoa vàng. Nếu như việc canh tác, chế biến theo cách truyền thống sẽ làm mất đi các giá trị dược liệu của trà hoa vàng, thì với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật không chỉ khắc phục được nhược điểm này mà còn nâng cao giá trị nông sản gấp hàng chục lần.

Ông Phạm Tiến Duật cho biết: Hiện Công ty đang áp dụng hệ thống châm dinh dưỡng nhỏ giọt công nghệ cao. Nhỏ giọt được lắp đặt ở tất cả các gốc cây trồng, theo công nghệ tưới và châm dinh dưỡng của Isarel. Về quy trình chế biến, hoa sau khi thu hái sẽ được tuyển lựa, chọn lọc trước khi đưa vào sấy khô bằng công nghệ sấy thăng hoa tiên tiến ở âm 50 độ C. Sau đó, hoa được đóng vào lọ thủy tinh hút chân không nhằm diệt khuẩn và giữ tuyệt đối các tinh chất của hoa trà. Vì vậy, hoa trà vẫn giữ nguyên được màu sắc, cấu trúc và đặc biệt phấn và hoạt chất dinh dưỡng. Đây chính là thành công từ việc chúng tôi áp dụng các công nghệ chế biến hiện đại bậc nhất với hệ thống nhà xưởng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu HACCP được chứng nhận bởi Trung tâm Quacert.

Trong thời gian qua, hoạt động ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được áp dụng trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Đây được xem là giải pháp then chốt để tăng năng suất, giá trị, thu nhập. Theo đó, cùng với quy hoạch, phát triển các sản phẩm chủ lực theo quy mô hợp lý, ngành Nông nghiệp Ninh Bình đã xây dựng quy trình sản xuất đảm bảo điều kiện an toàn, theo hướng hữu cơ, hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao, chú trọng những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, đặc sản, đặc hữu của tỉnh.

Đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp được áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đạt trên 35%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương đạt hơn 10%. Đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao như: vùng trồng lúa theo hướng hữu cơở các huyện: Yên Khánh, Kim Sơn với diện tích trên 500 ha, vùng trồng na trái vụ với diện tích trên 200 ha trên địa bàn huyện Nho Quan… Qua đó đã từng bước hiện đại hóa ngành Nông nghiệp theo chiều sâu, tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản.

Bà Tống Thị Thủy, Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và phân phối thực phẩm An Phú, xã Kim Chính, huyện Kim Sơn cho biết: Cũng giống như các công ty khác, khi khởi nghiệp với ngành chế biến nông sản sạch, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Công nghệ lạc hậu, chủ yếu sản xuất dưới hình thức thủ công, năng suất thấp, chi phí cao. Bên cạnh đó, sản phẩm cơm cháy của công ty còn có sự cạnh tranh gay gắt ở thị trường trong tỉnh.

Để tìm ra hướng phát triển và mở rộng sản xuất, công ty xác định phải đổi mới phương thức hoạt động, đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến phù hợp và cạnh tranh bằng chính chất lượng sản phẩm. Công ty mạnh dạn đầu tư đồng bộ dây chuyền từ sản xuất đến đóng gói sản phẩm. Hiện nay, Công ty có nhà xưởng diện tích trên 500m2 , 15 tủ sấy khô, 2 nồi hơi điện hấp cơm, nồi chiên, máy hút chân không, máy đóng gói thành phẩm...

Cùng với việc đầu tư máy móc hiện đại, Công ty đã tìm kiếm, lựa chọn các nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng tốt. "Nhờ áp dụng các máy móc, công nghệ hiện đại đã góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm.

Hiện sản phẩm cơm cháy của Công ty có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trung bình mỗi tháng Công ty xuất ra thị trường khoảng 20 tấn cơm cháy thành phẩm. Vào 3 tháng cao điểm (tháng 6 đến tháng 8 - là thời điểm mùa du lịch) năng suất đạt 30 tấn. Với giá bán dao động từ 25.000 - 50.000 đồng/gói cơm cháy ăn liền, giá trị hạt gạo cao gấp nhiều lần. Trong cuộc đua hiện nay, ai đi trước về công nghệ người đó sẽ về đích sớm hơn".

Bà Tống Thị Thủy thông tin thêm. Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, gia tăng giá trị sản xuất là mục tiêu mà các doanh nghiệp, công ty, HTX, tổ hợp tác theo đuổi. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường, thị hiếu tiêu thụ thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm thì đây cũng là yếu tố quyết định đến sự sống - còn của đơn vị. Đồng thời cũng là chìa khóa để chinh phục các thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không thể coi công nghệ là phương án chống lại điều kiện tự nhiên sẵn có, mà nên coi đó là một giải pháp về khoa học, công nghệ góp phần biến những thế mạnh trở nên mạnh hơn, khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế để tăng giá trị nông sản. Bên cạnh đó, để triển khai các khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nông sản cần tính toán, lưu ý kỹ các điều kiện.

Ông Phạm Tiến Duật, Phó Giám đốc Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia chia sẻ: Trước tiên, người chủ dự án phải có tâm huyết với ngành nông nghiệp, quyết tâm tạo ra sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Chủ đầu tư phải có đủ nguồn vốn để thực hiện dự án đến cùng, không bỏ dở nửa chừng.

Trong bài toán nguồn vốn phải đảm bảo nguồn vốn dự phòng phát sinh và dự phòng rủi ro để có thể tiếp tục thực hiện dự án khi gặp các khó khăn chủ quan cũng như khách quan. Điều quan trọng nữa là phải có quỹ đất nhất định, dài hạn. Đồng thời tính toán, không chạy theo phong trào và lựa chọn đối tượng công nghệ phù hợp với đối tượng đầu tư của mình.

Minh Hải

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-nang-cao-gia-tri-nong-san/d20220914075715942.htm