Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất cây giống

Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty giấy Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng chiến lược quy hoạch, phát triển ngành nguyên liệu giấy; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến về cải tạo giống, nhân giống nhằm tạo ra các sản phẩm cây giống, hạt giống, các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng cung cấp gỗ và nguyên liệu giấy.

Nuôi cấy mô, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây giống ở Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy.

Nuôi cấy mô, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây giống ở Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy.

Những năm qua, Viện tập trung ưu tiên nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ nhằm tạo ra các giống cây trồng lâm nghiệp mới như bạch đàn, keo lai hay công nghệ nhân giống hiện đại bằng phương pháp nuôi cấy mô; các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, phòng trừ sâu bệnh hại, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây giống, đáp ứng kịp thời nhu cầu cây giống trồng rừng của ngành giấy, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Cùng với đó, Viện tiếp tục triển khai chọn và dẫn giống, lai giống để tìm ra những giống mới có năng suất cao, kháng bệnh tốt nhằm bổ sung nguồn giống cho Quốc gia; nghiên cứu về mật độ trồng rừng, làm đất, phân bón, trồng rừng hỗn giao... Từ đó xây dựng các quy trình trồng rừng thâm canh áp dụng cho các vùng trồng rừng nguyên liệu giấy.

Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh cây giống, Viện tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức trong, ngoài nước nhằm tận dụng tối đa sự hỗ trợ, phối hợp trong xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Xây dựng chiến lược theo hướng nâng cao sức cạnh tranh về chủng loại, chất lượng sản phẩm, không ngừng hoàn thiện và đổi mới công nghệ, tạo sự chuyển biến về năng suất lao động, hạ giá thành sản xuất.

Với những thành công trong công tác chọn, tạo, nhân giống và áp dụng những thành quả vào sản xuất, hàng năm Viện sản xuất gần 3 triệu cây mầm mô phục vụ nhu cầu trồng rừng, trong đó cung cấp cho tỉnh Phú Thọ gần 2 triệu cây mầm mô. Dự kiến đến năm 2025, Viện sản xuất khoảng 6 triệu cây mầm mô/năm.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chọn tạo cây giống là biện pháp rất quan trọng nhằm đạt năng suất cao. Để có được giống cây tốt cho trồng rừng, ngoài tuyển chọn các giống thích hợp, việc nghiên cứu, tạo ra những giống mới ở Viện có các đặc tính mong muốn và các biện pháp nhân giống, sản xuất các giống đó với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu trồng rừng là rất cần thiết.

Với các chương trình trồng rừng, muốn đạt thành công, việc đầu tiên không thể thiếu là chọn giống cây trồng thích hợp. Thực tế cho thấy, năng suất rừng nguyên liệu giấy ở nước ta hiện nay vẫn còn thấp so với các nước khác, chất lượng rừng cũng chưa cao. Điều này làm giảm hiệu quả kinh tế kinh doanh rừng trồng nguyên liệu giấy. Vì vậy, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để nghiên cứu sản xuất về giống cây trồng, đánh giá khả năng thích ứng, sinh trưởng, phát triển của các loại cây lâm nghiệp, đáp ứng nhu cầu tăng năng suất, chất lượng, mở rộng vùng trồng cây nguyên liệu giấy là cần thiết.

Đồng chí Nguyễn Văn Chính- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phù Ninh chia sẻ: Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy đóng trên địa bàn xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh đã tạo thuận lợi về cây giống không chỉ cho huyện mà còn cung cấp cây giống đạt chuẩn cho địa phương, đáp ứng kịp thời nhu cầu trồng rừng của người dân. Những năm gần đây, Viện đã áp dụng quy trình nuôi cấy mô các giống mới có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất để thay thế các giống đã sử dụng nhiều năm. Cây giống do Viện cung ứng ra thị trường sinh trưởng tốt, thích nghi với vùng thổ nhưỡng khí hậu của tỉnh Phú Thọ nói chung, huyện Phù Ninh nói riêng, thời gian canh tác ngắn, năng suất cao, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng giống mới trong trồng rừng.

Hoàng Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat-trong-san-xuat-cay-giong-219751.htm