Ứng dụng khoa học và công nghệ đẩy mạnh phát triển sản xuất tại Công ty CP Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa
Với phương châm 'Lấy thương hiệu làm nền tảng, đổi mới để phát triển', trong những năm qua, Công ty CP Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa (Thephaco) không ngừng nâng cao năng lực nghiên cứu, tiếp thu ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến sự phát triển bền vững.
Công ty CP Dược – Vật tư y tế Thanh Hóa luôn chú trọng nghiên cứu, tiếp thu ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Từ khi được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) lựa chọn là doanh nghiệp KH&CN (năm 2016), Thephaco đã triển khai thực hiện Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất biofil và hyđan”. Sau 2 năm triển khai dự án, Thephaco đã làm chủ và ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới, tiên tiến như: Công nghệ sản xuất và bảo quản cao khô men bia định chuẩn; công nghệ Blow-fill-seal (phương pháp tự động tạo hình và đóng gói sản phẩm dạng lỏng); công nghệ tiệt khuẩn dung dịch thuốc biofil trước khi đóng ống nhựa; công nghệ sản xuất viên nén và viên nang hydan... Cũng thông qua dự án, Thephaco đã bào chế được dạng thuốc mới, tiện dụng, có chất lượng cao, số lượng ổn định. Thành công của dự án còn giúp Thephaco mở rộng quy mô sản xuất biofil (thuốc bổ dưỡng giúp tăng cường sức khỏe) lên 5 - 7 triệu ống/tháng; hyđan (thuốc chữa phong tê thấp) lên 145 triệu viên/năm, tạo việc làm ổn định cho 70 - 80 lao động, với mức thu nhập 5,3 triệu đồng/người/tháng. Với sản phẩm hyđan, thành công của dự án còn góp phần vào việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu ở trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Trước hết là phát triển các giống mã tiền, hy thiêm, ngũ gia bì đạt tiêu chuẩn GACP. Từ việc đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ, cũng như sự nỗ lực của mỗi cán bộ, công nhân viên, thương hiệu của Thephaco đã được khẳng định trên thị trường Việt Nam với doanh thu bình quân 800 tỷ đồng/năm, thuộc tốp 1.000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thephaco cũng tiếp tục chủ trì các đề tài, dự án cấp tỉnh và cấp bộ. Điển hình như đề tài cấp tỉnh: “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP và sản xuất một số loại thuốc đông dược truyền thống của tỉnh Thanh Hóa” với tổng kinh phí thực hiện 2,24 tỷ đồng (nghiệm thu vào tháng 3-2018). Sau khi kết thúc đề tài, Thephaco vẫn thực hiện mô hình trồng dược liệu hy thiêm, ích mẫu theo hướng GACP, phù hợp với chủ trương, xu hướng phát triển sản xuất dược liệu an toàn. Từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng như Phong tê thấp Hyđan, viên hoàn cứng Hyđan, cao ích mẫu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho quá trình sản xuất, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và góp phần bảo vệ môi trường... Ngoài ra, Thephaco đã và đang thực hiện Dự án cấp bộ: “Ứng dụng kỹ thuật bao vi nang để đổi mới công nghệ sản xuất một số dạng thuốc uống”, thực hiện từ tháng 1-2019 đến tháng 12-2020, với tổng kinh phí 64,240 tỷ đồng. Hiện đã khảo sát, đánh giá công nghệ, đang xem xét tính khả thi để tiếp tục triển khai ở giai đoạn tiếp theo...
Cùng với đó, Thephaco đã tập trung nghiên cứu, đầu tư gần 50 tỷ đồng, mua sắm máy móc, lắp đặt các dây chuyền sản xuất đồng bộ, hiện đại hướng tới công nghệ 4.0 đáp ứng yêu cầu cao của ngành dược như: Cải tạo dây chuyền Blactam thành 2 dây chuyền dòng Penicilin và Cephalosporin; lắp đặt và đưa vào sử dụng dây chuyền sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe dạng viên sủi, viên nang mềm, thuốc uống dạng ống nhựa, thuốc nước đóng chai; đã hoàn thành, chờ nghiệm thu dây chuyền sản xuất dạng viên sủi Non blactam... Hiện tại, Thephaco có 2 nhà máy sản xuất thuốc tân dược và đông dược đạt tiêu chuẩn GMP-WHO; 1 nhà máy sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe đạt tiêu chuẩn GMP. Quá trình sản xuất phần lớn được tự động hóa, giảm tối đa sự can thiệp của con người; mỗi dây chuyền đều có hệ thống camera kiểm soát tất cả các quy trình sản xuất, nhằm phát hiện kịp thời những sai sót cũng như thuận lợi khi truy cập lại số liệu khi cần thiết. Ngoài ra, Thephaco tập trung phát triển kênh phân phối thuốc (DMS). Hàng loạt các biện pháp được triển khai như: Hỗ trợ thành lập đại lý, quảng bá, giới thiệu, tiếp thị sản phẩm, áp dụng phần mềm giải pháp hiện đại hóa cách thức quản lý hệ thống phân phối ngành dược... Đến nay, công ty đã xây dựng được hệ thống phân phối trên toàn quốc với 15.800 quầy thuốc, nhà thuốc cung ứng các sản phẩm do công ty sản xuất. Năm 2020, doanh thu bán hàng qua kênh DMS đạt khoảng 83 tỷ đồng.
Sau khi được công nhận là doanh nghiệp KH&CN, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện đa dạng các loại hình nghiên cứu khoa học như thực hiện đề tài cấp tỉnh, cấp bộ; Thephaco còn đẩy mạnh các hoạt động phổ biến, triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Hội đồng khoa học của công ty luôn tạo điều kiện để cán bộ, công nhân viên tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sáng tạo và đăng ký đề tài, sáng kiến cải tiến hàng năm. Cứ một năm lại tổ chức đánh giá một lần, thẩm định lại tính hiệu quả và tổ chức tổng kết, thưởng vật chất cho những sáng kiến có hiệu quả cao. Hàng năm, công ty có trên 70 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và kinh nghiệm được áp dụng trong thực tiễn, làm lợi hàng trăm triệu đồng...
Trên cơ sở hệ thống máy móc hiện đại và nguồn dược liệu phong phú, Thephaco không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, nỗ lực nghiên cứu, hợp tác với các nhà khoa học, triển khai nhiều đề tài khoa học nhằm tạo ra các sản phẩm mới có giá trị và hiệu quả điều trị cao từ nguồn dược liệu của Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện, đầu tư dây chuyền sản xuất, định hướng theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế PIC/S-GMP (hướng dẫn thực hành tốt sản xuất thuốc của hệ thống hợp tác thanh tra dược phẩm) và EU-GMP; nghiên cứu và sản xuất sản phẩm có giá trị cao, nhằm đáp ứng nhu cầu thuốc của Nhân dân và khẳng định vị thế, thương hiệu Thephaco.