Ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao giá trị kinh tế

Thời gian qua, Hà Tĩnh luôn dành sự quan tâm đến hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Hầu hết các mô hình chuyển giao trong lĩnh vực này đều mang lại năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Nhiều mô hình ứng dụng KH - CN tăng giá trị kinh tế

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh Bùi Quang Hoàn cho biết, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH - CN thời gian qua đã bám sát định hướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước và yêu cầu thực tiễn của địa phương; các đề tài, dự án được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên phát triển như nông nghiệp, nông thôn. Từ các kết quả nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH - CN, nhiều mô hình, sản phẩm đã có thương hiệu, làm tăng giá trị kinh tế, từng bước thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Đoàn công tác Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh kiểm tra mô hình trồng cây đinh lăng làm dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao

Đoàn công tác Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh kiểm tra mô hình trồng cây đinh lăng làm dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao

Đơn cử như mô hình ứng dụng KH - CN vào nuôi nấm bào ngư của HTX Nấm bào ngư Hải Yến cho thu nhập hàng năm đạt hơn 300 triệu đồng. Giám đốc Nguyễn Thị Hải Yến chia sẻ: từ những kiến thức được học và kinh nghiệm thực tiễn, tôi hiểu rằng làm nông nghiệp cần phải ứng dụng khoa học - công nghệ mới có thể tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng đồng đều. Do đó, chúng tôi mạnh dạn vay 1 tỷ đồng đầu tư máy móc, thiết bị, trong đó, quan trọng nhất là đầu tư lò hấp hiện đại và xây dựng nhà xưởng để sản xuất phôi nấm. Cùng với đó, HTX được Sở Khoa học và Công nghệ chuyển giao về công nghệ và kỹ thuật. Lò hấp công nghệ mới không chỉ tiết kiệm nhân công mà còn cho sản lượng lớn, có khả năng khử trùng phôi nấm. Nhờ đó, không chỉ phục vụ sản xuất mà HTX còn cung ứng bịch phôi nấm chất lượng cao cho các gia đình khác.

Hay mô hình Hợp tác xã Nga Hải, đơn vị tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, có liên kết đầu ra ổn định mang lại hiệu quả kinh tế hàng chục tỷ đồng/năm. Ngoài ra, mô hình trồng lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà cũng kỳ vọng mở ra hướng đi mới, đáp ứng nhu cầu về sản xuất nông nghiệp sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều người lao động; mô hình trồng cây đinh lăng, cà gai leo làm dược liệu…

Chú trọng phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh Phan Trọng Bình, lĩnh vực bảo hộ nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm cũng được quan tâm. Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã và đang xây dựng, phát triển tài sản trí tuệ cho 19 sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực và làng nghề của tỉnh dưới hình thức nhãn hiệu tập thể như cam Vũ Quang, mật ong Vũ Quang, rau, củ, quả Tượng Sơn, mộc Thái Yên, chè Hồng Lộc, nhãn hiệu chứng nhận như cam Thượng Lộc, cam Khe Mây, cam Sơn Mai, mật ong Hương Sơn, cam Bù Hương Sơn, cu đơ Hà Tĩnh, nước mắm Kỳ Ninh, mực Thạch Kim, bánh gai Đức Yên, gạo rươi Đức Thọ - đang xây dựng và chỉ dẫn địa lý như nhung hươu Hương Sơn, bưởi Phúc Trạch, hành tăm Thiên Lộc và mai vàng Kỳ Nam - đang xây dựng. Điều đáng mừng, sau khi các sản phẩm được thiết lập quyền sở hữu trí tuệ, giá trị thương hiệu và giá trị sản phẩm tăng từ 15 - 25% và giữ ổn định, thị trường tiêu thụ được mở rộng, danh tiếng và uy tín sản phẩm từng bước được khẳng định.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh Bùi Quang Hoàn chia sẻ, Hà Tĩnh luôn xác định “khoa học công nghệ phải đi trước một bước”. Cụ thể, năm 2022, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết về một số chính sách khoa học công nghệ đến năm 2025 (trên cơ sở tích hợp các Nghị quyết chính sách về sở hữu trí tuệ, thị trường KHCN, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng). Qua đó đã tạo hành lang pháp lý về chủ trương, chính sách và kinh phí để triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn.

Việc ứng dụng những thành tựu KH - CN không chỉ nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm, hàng hóa của địa phương mà còn tạo động lực quan trọng để người dân tích cực tìm tòi, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

PHƯƠNG ANH

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/ung-dung-khoa-hoc-va-cong-nghe-nang-cao-gia-tri-kinh-te-i343316/