Ứng dụng kỹ thuật hình ảnh OCT trong can thiệp mạch vành

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang ứng dụng kỹ thuật hình ảnh OCT (chụp cắt lớp kết quang động mạch vành), ứng dụng công nghệ ánh sáng để đánh giá hình thái tổn thương mạch vành, can thiệp kịp thời, cứu sống nhiều bệnh nhân không để lại biến chứng.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ hay còn gọi là bệnh mạch vành, bệnh xơ vữa mạch vành, thiểu năng vành, suy vành… phổ biến và chủ yếu phát hiện ở người lớn tuổi, mỡ máu cao, béo phì hoặc hút thuốc lá nhiều, bệnh đái tháo đường và tiền căn gia đình bị bệnh mạch vành. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang đã sử dụng kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da để cứu sống nhiều bệnh nhân.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Trung Cang - Trưởng Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, khi can thiệp, đặt stent mạch vành cho người bệnh, các bác sĩ ở bệnh viện dựa vào kỹ thuật chụp DSA mạch máu, mạch vành tim có cản quang.

Qua hình ảnh chụp mạch máu, mạch vành có cản quang các bác sĩ thấy tổn thương mạch vành này và dựa vào hình ảnh đơn giản để can thiệp mạch máu. Dựa vào lòng mạch có cản quang qua máy DSA, bác sĩ ước lượng đoạn mạch vành và đo kích thước tổn thương và chọn kích thước stent để đặt vào chỗ tổn thương có hẹp động mạch vành của bệnh nhân.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang ứng dụng kỹ thuật hình ảnh chụp cắt lớp kết quang động mạch vành trong điều trị cho bệnh nhân.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang ứng dụng kỹ thuật hình ảnh chụp cắt lớp kết quang động mạch vành trong điều trị cho bệnh nhân.

“Cách làm này tốt nhưng cũng có điểm hạn chế nhất định, đó là không biết được hình thái động mạch vành bên trong như mô xơ vữa bị canxi (vôi hóa), mô xơ vữa chứa lipid, mô xơ vữa mô sợi, mức độ lan tỏa của tổn thương và không biết lỗ nhánh bên thế nào và tỷ lệ biến chứng của thủ thuật không tiên đoán được”, Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Trung Cang nhận định.

Để khắc phục hạn chế này, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang ứng dụng kỹ thuật hình ảnh OCT. Với kỹ thuật này, các bác sĩ đánh giá được mảng canxi nặng hay không, mảng tắt có lipid như thế nào, mô sợi, lỗ nhánh bên như thế nào. Đồng thời, có thể đo mảng tắt có dễ vỡ không, đánh giá huyết khối trắng hay đỏ và đánh giá từng lớp mạch máu… Nếu không đánh giá chính xác được những hình thái trên mà đặt stent vào thì làm tăng nguy cơ bóc tách sau thủ thuật gây tắc stent, nhồi máu cơ tim hay tái hẹp.

Ê kíp y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang thực hiện can thiệp mạch vành cho bệnh nhân.

Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Trung Cang cho biết: “Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang triển khai thường quy kỹ thuật dùng máy chụp cắt lớp kết quang động mạch vành từ đầu năm 2023 đến nay. Bệnh viện đã thực hiện trên 35 ca, tỷ lệ thành công 100% và đạt kết quả đặt stent tối ưu. Sau khi can thiệp, người bị bệnh mạch vành tim không bị biến chứng, kết quả lâm sàng bệnh nhân cải thiện tốt”.

Là một trong những bệnh nhân được can thiệp mạch vành thành công và được cứu sống kịp thời, bà Phan Thị Reo, ngụ xã Bình Giang (Hòn Đất) chia sẻ: “Tôi bị đau hết vùng ngực, không thở được và được con cháu đưa đến Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cấp cứu kịp thời. Sau khi được can thiệp, đặt stent mạch vành tôi thở được, sức khỏe cải thiện tốt”.

Hiện ở Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang đặt stent mạch vành cho nhiều bệnh nhân, trung bình một năm hơn 1.200 ca, trong đó cấp cứu chiếm gần 50%. Số lượng bệnh nhân đến khám tim mạch tại bệnh viện khoảng 300-500 ca/ngày, đa phần bệnh nhân có triệu chứng của bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân cần có chế độ ăn uống lành mạnh, không hút thuốc, kiểm soát đường, lipid máu, huyết áp và thường xuyên tập thể dục để tăng cường sức khỏe tim mạch. Nếu gia đình có người thân trực hệ bị bệnh mạch vành nên khám tầm soát bệnh mạch vành định kỳ.

Bài và ảnh: VĨ AN

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//y-te/ung-dung-ky-thuat-hinh-anh-oct-trong-can-thiep-mach-vanh-14230.html