Ứng dụng sáng kiến, nâng chất lượng huấn luyện
Xác định công tác nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật là nội dung quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 3 (Quân khu 1) luôn tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ phát huy tính sáng tạo để có nhiều sáng kiến hay, cải tiến tốt, ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn huấn luyện, diễn tập và sẵn sàng chiến đấu.
Phát huy tính sáng tạo của bộ đội
Ngay từ đầu năm, Sư đoàn 3 đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức hội thao, hội thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Qua đó đã lựa chọn, công nhận 11 sáng kiến, cải tiến tiêu biểu trong số 172 sản phẩm để nhân rộng phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đều xuất phát từ quá trình huấn luyện nên rất thiết thực và được áp dụng, nhân rộng.
Tham quan thực tế tại thao trường Trung đoàn 12 cho thấy đơn vị đang áp dụng sáng kiến “Bộ chân bia ẩn hiện, vận động, chạm đổ tự động, điều khiển từ xa ban ngày và ban đêm”. Hàng chục bộ chân bia mới gọn nhẹ được các chiến sĩ nhanh chóng lắp đặt. Với một người có thể điều khiển hàng chục chân bia cùng lúc, đồng thời không phải lên tuyến bắn nên rất an toàn khi bắn đạn thật.
Theo Thượng úy Tăng Xuân Nghĩa, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4, trước đây để điều khiển bia chúng tôi cần 8 người, với chân bia mới thì chỉ cần 1 người, nhờ đó quá trình chuẩn bị không chỉ giảm về nhân lực mà còn bảo đảm tính cơ động, dễ lắp đặt, bảo quản, chống nước, chịu nhiệt độ cao, chí phí sản xuất giảm 80%.
Đối với nội dung huấn luyện ném lựu đạn ban đêm, do trời tối, mục tiêu bố trí tương đối xa, cán bộ huấn luyện, duy trì luyện tập không thể quan sát được kết quả của người học một cách chính xác. Để khắc phục hạn chế trên, Thượng úy Nguyễn Ngọc Được, Tiểu đoàn 6 cũng đã nghiên cứu, chế tạo “Thiết bị báo kết quả ném lựu đạn ban đêm”. Thiết bị không chỉ giúp đánh giá chính xác kết quả huấn luyện mà còn giúp người chỉ huy có thể điều chỉnh phương pháp huấn luyện cho phù hợp. Đối với các chiến sĩ có thể biết ngay kết quả thực hành, từ đó điều chỉnh hướng ném, khoảng cách để đạt kết quả cao.
Tại Trung đoàn 2, một trong những khó khăn trong công tác huấn luyện đó là việc sử dụng bộ loa tạo giả tiếng tas được cấp rất cồng kềnh, mất công sức vận chuyển, bố trí tốn rất nhiều thời gian. Quá trình huấn luyện thường xảy ra hỏng hóc do kết nối yếu, nguồn điện chưa bảo đảm…
Trung úy Nguyễn Văn Lừng, Đại đội 10, Tiểu đoàn 3 đã nghiên cứu, chế tạo bộ “Loa tạo giả tiếng tas từ xa”. Cấu tạo gồm loa, điều khiển, củ sạc, micro có dây, USB, thẻ nhớ, dây đeo, túi đựng. Đây là học cụ có cấu tạo gọn nhẹ, có nguồn điện chạy bằng pin nên không tốn công sức bố trí cũng như mang vác trong quá trình hành quân, đồng thời dễ sử dụng, bảo quản, sửa chữa đơn giản. Khi huấn luyện đội ngũ chiến thuật, người huấn luyện có thể khớp khẩu lệnh với điều kiện thực tế thao trường và người tập.
Thiết bị được điều khiển từ xa với khoảng cách 1.000 m mà không cần người phục vụ. Loa phát được âm thanh phù hợp với các hình thức chiến thuật và các tình huống nêu trong khi huấn luyện cũng như tạo giả âm thanh mà chỉ cần bấm nút điều khiển từ xa. Khi nghỉ giải lao giữa các buổi học cũng như trong các giờ nghỉ, ngày nghỉ tại đơn vị, loa có thể sử dụng phát các bài hát đối với chiến sĩ và người học, tạo ra không khí thoải mái, nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội.
Lan tỏa phong trào thi đua
Sau các hội thi, để sáng kiến, cải tiến kỹ thuật thực sự có giá trị trong thực tiễn, các đơn vị thuộc Sư đoàn 3 quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, hỗ trợ kinh phí để các tác giả tiếp tục củng cố, hoàn thiện sản phẩm đưa vào sản xuất số lượng lớn, phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Lịch, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3, hằng năm, nội dung nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được xác định cụ thể trong nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy và kế hoạch công tác của chỉ huy. Trong điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm huấn luyện còn khó khăn, việc nghiên cứu tạo ra những sản phẩm mới, có giá trị ứng dụng cao trong huấn luyện càng có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao tính trực quan, sinh động, kích thích tinh thần tích cực, hứng thú học tập của bộ đội. Nhận thức rõ điều đó nên các đơn vị đều thi đua sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và đưa vào áp dụng trong thực tiễn.
Nhiều sáng kiến tuy đơn giản, song tính ứng dụng khá cao, tiêu biểu như: “Đèn giới hạn bắn tự động”, "Phao bơi đa năng", “Thiết bị báo kết quả ném lựu đạn ban đêm”, “Thiết bị lấy hướng, phân chia trận địa SMPK 12,7 mm ban đêm”… Sư đoàn cũng đã xây dựng được nhiều mô hình điểm, đó là "Câu lạc bộ kỹ thuật", "Tổ khoa học kỹ thuật", phong trào "Tuổi trẻ sáng tạo", “Thanh niên Quân đội tiến quân vào khoa học và công nghệ”.
Đồng thời, đưa hoạt động nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trở thành phong trào thi đua của mỗi cán bộ, chiến sĩ từng cơ quan, đơn vị. Từ năm 2020 đến nay, các đơn vị đã nghiên cứu, cải tiến được hơn 500 sản phẩm. Trong đó, hàng trăm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng hiệu quả trong huấn luyện, diễn tập, nhiều sáng kiến được lựa chọn tham gia thi cấp Quân khu đạt kết quả cao.
Bài, ảnh: Trung Anh